Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Sắc Xuân trên núi Kà Đay

(MangYTe) - Tộc người bé nhỏ có tên gọi Mã Liềng, hay là Mơ Leng, tên của một loài đại bàng trên núi đá.

Những con người vốn chỉ quen sống trong hang đá, lang thang từ cánh rừng này sang ngọn núi khác ấy, giờ đã biết thành lập, xây dựng Chi bộ Đảng, biết trồng lúa nước, cây ăn quả, cây hoa màu kết hợp phát triển chăn nuôi. Cơm đủ ăn, áo đủ mặc, trẻ em được đến trường, đối với đồng bào Mã Liềng Tết này vì thế cũng vui hơn.

Ám ảnh lời nguyền

Cách đây mấy chục năm, có một tộc người sống biệt lập trong các cánh rừng hoang rậm dưới chân núi Kà Đay. Tất thảy già trẻ, lớn bé sống đu bám vào mái đá, săn bắt, hái lượm chả khác gì thời nguyên thủy. Đến khi được chính quyền địa phương phát hiện và đưa về với “thế giới văn minh”, họ đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tết của người Chứt giờ no ấm, đủ đầy hơn (Ảnh: P.Đức)

Tuy được coi là một bộ phận thuộc nhóm dân tộc Chứt, cùng với người Sách, Rục, Arem, Mày (phân loại Dân tộc học - NXB Văn hoá Dân tộc - 1994). Song hiện nay, tộc người Mã Liềng chỉ còn khoảng 1.200 người. Cuộc sống của họ có nhiều nét văn hoá và cấu trúc xã hội tương đối đặc sắc. Họ có niềm tin vào thần rừng, ma tổ tiên, thầy cúng được xem là người có thể truyền đạt nhu cầu của người dân với thần linh; già làng là người đứng đầu, quyết định mọi hoạt động của bản.

Trước đó, người Mã Liềng (hay gọi là người Chứt) đã có ước mơ vượt dãy Giăng Màn từ lâu lắm rồi. Từ khi những đứa trẻ sinh ra trong hang núi, gọi nhau bằng tên các loài cây rừng và đều có chung họ Nai - tên của loài vật hiền lành, dễ thương và có cùng kiếp sống lầm lũi như dân bản. Vượt núi là vượt ra khỏi lời nguyền trong hang đá để thấy được ánh mặt trời, lên được vùng đất của Giàng để có cơm no, áo mặc và được sung túc, an vui. Nhưng bao đời nay người già trong bản đã bảo rằng khó lắm, lời nguyền đã định rồi, dân tộc Chứt đời này qua đời khác phải khổ như con dúi trên rừng ấy. Thế nên tiếng đàn Trơbon mới nghèn nghẹt, nấc lên như tiếng khóc.

Những suy nghĩ ăn sâu vào dân bản là vậy, nhưng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nghĩ khác. Bộ đội khẳng định rằng, người Chứt đã vượt biết bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu quả đồi mà có đến được vùng đất của Giàng đâu? Mặc dù để thay đổi tư duy bao đời nay của người Chứt là điều không hề dễ nhưng những cán bộ chiến sỹ mang quân hàm xanh đã bám rừng, bám bản, âm thầm đưa từng con chữ, nếp nghĩ, cách làm, ươm mầm cho sự hồi sinh, ghi danh tộc người Chứt vào cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhờ sự kiên trì của cán bộ, dần dà sự an phận và biếng nhác to như quả núi đã không còn ám ảnh, đè nặng trong ý thức của người Chứt. Họ đã quyết tâm bỏ lại cuộc sống “ăn hang ở lỗ”, bỏ lại lời thề thiêng nơi hốc đá để hạ sơn. Và cũng bắt đầu từ đó, họ đã biết học cái chữ Bác Hồ, lấy họ Bác Hồ và sống định canh, định cư để mong vượt qua được cái định mệnh nghèo đói, bệnh tật ngàn đời đeo đẳng.

Năm 1967, cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê mới phối hợp với lực lượng Công an vũ trang Hà Tĩnh đưa được tám hộ về Bản Giàng 2 của xã Hương Vĩnh cư trú. Mặc dù được ổn định chỗ ở nhưng với thói quen bấy lâu nay, mùa nắng bà con vẫn lũ lượt kéo nhau vào rừng, mùa mưa mới chịu quay về bản. Ấy là chưa kể do hủ tục lạc hậu, người Chứt còn mâu thuẫn, không thể hòa nhập với một số tộc người bản địa. Và một lần nữa, năm 1976, chính quyền địa phương đã đưa bà con về định cư tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh).

Sau khi “Dự án phát triển kinh tế xã hội dân tộc miền núi” được triển khai vào tháng 6 năm 2001, tổ công tác cắm bản Rào Tre của BĐBP Hà Tĩnh được thành lập. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt hết sức quan trọng, đó là Bộ đội Biên phòng chính thức đứng ra đùm bọc, cưu mang dân bản. Được sự chở che, thương yêu từ nhiều phía, sự nỗ lực dạy chữ của các chiến sỹ biên phòng, các thầy cô giáo cắm bản nên gần đây, 30 hộ dân với 118 nhân khẩu người Chứt ở Rào Tre đều biết nói tiếng Kinh, trong đó hơn một nửa đồng bào biết chữ.

“Cõng” ước mơ vượt núi

Thành quả đạt được là hết sức lớn lao, nhưng phải khẳng định rằng con đường gieo chữ cho người Chứt không hề đơn giản. Ở Rào Tre có một sự ngược đời là học sinh không bao giờ vào lớp trước cô giáo và thay vì phải nộp học phí cho nhà trường thì mỗi đứa trẻ khi đi học còn được tặng... tiền từ quỹ học bổng Vừ A Dính. Cô giáo chẳng khác gì người mẹ, chăm chút cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ, lo cho các em từ cây bút, tập vở...

Giờ đồng bào Chứt đã biết trồng lúa nước

Nhiều chiến sỹ, cán bộ Đồn Biên phòng 575 đều xác định được tư tưởng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh ruột thịt”. Do vậy anh em luôn nhiệt tình đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền vận động họ đến học chữ. Vận động được rồi, lại phải mày mò nghiên cứu tìm ra phương pháp để làm sao đưa chữ đến từng đối tượng được hợp

Nói như vậy để thấy được rằng trong sự lớn khôn của mỗi đứa trẻ người Chứt, trong mỗi bàn tay trẻ viết lên trang giấy trắng những dòng chữ đầu tiên, nói những câu tiếng Việt đầu tiên chứa đựng biết bao tâm huyết, sức lực của những bậc “cha mẹ” người Kinh đã tận tụy hết lòng. Một thế hệ mới của người Chứt đã và đang lớn dần lên dưới sự che chở, vun xới của cả cộng đồng.

Vượt qua bao núi cao, thác dữ, bao định mệnh đeo đẳng ngàn đời với sự nỗ lực hết mình từ nhiều phía, giờ đây 100% con em người Chứt ở Rào Tre trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Do có sự phối hợp giữa trường Dân tộc nội trú với Bộ đội biên phòng, đặc biệt là Đồn 575 đã vận động đưa đón các em đi học. Các em đều thực hiện đầy đủ nội quy của nhà trường, nhiều em đã trở thành những cán bộ, những sinh viên các trường Đại học và có nhiều em đang học tại trường đạt kết quả tốt.

Những cô bé, cậu bé hôm nay biết vượt rừng về huyện trọ học rồi đây sẽ vươn tới những chân trời tri thức cao hơn, tiến những bước xa hơn về cuối nguồn dòng Ngàn Sâu trầm lặng. Các em chính là những hạt giống người Chứt đã được đôi tay cộng đồng xã hội và trên hết là của các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Hà Tĩnh vun xới, ươm trồng để tộc Chứt gặt được nhiều mùa vàng bội thu hơn trong tương lai.

Tết ấm no, xuân hy vọng

Giờ, bản Rào Tre yên bình và mộc mạc như bất cứ những bản làng khác trên dải đất biên cương của Tổ quốc. Dưới chân ngọn núi Kà Đay, những con người vốn chỉ quen sống trong hang đá, lang thang từ cách rừng này sang ngọn núi khác đã biết thành lập, xây dựng Chi bộ Đảng, biết trồng lúa nước, cây ăn quả, cây hoa màu kết hợp phát triển chăn nuôi để bữa ăn thêm no, đêm ngủ thêm ấm và nhất là con em được đến trường. Có lẽ vì thế mà tết này đồng bào cũng vui hơn.

Xưa kia, người Chứt mỗi năm thường chỉ tổ chức hai lần ăn Tết, đó là Tết Lấp Lỗ (ngày 7/7 âm lịch) và Tết Chăm Cha Bới (đầu tháng 11 âm lịch). Theo tiếng Chứt, Chăm Cha Bới có nghĩa là mừng cơm mới. Đó là khi mùa màng thu hoạch xong, người Chứt lại tổ chức đón tết này để tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cái sinh sôi nảy nở và chào đón mùa vụ mới.

Còn trong ngày Tết Lấp Lỗ, người Chứt lên núi, cúng trời đất bằng những con lợn sống, gà sống rồi mổ lợn, làm gà ăn Tết ngay trên nương. Trong bữa cơm thiêng liêng ấy, người ta thường tặng nhau bó đũa, mong mọi người biết đùm bọc, thương yêu nhau và ước nguyện một năm “mưa thuận gió hòa, cơm đầy nồi, thịt treo đầy gác bếp”.

Trước đây, khi còn ở trong rừng sâu, cuộc sống du canh du cư vô cùng thiếu thốn nên vào ngày Tết Chăm Cha Bới hay Tết Lấp Lỗ, người Chứt chỉ săn bắt con dúi, con gà rừng… để cúng ma rừng, ma rú. Kể từ khi được Bộ đội Biên phòng phát hiện, đưa về sinh sống tại bản Rào Tre, rồi nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, ngày tết của người Chứt mới dần được đủ đầy. Và, cũng kể từ đó, người Chứt bắt đầu ăn Tết Nguyên đán như bao dân tộc khác trên đất nước Việt Nam.

“Giờ dân bản không còn thiếu đói như ngày xưa nữa, con trẻ cũng được học hành, Tết này Rào Tre cũng vui hơn”, trưởng bản Hồ Thị Kiên hồ hởi. Quả thật, dù người Mã Liềng ở Rào Tre chưa hẳn đã đoạn tuyệt với đói nghèo, song nhìn từng đàn trâu bò béo tốt nằm ghếch mũi điềm nhiên, lũ lợn ủn ỉn tìm thức ăn hay đàn gà đỏ một góc bản đã minh chứng một điều: Đồng bào ở đây đã biết cung cách làm ăn. Nhiều gia đình lúa rẫy đựng đầy trong các bao, chất cao vợi một góc nhà. Bản đang từng bước chuyển mình...

Ngày lại ngày mặt trời vẫn chiếu sáng trên đỉnh Kà Đay, mang ánh sáng chan hòa soi xuống dòng Rào Tre, thắp sáng ước mơ vượt núi của đồng bào Chứt. Ngày lại ngày, người Chứt vẫn cần mẫn sớm tối trên nương. Dẫu họ chưa lên được vùng đất của Giàng nhưng cuộc sống hôm nay đã no ấm, yên vui….. Và tiếng đàn Trơbon dường như cũng vang hơn, mỗi sáng.

Chia tay Rào Tre khi làn khói lam chiều quyện dài trên đỉnh núi Kà Đay. Câu nói thật thà của trưởng bản Hồ Thị Kiên “Những gì người Mã Liềng có được hôm nay đều nhờ Bác Hồ, nhờ công bộ đội” như nhớ về một quá khứ lam lũ không xa nơi rừng xanh, hang đá. Điều đó càng thôi thúc những người con Mã Liềng nung nấu khát vọng vươn lên - như ngọn núi Kà Đay sừng sững giữa đại ngàn.

Nguyễn Trung Thành

Mạng Y Tế
Nguồn: Công lý (https://congly.vn/xa-hoi/doi-song/sac-xuan-tren-nui-ka-day-329082.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

  • (MangYTe) - Những ngày áp Tết, khi những cành đào rừng đua nhau khoe sắc giữa đại ngàn Trường Sơn, cũng là lúc bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa miền Tây Quảng Bình gác lại công việc làm ăn, nô nức xuống núi đi chợ sắm Tết. Phiên chợ Tết với đầy đủ hàng hoá và người bán kẻ mua tấp nập gấp bội lần ngày thường.
  • (MangYTe) - Gác lại sự ồn ã, gấp gáp của những ngày áp Tết, đến Sa Pa, đắm mình trong những vườn đào phai e ấp sắc hồng tươi, những vạt mận bung nở trắng xóa, thấy mùa Xuân tràn đầy sức sống đang rạo rực ùa về.
  • MangYTe - Là địa bàn còn nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở vật chất, nhiều xã vùng cao huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) rất phấn khởi khi được hỗ trợ vốn đầu tư, xây dựng từ các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hàng loạt công trình trụ sở UBND xã mới được khởi công nhưng... xây dựng dở dang và bị bỏ hoang, “đắp chiếu” do nguồn vốn chậm giải ngân, năng lực nhà thầu yếu kém...
  • Sáng ngày 3/1/2020 Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành công trình Tri ân khách hàng năm 2019 và chương trình Buôn làng sáng niềm tin xuân Canh Tý 2020 tại xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
  • (MangYTe) - Nhân dịp Tết Dương lịch 2020, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, không gian Chợ phiên vùng cao được tổ chức nhằm giới thiệu, bán sản vật địa phương và một số món ăn.... đậm nét truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc và Đông Bắc.
  • Qua thăm khám sức khoẻ miễn phí cho hơn 1.000 trẻ em tại huyện Mường Khương, các bac sĩ BV Nhi Trung ương đã nhiều bệnh lý cấp tính như viêm đường hô hấp đã tư vấn điều trị kịp thời. Một số bệnh lý về tim bẩm sinh, thần kinh cũng được các bác sỹ tư vấn chuyển tuyến để khám chuyên sâu...
  • Vừa qua, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam đã bàn giao hai công trình nhà vệ sinh cho trường THCS Tân Bắc và UBND xã Tân Bắc (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) với tổng kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng.
  • (MangYTe) - Trước sự cảnh giác cao và sự tẩy chay gay gắt của người tiêu dùng ở các đô thị lớn, hàng giả, hàng nhái đang tìm cách ngược lên miền núi, đặc biệt là các làng bản vùng sâu, vùng xa, nơi mà sự hiểu biết của người dân về chất lượng sản phẩm còn hạn chế.
  • Trong tháng 10 vừa qua, Linh Nham Group đã có chuyến đi nghỉ dưỡng kết hợp thăm quan nhà máy hàng đầu Hàn Quốc dành cho các chiến binh xuất sắc của hệ thống. Phó Tổng Giám đốc Khu vực Ninh Bình - Nguyễn Thị Lệ đã vinh dự giành được phần thưởng, đồng thời được ban lãnh đạo vinh danh tại Hàn Quốc vì những thành tích xuất sắc đã đạt được trong kinh doanh.
  • Nữ bác sỹ Nguyễn Khánh Huyền (sinh năm 1994) là đại diện duy nhất của tỉnh Sơn La được tôn vinh trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY