Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Phụ nữ bị thiếu quá nhiều axit folic, cơ thể sẽ có 4 triệu chứng cực kỳ dễ nhầm lẫn với bệnh vặt, khuyến cáo 4 nhóm người cần chú ý để bổ sung

Thiếu hụt axit folic là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng và làm suy giảm hệ miễn dịch.

Trong giai đoạn thai kỳ, phụ nữ mang thai luôn được nhắc nhở cần bổ sung đầy đủ axit folic. Axit folic có tên gọi khác là vitamin B9, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của bà bầu và trẻ sơ sinh. Thực tế, không chỉ riêng phụ nữ mang thai, axit folic là dưỡng chất cần thiết với tất cả mọi người.

Axit folic tham gia vào hoạt động chuyển hóa protein và vitamin B12, thúc đẩy việc sản xuất và trưởng thành của các tế bào hồng cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàm lượng axit folic mà người trưởng thành cần bổ sung mỗi ngày là 200-400 microgam, còn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần khoảng 30-45 microgam.

Axit folic tự nhiên được tìm thấy trong các loại thực phẩm dưới dạng folate, chẳng hạn như rau lá xanh, trái cây, bột yến mạch, ngũ cốc, các loại hạt và thịt. Thiếu hụt axit folic là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng và làm suy giảm hệ miễn dịch.

4 triệu chứng thiếu axit folic mà phụ nữ hay bỏ qua

- Da nhợt nhạt, cơ thể mệt mỏi

Thiếu hụt axit folic sẽ ức chế quá trình tổng hợp DNA, nucleoprotein không được sản sinh đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào hồng cầu trong tủy xương. Sau đó, tế bào không được tăng sinh và chậm phân chia, thể tích tế bào tăng, dẫn đến bệnh thiếu máu. Bệnh nhân thường có dấu hiệu của tình trạng thiếu máu, bao gồm người xanh xao, chóng mặt và mệt mỏi.

- Tăng huyết áp

Nếu cơ thể thiếu axit folic sẽ làm tăng nồng độ homocysteine trong máu, điều này kích hoạt các gen tăng sinh của tế bào nội mô mạch máu và gây ra các bệnh tim mạch, trong đó biểu hiện điển hình là tăng huyết áp.

- Đau đầu, chóng mặt, giảm trí nhớ

Nếu cơ thể không được cung cấp đủ axit folic sẽ suy giảm các chức năng của thần kinh, dẫn đến hiện tượng đau đầu, chóng mặt và giảm trí nhớ.

- Chán ăn, buồn nôn

Suy giảm hàm lượng axit folic gây ra viêm lưỡi, dẫn đến bệnh "lưỡi bò" (tình trạng bề mặt trước và mặt sau của lưỡi có màu đỏ tươi). Đồng thời, thiếu hụt axit folic cũng có thể làm teo niêm mạc dạ dày, người bệnh có biểu hiện chán ăn, buồn nôn, nôn và chướng bụng.

Những đối tượng nào cần chú ý bổ sung axit folic?

1. Phụ nữ mang thai

Phụ nữ trưởng thành, khỏe mạnh cần được bổ sung 50-100ug axit folic mỗi ngày, trong khi con số này với phụ nữ mang thai là 300-400ug axit folic/ngày. Trong giai đoạn đầu thai kỳ, nếu cơ thể cung cấp đầy đủ axit folic sẽ ngăn ngừa bệnh dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể tăng lên trong quá trình mang thai, do đó thai phụ cần chủ động bổ sung nhiều thực phẩm có chứa axit folic để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Thiếu hụt axit folic là nguyên nhân khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh lý trong thai kỳ.

2. Người bệnh tăng huyết áp

Bệnh nhân tăng huyết áp cần chú trọng việc bổ sung axit folic để giảm hàm lượng homocysteine gây hại. Dư thừa homocysteine là một trong những “thủ phạm” gây ra bệnh tim mạch, thúc đẩy xơ vữa động mạch và hình thành các cục máu đông.

3. Người bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ

Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ hầu hết do thiếu vitamin B12 và folate. Nếu cơ thể không đủ axit folic, các mô và tế bào trên cơ thể có thể bị ảnh hưởng. Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đánh trống ngực, khó thở, da và niêm mạc nhợt nhạt… Chính vì vậy, người mắc thiếu máu hồng cầu khổng lồ cần chú ý bổ sung đầy đủ axit folic để không làm bệnh tiến triển trầm trọng hơn.

4. Người mắc các bệnh tâm thần

Suy giảm hàm lượng axit folic trong cơ thể có liên quan đến sự phát triển của các bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng quá độ, tâm thần phân liệt, đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ.

Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng có đầy đủ axit folic là không lo tình trạng thiếu chất. Tuy nhiên, với bệnh nhân thiếu hụt axit folic do các bệnh lý khác nhau thì có thể dùng viên uống bổ sung axit folic. Liều lượng và cách dùng Thu*c cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/phu-nu-bi-thieu-qua-nhieu-axit-folic-co-the-se-co-4-trieu-chung-cuc-ky-de-nham-lan-voi-benh-vat-khuyen-cao-4-nhom-nguoi-can-chu-y-de-bo-sung-20210925194822914.chn)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY