Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Sai lầm chết người khi lấy nọc chó dại bằng phương pháp dân gian

Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết trên địa bàn vừa mới xảy ra một trường hợp tử vong do nhiễm virus bệnh dại.

Theo thông tin ban đầu, cách đây khoảng một tháng, bé Đ.Đ.K. (5 tuổi; ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có bị chó cắn vào vùng mặt khi cùng gia đình đến nhà người quen ở huyện Phú Tân (Cà Mau). Vì chủ quan nên người nhà đã không đưa bé đến cơ sở y tế để tiêm ngừa bệnh dại mà sử dụng các biện pháp dân gian để lấy "nọc".

Cách đây ít hôm, bé K. xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi… nên gia đình đưa vào bệnh viện ở Cà Mau điều trị. Sau thời gian điều trị, bé được chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng đã tử vong do bệnh chuyển nặng. Nguyên nhân tử vong ban đầu được xác định là do bệnh dại.

Một trường hợp tử vong do lấy "nọc" dại bằng phương pháp dân gian mới đây đã gây xôn xao dư luận

Theo tâm lý chung, nếu không may bị chó dại tấn công, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc lấy “nọc” dại bằng các phương pháp thủ công, tại nhà mà không cần phải tiêm ngừa tại các trung tâm y tế. Và cũng chính bởi sự chủ quan ấy đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều những trường hợp thương tâm, những người đáng lẽ ra phải được sơ cứu, chăm sóc ngay từ khi sự việc mới diễn ra.Tại Việt Nam, chó là một trong những ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96-97% so với nhiều loại vật nuôi khác, xếp ngay sau đó là mèo với tỉ lệ chứa virus dại là 3 đến 4%. Trung bình mỗi năm, nước ta có thêm 50-60 ca tử vong vì bệnh dại, đây thực sự là hồi chuông báo động về thái độ cũng như kiến thức của người dân khi bị chó, mèo tấn công.

Sau đây là 2 trong số rất nhiều những phương pháp lấy “nọc” tại nhà mà rất nhiều gia đình đang lầm tưởng rằng, cách chữa trị này sẽ lấy được “tận gốc” mầm móng của bệnh dại.

1. “Chữa” dại bằng phương pháp đắp hỗn hợp xì dầu với lòng đỏ trứng gà

Mới đây, một tài khoản người dùng đã cho đăng tải một phương pháp trị dại được cho là dựa theo quy tắc “cân bằng âm dương”. Cụ thể người dùng này cho rằng có thể chữa chó dại cắn bằng một cách rất đơn giản, chỉ cần dùng nước tương (xì dầu) đánh với lòng đỏ trứng là có thể cứu sống được nạn nhân mà không cần phải dùng tới vắc xin.

Nguồn tin này còn nhấn mạnh: "Phải dùng hỗn hợp trên bôi vào vùng bụng, toàn bộ vùng sống lưng. Khi hút độc, bé sẽ bị co giật là dấu hiệu tốt. Vì nếu bé không co giật là độc tố chưa được hóa giải".

BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về phương pháp chữa chó dại cắn lạ lùng trên, BS Nguyễn Trung Cấp khẳng định, thông tin về cách chữa bệnh trên hoàn toàn vô căn cứ, không có cơ sở khoa học. Nếu áp dụng theo cách trên thì nguy cơ tử vong là chắc chắn.

2. Ngừa bệnh dại bằng…thuốc nam

Đối với nhiều người dân ở các làng quê, việc nhờ đến các vị thầy lang sau khi bị chó dại tấn công là một trong những liệu pháp nhằm “khắc chế” tình hình. Tuy vậy theo một số chuyên gia y tế đầu ngành thì đây chính là một trong những “đòn bẩy” khiến cho tình trạng của nạn nhân càng trở nên nguy cấp hơn.

Các bài thuốc nam phòng, chữa bệnh chó dại cắn trên thực tế đã được đồn thổi thêm công dụng trở thành huyền bí, huyễn hoặc, không được khoa học kiểm chứng và chưa có nghiên cứu, kết luận nào đưa ra một cách rõ ràng.

Lương y Vũ Quốc Trung - Phòng Chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội cũng cho rằng, trong Đông y, cụ thể là những bài thuốc nam không có bất cứ một bài thuốc nào có thể chữa được bệnh dại do chó, mèo cắn. Người bị chó dại cắn chỉ có biện pháp duy nhất là đi tiêm phòng dại, không nên tin vào lời đồn thổi thuốc Nam có thể chữa bệnh dại để rồi chết oan.

Lấy "nọc" bằng thuốc nam là một trong số những sai lầm của rất nhiều người

Vậy cần làm gì để ngăn ngừa virus dại khi bị chó, mèo tấn công, sau đây là 4 bước quan trọng mà bất kỳ ai cũng cần phải biết nếu không may rơi vào trường hợp “oái ăm” này.

1. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào.

2. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

3. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

4. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Tiêm ngừa vắc xin là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa virus dại phát tán trên cơ thể người

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, nếu bị ch, mèo cắn, cần theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu chó hay mèo phát dại, chết, bị mất tích hay bị giết thịt thì cần nhanh chóng tiêm ngừa càng sớm càng tốt.

Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, cần tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, chủ vật nuôi cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo theo định kỳ hàng năm; Không thả rông chó, mèo; Hơn thế nữa, chó mèo khi đi ra đường cần phải được rọ mõm cẩn thận.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/sai-lam-chet-nguoi-khi-lay-noc-cho-dai-bang-phuong-phap-dan-gian-27862/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY