Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phòng và điều trị tăng huyết áp tại nhà không khó

Người bị bệnh tăng huyết áp, ngoài việc đến chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hoàn toàn có thể điều trị cũng như phòng bệnh tại nhà, nếu biết cách.

Những nhận biết sai lệch

Khi thấy nhức đầu, mờ mắt... nhiều người nhầm tưởng mình bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Tăng huyết áp không có những triệu chứng ồn ào, cũng như có đến 90-95% không rõ nguyên nhân. Thế nhưng, khi bệnh tái phát lại dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Những khi gia đình có chuyện buồn lại khiến chị Giang (40 tuổi, xóm 10 Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, tim đập nhanh... Cứ tưởng chỉ đơn thuần là suy nhược cơ thể, không ngờ khi nhập viện bác sĩ chẩn đoán chị bị tăng huyết áp do hẹp động mạch chủ.

Như trường hợp của anh Trung (ngõ 12, đường Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) lại "nhầm tưởng" mình bị tăng huyết áp. Hơn một năm nay anh tăng cân nhanh, thỉnh thoảng bị đau đầu, hoa mắt. Theo lời “chẩn đoán” của người nhà và bạn bè thì anh bị tăng huyết áp. Lại cũng theo lời khuyên của mọi người, anh nhịn ăn để giảm cân và mua các loại thảo dược có tính mát về hãm nước uống. Đến khi phải nhập viện anh mới tá hỏa với kết quả huyết áp thấp (90/50mmHg).

Bởi vậy, ngoài việc đi khám định kỳ để phát hiện bệnh, mỗi gia đình nên có một máy đo huyết áp cá nhân. Tuy nhiên, việc mua máy, theo dõi huyết áp tại nhà cũng cần có những hiểu biết nhất định và được sự hướng dẫn của bác sĩ, những người có chuyên môn trong lĩnh vực này để tránh những ngộ nhận đánh tiếc.

Theo Tiến sĩ Đoàn Thanh Tâm, nguyên Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, chỉ nên đo huyết áp 1 - 3 lần trong ngày, mỗi lần nên đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình. Trước khi đo phải nằm nghỉ tuyệt đối khoảng 15 phút. Đồng thời, không được uống rượu, cà phê hay hút thuốc lá trước khi đo huyết áp 30 phút. Ngoài ra, không nên đo huyết áp sau khi ăn hoặc khi mới ngủ dậy.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Oanh Oanh, Chủ nhiệm khoa Tim mạch, Học viện Quân y khuyên: "Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, nhất là những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là phải tùy vào độ tuổi, cơ địa của từng người để có liều lượng thuốc phù hợp. Ở người già, hạ huyết áp phải hạ từ từ, với liều khởi đầu chỉ bằng một nửa so với người trẻ".

Chủ động trong điều trị

Vốn biết mình bị huyết áp cao, nên bà Đoàn Thị Thiệp (67 tuổi, khu B2, tập thể ĐH Bách Khoa Hà Nội), rất cẩn trọng trong việc ăn uống, duy trì tập thể dục hàng ngày kết hợp với dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bữa chính của bà Thiệp là cơm hoặc cháo nấu từ gạo lứt, kết hợp với thực phẩm nhiều chất xơ, chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật, ăn nhạt, ăn nhiều rau, trái cây... Vì thế, chỉ sau một tháng tái khám, bà đã giảm huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) 8-14mmHg và duy trì ở mức dưới 140/90mmHg.

Ngoài ra, nên tránh sử dụng thường xuyên các chất kích thích dễ làm tăng huyết áp như thuốc lá, cà phê, rượu. Với những người bị tăng huyết áp độ 3 thì tuyệt đối không dùng.

Việc đảm bảo chế độ ngủ, nghỉ, cũng như tránh trạng thái căng thẳng, xúc động, lo âu cũng là một cách giúp người bệnh phòng và điều trị tăng huyết áp tại nhà hiệu quả.

Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì nên chủ động tới bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch để khám, không chờ đến hẹn để ngăn ngừa tai biến do tăng huyết áp.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp được biểu hiện ở 3 mức độ:

- Tăng huyết áp độ 1 (tăng huyết áp nhẹ): 140-159/90-99mmHg;

- Tăng huyết áp độ 2 (tăng huyết áp trung bình): 160-179/100-109mmHg;

- Tăng huyết áp độ 3 (tăng huyết áp nặng): 180/110mmHg.

Hà Trang

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/phong-va-dieu-tri-tang-huyet-ap-tai-nha-khong-kho-26387/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY