Tại sao ra huyết trắng trong thời gian mang thai
Trong những tháng đầu và giữa của thai kỳ, do sự gia tăng của hormone estrogen và lưu lượng máu, huyết trắng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn bình thường.
Ngoài ra, vào những tháng cuối của thai kỳ, chất nhầy cổ tử cung sẽ tập hợp lại thành nút nhầy, bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm khuẩn. Tới giờ G, khi dạ con bắt đầu co thắt, nút bảo vệ này bung ra, thoát ra qua đường âm đạo của mẹ.
Trường hợp thai dưới 37 tuần và nhận thấy lượng chất nhầy cổ tử cung thoát ra nhiều hơn bình thường, mẹ bầu nên báo với bác sĩ. Đây có thể là một trong những dấu hiệu sinh non.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên lưu ý đối với trường hợp huyết trắng có mùi hôi, đổi màu vàng, xanh hay trắng đục đi kèm với các triệu chứng ngứa, khó chịu khi đi tiểu hoặc khi quan hệ. Đây là một trong những dấu hiệu của việc nhiễm trùng âm đạo. Trong trường hợp này, mẹ bầu nên đi khám phụ khoa để được điều trị sớm.
Tuy không gây khó khăn khi điều trị, nhưng nếu để bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Đặc biệt các trường hợp ra nhiều huyết trắng do viêm nhiễm âm đạo, nếu không được điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Làm gì khi bị ra huyết trắng khi mang thai?
- Việc tăng chất nhầy cổ tử cung là hiện tượng bình thường trong thai kỳ. Mẹ bầu có thể sử dụng băng vệ sinh hằng ngày, loại không mùi hoặc thường xuyên thay đổi quần lót.
- Chú ý luôn giữ cho “cô bé” khô thoáng và sạch sẽ. Khi vệ sinh vùng kín, mẹ bầu nên vệ sinh từ trước ra sau, tránh để vi khuẩn từ hậu môn thâm nhập vào vùng kín.
- Cẩn thận khi dùng sữa tắm hoặc các dung dịch vệ sinh vì lúc này, vùng kín của bạn đang mẫn cảm hơn bình thường
- Không sử dụng khăn lau có mùi thơm, hoặc xịt khử mùi vùng kín
- Không nên thụt rửa sâu âm đạo vì cách này sẽ làm phá vỡ môi trường cân bằng tự nhiên của âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Mặc đồ lót rộng rãi thoáng mát.
Thanh Quế
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: