Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Rong kinh cơ năng: Đơn giản thành nguy hiểm

(SKGĐ) Nhiều người chấp nhận “cơ địa của mình ra máu nhiều hơn người khác” nên đã biến những kỳ kinh nguyệt bất thường thành thủ phạm gây ung thư, hiếm muộn.

Có kinh là cấp cứu

“Bị như thế này mà giờ mới tới hả em, mặt xanh mét đi thế kia, trời ơi…”, đó là lời bác sỹ vừa trách giận vừa thương khi thấy chị Lê Thị Tuyết bước vào, miệng thì thào “Em ra máu kinh nhiều quá, 10 ngày nay rồi”. Ngay sau khi siêu âm đầu dò, test thai nhanh (sợ chửa ngoài tử cung làm ra máu), bác sỹ chỉ định cho chị Tuyết một loại thuốc tiêm và nhấn mạnh “tiêm mông nhé, tiêm bắp tay buốt không chịu nổi đâu”, cùng một số loại thuốc rửa và đặt sau khi hết kinh. Sau đó, bác sĩ còn dặn dò “Nhớ tái khám và điều trị dứt đi”.

Vì cái chứng rong kinh này nên mỗi lần thấy dấu hiệu đèn đỏ, chị Tuyết lại lo lắng, mệt mỏi, làm việc mất tập trung, đi đâu cũng ngại và chị cũng chẳng rõ chu kỳ của mình. Mỗi lần “bị”, chị lại tiêu tốn một cơ số băng vệ sinh, có những đêm nằm ngủ phải lót hai lần ga trải giường. Cũng vì thế mà quan hệ vợ chồng của chị xảy ra trục trặc, anh hay trêu “em liên tục phải đóng bỉm thế”, có khi thở dài “thôi, mất vệ sinh”. Đã lấy chồng gần năm nhưng chị vẫn chưa thụ thai được.

Tình trạng này với chị Tuyết không phải lần đầu, chị thường bị kinh nguyệt kéo dài đã 2 năm nay, có lần kéo dài 10 ngày, có khi hơn hai tháng lại ra và âm ỉ kéo dài 15 ngày. Trước khi cưới chồng, chị từng đến phòng khám, bác sĩ kê thuốc tránh thai nhưng chị ngại không uống, kỳ kinh nào 8-10 ngày, vẫn “chịu được” thì chị mặc kệ, lần nào ra nhiều hơn, mệt mỏi quá, chị mới lại đến bác sỹ để cầm máu bằng thuốc tiêm mông.

Bác sĩ Nguyễn Thúy Hà, phòng khám 68, Dốc Phụ sản Hà Nội chia sẻ: Kinh nguyệt bình thường chỉ kéo dài 2-6 ngày, lượng máu kinh mất 20-60ml còn rong kinh là hiện tượng kéo dài hơn 7 ngày, ra nhiều máu, hay đau bụng. Rong kinh kéo dài sẽ làm bệnh nhân mất máu, thiếu máu mạn tính, không điều trị kịp thời có thể giảm khả năng thụ thai vì buồng trứng kém hoặc không phóng noãn. Tình trạng máu kinh ra nhiều ngày làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo, vòi trứng… Tiêm cầm máu chỉ khắc phục tức thời giúp bệnh nhân hồi sức, tránh mất máu cấp, còn điều trị phải có liệu trình mới dứt điểm.

Dễ chữa và dễ biến chứng

Rong kinh có hai loại là: rong kinh cơ năng (không có tổn thương ở tử cung, buồng trứng) và rong kinh thực thể biểu hiện của bệnh u xơ tử cung, đa nang buồng trứng. Nếu là rong kinh thực thể thì nó chỉ là một triệu chứng trong nhiều triệu chứng của bệnh lý tổn thương buồng trứng, tử cung.

Nguyên nhân của rong kinh cơ năng thường là do rối loạn nội tiết tố, số ít là do rối loạn đông máu và không nhiều nguy hiểm tức thời như rong kinh thực thể. Bệnh thường gặp ở người trẻ và những người tiền mãn kinh do ở độ tuổi này, các vòng kinh thường không phóng noãn, không có hoàng thể và không chế tiết progesteron - một chất rất cần thiết để giúp nội mạc tử cung bong gọn, bong triệt để (giúp kinh nguyệt chấm dứt). Do nội tiết nên điều trị rong kinh cơ năng về cơ bản là dùng oxytocin để cầm máu nhanh trong chu kỳ hiện tại và uống thuốc tránh thai hỗn hợp để cân bằng nội tiết tố cho các chu kỳ tiếp theo.

Với những đối tượng đã có con, không cần sinh con nữa thì dùng biện pháp nạo nội mạc tử cung. Những biện pháp trên rất dễ thực hiện để điều trị bệnh, tuy nhiên nhiều người không điều trị triệt để, không uống thuốc theo chỉ định nên các chu kỳ rối loạn kéo dài. Hậu quả là thiếu sắt, thiếu máu hoặc gây tình trạng mất máu cấp tính trong một chu kỳ nào đó, không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Phụ nữ trước tuổi sinh đẻ để kéo dài sẽ tái phát nhiều lần, cả khi lấy chồng và gây ra những tổn thương vùng dưới đồi, khó phục hồi, khó mang thai. Còn những phụ nữ tiền mãn kinh để rong kinh kéo dài sẽ dễ biến chứng thành ung thư nội mạc tử cung.

Những biểu hiện không thể bỏ qua

Dân gian có người quan niệm người bị “máu trâu” thì kinh nguyệt nhiều là lẽ thường vì thế có rất nhiều người không cho đó là bệnh, không điều trị. Thực tế, kinh nguyệt có người ra ít, gần như không ảnh hưởng tới sinh hoạt, có người lại ra ào ạt, tràn băng vệ sinh song nhanh hết thì đều là bình thường. Nhưng khi kinh nguyệt thường kéo dài hơn 7 ngày, liên tiếp từ 3 chu kỳ trở nên thì bạn nên đi khám ngay. Rong kinh cần điều trị còn có thêm những triệu chứng sau:

- Cần phải dùng một lúc 2 cái băng hoặc thay băng liên tục, kéo dài trong nhiều giờ.

- Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, gồm những cục máu đông lớn

- Kinh nguyệt nhiều đến nỗi không làm việc bình thường được, hay thở ngắn, thở dốc.

- Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Đừng nhầm rong kinh và rong huyết

Rong kinh là tình trạng chảy máu kéo dài từ buồng tử cung, lượng nhiều và có chu kỳ. Rong huyết là tình trạng máu âm đạo có thể xuất phát từ buồng tử cung hay chỗ khác, không có chu kỳ, lượng có thể nhiều hay ít (nguyên nhân do thuốc tránh thai, do viêm nhiễm, do quan hệ tình dục sai tư thế…).

Để phân biệt ra máu kinh nguyệt với ra máu không phải kinh nguyệt, phải dựa vào những hiện tượng thường gặp khi hành kinh như: mỏi lưng, đau lưng trước khi ra máu, lượng máu nhiều vào vài ngày sau chứ không phải nhiều ngay từ ngày đầu, máu không đông, không có cục.

Minh Thanh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/rong-kinh-co-nang-don-gian-thanh-nguy-hiem-13058/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY