Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

SỎI THẬN- bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời

Sỏi thận là căn bệnh khá phổ biến tại Việt Nam. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ cao dẫn tới suy thận và các biến chứng nguy hiểm khác.

Sỏi thận là gì?

Bệnh sỏi thận là hiện tượng các khoáng chất có trong nước tiểu không được đào thải hết ra khỏi cơ thể mà lắng đọng tại thận. Theo thời gian, các khoáng chất này sẽ kết tủa tạo thành sỏi trong thận.

Những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu đào thải ra ngoài, nhưng những viên sỏi lớn sẽ tích tụ bên trong thận, ngày càng lớn hơn và gây tắc nghẽn đường tiết niệu, dẫn tới chức năng thận suy giảm.

Sỏi thận là hiện tượng các khoáng chất lắng đọng tạo thành sỏi trong thận.

Nếu bệnh đi kèm với viêm nhiễm có thể gây ra suy thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Sỏi thận thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới và phần lớn ở độ tuổi từ 30-50 tuổi, ít khi có trẻ em mắc bệnh sỏi thận.

Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận

Bệnh sỏi thận gây ra bởi sự kết tủa một số khoáng chất có trong nước tiểu. Có nhiều yếu tố khác nhau có thể dẫn tới căn bệnh này như nhiễm độc, một số thực phẩm, một vài loại thuốc (thuốc chứa canxi, vitamin C...).

Sản phẩn chuyển hóa trung gian của canxi là axit oxalic. Do đó, khi dùng vitamin C liên tục và liều cao thì rất dễ dẫn tới kết tủa, gây ra sỏi oxalat canxi.

Tình trạng rối loạn chuyển hóa (như bệnh gút) cũng có thể gây ra bệnh sỏi thận. Bên cạnh đó, còn có thể do chế độ ăn uống không khoa học, ít uống nước, lười ăn rau, sử dụng nhiều kali, phytate, natri và sucrose, ít dùng protein thực vật... khiến hàm lượng canxi, oxalate, axit uric trong nước tiểu gia tăng, gây ra sỏi thận.

Bệnh sỏi thận cũng có thể do dị dạng đường tiểu hay một số căn bệnh khác ở đường tiểu gây cản trở sự lưu thông của nước tiểu, khiến các chất bị ứ đọng lại tạo thành sỏi. Có thể kể tới một số căn bệnh như dị dạng, u, sỏi bàng quang, u xơ, viêm tiền liệt tuyến...

Sỏi bàng quang, sỏi niệu quản có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng gây nhiễm khuẩn thận, từ đó có thể tạo điều kiện cho sự hình thành sỏi thận.

Dấu hiệu bệnh sỏi thận

Đi tiểu nhiều và buốt:

Đây là một trong những dấu hiệu sớm và dễ nhận biết nhất của bệnh sỏi thận. Dù lượng nước bạn uống hàng ngày không thay đổi, nhưng số lần đi tiểu lại tăng lên đáng kể.

Thêm triệu chứng tiểu buốt chứng tỏ sỏi đã di chuyển xuống phần dưới của đường tiểu (niệu quản, bàng quang).

Đau lưng:

Những bệnh nhân mắc sỏi thận hầu hết đều cảm thấy đau nhức ở mạn sườn và thắt lưng, nhất là ở vùng có sỏi.

Đôi khi cơn đau có thể lan từ bụng dưới xuống đùi. Cơn đau có lúc nhẹ, có khi nhói lên hoặc đau dữ dội nếu là cơn đau quặn thận. Đàn ông mắc sỏi thận còn có thể cảm thấy đau ở bìu và tinh hoàn.

Đau lưng là dấu hiệu thường gặp của bệnh nhân sỏi thận

Khó vận động:

Khi sỏi thận phát triển về trở thành những viên sỏi to, chúng sẽ khiến vận động của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nằm hay ngồi ở một tư thế trong thời gian dài.

Áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng bởi sỏi cọ xát vào cơ quan nội tạng khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhiều hơn.

Nước tiểu có màu trắng đục hoặc có máu:

Nhiều bệnh nhân sỏi thận cho biết họ nhận thấy nước tiểu bị chuyển sang màu trắng đục, đôi khi có mủ, máu hoặc mùi hôi.

Hiện tượng này là do sỏi cọ xát khiến niêm mạc niệu đạo bị tổn thương, dẫn tới chảy máu hoặc nhiễm trùng.

Buồn nôn và nôn:

Đây cũng là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân bị sỏi thận. Căn bệnh này khiến người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu, gây ra tình trạng sốt và gai người.

Những biến chứng có thể gặp của bệnh sỏi thận

Sỏi thận là một dạng của sỏi niệu. Hiện tượng sỏi niệu thường xuất hiện ở khu vực mà dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc hay tắc nghẽn.

Vị trí có sỏi thường là thận, niệu quả chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo.

Nếu sỏi có gai nhọn, khi di chuyển sẽ cọ xát vào đường niệu khiến người bệnh cảm thấy đau lưng, tiểu ra máu khi sỏi nằm ở thận hoặc niệu quản. Trường hợp sỏi ở bàng quang, niệu đạo sẽ có gây ra tình trạng tiểu buốt, tiểu rát, tiểu khó.

Sỏi bị kẹt ở cuống đài thận sẽ chèn ép, gây tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn cuống đài thận, dẫn tới đài thận bị giãn ra.

Theo thời gian, thận cũng giãn mỏng. Khi đài thận căng nước tiểu sẽ gây áp lực cao lên thần kinh thận và vỏ thận tạo ra các cơn đau quặn dữ dội ở thận.

Sỏi khi cọ xát vào đường niệu có thể gây nguy cơ phù nề, dễ bị vi khuẩn xâm nhập dẫn tới viễm nhiễm đường tiểu. Trường hợp viêm nhiễn nặng có thể dẫn tới suy thận, thận mủ toàn diện, thậm chí phải cắt bỏ thận.

Sỏi tích tụ lâu ngày gây bít tắc đường tiểu, khiến nước tiểu không được đào thải hết ra ngoài mà bị tồn đọng, lâu này dẫn tới xơ hóa thành đường tiểu, xơ hóa đài thận.

Tình trạng xơ hóa khiến chức năng của đường tiểu suy giảm, gây viêm nhiễm nặng ở đường tiểu. Một số trường hợp có thể hoại tử đường tiểu, tạo ra các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản. Cá biệt có trường hợp vỡ thận, vỡ bàng quang do sỏi.

Điều trị bệnh sỏi thận

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, kích thước, vị trí và các biến chứng của sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau để lấy sỏi ra khỏi cơ thể.

Trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm do sỏi thận gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp cấp cứu bằng phẫu thuật để lấy sỏi ra.

Thông thường nếu phát hiện bệnh sớm, có thể trì hoãn việc lấy sỏi bằng cách phẫu thuật chủ động theo lịch hoặc tán sỏi.

Bên cạnh phương pháp phẫu thuật lấy sỏi, có thể tán ngoài cơ thể và nội soi lấy sỏi, nội soi tán sỏi...

Quá trình điều trị sỏi thận, bệnh nhân cần uống nhiều nước để đảm bảo lượng nước tiểu trên 2,5 lít mỗi ngày.

Cần điều trị đồng thời nếu có nhiễm khuẩn hay viêm nhiễm ở thận; điều trị các biến chứng phát sinh hay các yếu tố tạo thuận lợi cho sỏi hình thành.

Nếu phát hiện được nguyên nhân hay thành phần của sỏi thì điều trị nguyên nhân.

Cách phòng tránh bệnh sỏi thận

Uống nhiều nước:

Để phòng ngừa sỏi thận, cách hữu hiệu và ít tốn kém nhất là bạn nên uống đủ nước, mỗi ngày ít nhất là 2 lít nước.

Việc uống đủ nước sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, hòa tan các chất trong cơ thể, góp phần điều hòa nhiệt độ cơ thể và đào thải các chất cặn bã ra bên ngoài, nhờ đó ngăn ngừa được nhiều bệnh tật.

Hạn chế ăn mặn và tránh lạm dụng canxi:

Chế độ ăn mặn và bổ sung canxi quá mức sẽ làm tăng nguy cơ lắng cặn khoáng chất và dẫn tới hình thành sỏi thận. Vì thế hãy thực hiện chế độ ăn nhạt hơn và không lạm dụng các loại thực phẩm bổ sung canxi hàng ngày.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cung cấp hài hòa các dưỡng chất cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sự dẻo dai của cơ thể. Nhờ đó bạn có thể phòng tránh được nhiều căn bệnh, trong đó có sỏi thận.

Uống nước chanh:

Axit citric có trong quả chanh giúp ngăn chặn các khoáng chất và những thành tố khác của nước tiểu dính vào nhau và hình thành sỏi thận.

Các thực phẩm nên tránh khi bị sỏi thận

Bệnh nhân sỏi thận nên giảm bớt lượng tiêu thụ thịt động vật, hạn chế các thực phẩm nhiều muối.

Theo các chuyên gia bạn nên ăn cá thay cho các loại thịt, ngoài ra có thể ăn tôm ở mức vừa phải.

Cần giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalate như các loại đậu, bột cám, socola, cà phê và trà đặc.

Nên thực hiện chế độ ăn nhạt và tránh những thực phẩm chứa nhiều purin gây sỏi thận như cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, lòng bò, lòng heo...

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/soi-than-benh-nguy-hiem-neu-khong-duoc-phat-hien-kip-thoi-25775/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY