Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Silicone – thích hay sợ?

Hầu hết người ta chỉ biết đến silicone như một liệu pháp nâng ngực, độn mông và gần đây là hàng loạt những vụ tai biến nghiêm trọng mà nó là thủ phạm. Trước khi quyết định tẩy chay hay trọng dụng nó, bạn cần hiểu nó thực sự là gì.

Silicone - lĩnh hội từ nguyên liệu công nghiệp

Mơ ước có một liệu pháp gì đó để bù đắp sự thiếu hụt của tổ chức mô hoặc để làm tăng thêm khối lượng mô của một bộ phận cơ thể với mục đích làm đẹp đã được các nhà phẫu thuật thẩm mỹ ấp ủ trong suốt hàng trăm năm lịch sử.

Ban đầu người ta đã thử nghiệm và sử dụng nhiều loại chất liệu để bơm cấy, độn ghép vào cơ thể như xương sụn, ngà voi, một số kim loại, chất dẻo, một số hợp chất tổng hợp (Arcylics, Teflon, Mersilene, thép không rỉ…), thậm chí là cả những chất có nguồn gốc động vật và thực vật nhưng những biến chứng mà nó gây ra khiến người ta phải loại bỏ chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Việc chế tạo thành công silicone được coi như là một cú đột phá trong lịch sử của ngành phẫu thuật thẩm mỹ.

BS. Cao Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh (Tp.HCM) cho biết: Silicon lần đầu tiên được xác định bởi nhà hóa học Antonie Lavoisier năm 1787 rồi sau đó, được Jons Berzelius tổng hợp thành công vào năm 1923 và chủ yếu dùng trong các ngành công nghiệp như xây dựng, ôtô, tàu thủy, máy bay cùng một số đồ vật dùng trong sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, silicone quan trọng đến mức mà tên của nó được đặt cho một trung tâm lớn nhất về công nghệ hi-tech của thế giới ở San Jose (Mỹ) - Thung lũng Silicon” (Silicon Valley).

Nắm được đặc tính của silicone, là không bị biến đổi trong suốt thời gian dài, y học bèn ứng dụng chất này vào lĩnh vực thẩm mỹ. Tuy nhiên, silicone trong y khoa khác hẳn silicone công nghiệp. Nó không thay đổi theo thời gian và nhiệt độ, có tác dụng làm đầy nếp nhăn, vết sẹo rỗ, bơm vào da để nâng cao sống mũi, ngực, mông... Kể từ đây (những năm 1950), silicone lỏng đã được sử dụng phổ biến ở châu Âu và châu Á.

Thanh lọc và tẩy chay silicone

Bằng cách làm biến đổi các kiểu liên kết cấu trúc phân tử người ta tạo được các dạng tồn tại khác nhau của silicone như dạng lỏng, dạng gel, dạng dẻo, dạng rắn. Thời đó, hãng Dow Corning (Mỹ) tập trung chuyên về silicone và trở thành nhà sản xuất silicone lớn nhất thế giới với 7000 chủng loại sản phẩm.

Tuy nhiên sau vài thập kỷ hào hứng sử dụng người ta đã có thời gian theo dõi và ghi nhận những bất lợi của nó. Silicone lỏng sau khi tiêm vào người, sẽ theo các thớ cơ lan tỏa đến các vùng lân cận, gây ra những biến chứng nặng nề như xơ hóa, nhiễm trùng, đổi màu da, vón cục làm sưng tấy và thậm chí có một vài trường hợp gây ung thư. Đó là chưa kể silicone lỏng còn có thể theo hệ tuần hoàn vào phổi, gây ra thuyên tắc mạch máu phổi, dẫn đến tử vong. Do đó, năm 1991, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã có luật cấm tuyệt đối tiêm silicone lỏng vào người trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Kể từ đó, người ta phát minh ra các hình thức khác, chẳng hạn như thay vì tiêm trực tiếp silicone vào ngực, người ta dùng một chiếc túi có vỏ bọc bên ngoài là silicone dẻo, bên trong chứa silicone lỏng hoặc nước muối sinh lý. Túi nâng ngực silicon dạng này có đặc điểm là rất mềm và giống túi mô, tạo cảm giác như cơ thịt. Tuy nhiên khi phẫu thuật và đặt túi này vào một thời gian, có thể chất bên trong sẽ rò rỉ ra ngoài và cũng gây ra các biến chứng.

Ngoài ra, một phát minh khác là việc sáng chế ra silicon dạng dẻo (thường gọi là implant) để tạo thành các miệng độn cằm, đùi, mông… với ưu điểm mềm mại, dai chắc dễ thao tác khi phẫu thuật, dễ đẽo gọt chỉnh sửa theo yêu cầu, dễ tạo hình theo hình dạng cơ quan cần cấy ghép. Nhờ những ưu thế này mà silicone được ứng dụng nhiều nhất trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, kế đến tim mạch, tai mũi họng, ngoại khoa, tiết niệu, chấn thương...

Hiện nay, những cơ sở thẩm mỹ có uy tín thường dùng loại túi silicone nâng ngực dạng keo (cohensive gel) với đặc điểm: Vỏ bên ngoài của túi là silicone đặc dạng trơn hoặc nhám, phần bên trong là chất thể keo (silicone nửa đặc nửa lỏng) có độ kết dính rất cao. Nhờ vậy mà loại túi này an toàn hơn. Nếu có bị thủng vỡ túi thì chất gel –silicone bên trong vẫn giữ được nguyên hình khối, không thâm nhập vào mô xung quanh. Và cũng nhờ chất gel đặc biệt này mà túi ngực mới mang lại cảm giác sờ nắn tự nhiên hơn, ít bị co kéo biến dạng. Nhược điểm lớn nhất của loại hình này là giá của nó không hề rẻ nên vượt xa khả năng tài chính của nhiều người.

Không thể phủ nhận, silicone đã biến ước mơ cải tạo, cơi nới những bộ phận gợi cảm của cơ thể trở nên gợi cảm hơn thành sự thật. Và ước mơ làm đẹp đó rất chính đáng. Tuy nhiên, làm đẹp bằng mọi giá, bất chấp những cảnh báo nguy hiểm, sự cả tin và thiếu hiểu biết của khách hàng cùng với sự thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên môn của một số cơ sở thẩm mỹ vô hình chung đã biến silicone thành “kẻ tội đồ”.

10 ứng dụng phổ biến của silicone

1. Nâng mũi: Các loại silicone dẻo như Silastic 370 Medical Grade Elastomere hoặc Teflon, Prolast… thường được lựa chọn để nâng mũi. Chúng có nhiều loại khác nhau ở màu sắc, độ cứng mềm, hình dạng chữ I, chữ L,...

2. Phẫu thuật chỉnh hình cằm: Chất silicone dùng nâng cằm cũng tương tự như chất liệu dùng nâng cao sóng mũi.

3. Tạo hình tai giả cũng dùng silicone làm màng nâng đỡ. Silicone trong trường hợp này thường dùng là Silastic Otoplasty.

4. Dùng thay thế lớp xương vỡ vụn với những trường hợp chấn thương vỡ sàn dưới hố mắt. Chất silicone trong trường hợp này thường dùng là Dacron, Teflon Elastomere.

5. Nâng cao gò má: Dùng miếng silicone có dạng móng ngựa được đặt từ trong khóe miệng sau đó khâu lại, đây chỉ là tiểu phẫu đơn giản.

6. Là chất độn thay thế cho những lớp xương, màng cứng hộp sọ... bị vỡ, thường dùng Vitallium, Methylacrylate... Silicone còn là chất thay thế những khớp nối xương bàn tay, bàn chân khi bị chấn thương cắt bỏ.

7. Thay thế xương hàm cho các bệnh nhân bị ung thư xương hàm - xương hàm phải cắt bỏ gần như toàn bộ.

8. Ghép vào mặt sau vòm hầu để cải thiện giọng nói cho những bệnh nhân có màng hầu quá ngắn khiến giọng nói bị ức chế.

9. Thay thế cho những đốt xương sườn để nâng lồng ngực thấp (gây ảnh hưởng đến nhịp thở).Và phổ biến nhất là các trường hợp đặt túi ngực.

10. Thay thế cho những ống tiểu bị cắt bỏ trong phẫu thuật niệu khoa.

Hồng Nhung

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/silicone-thich-hay-so-16502/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY