Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

SOS: 40% dân Việt Nam nhiễm khuẩn lao

Mỗi năm ở nước ta có 30.000 người tử vong vì bệnh lao, trung bình gần 20 phút/ 1 người tử vong vì bệnh lao.

Ảnh minh họa

4 giờ ở phòng khám lao

7 giờ kém 10 phút: Trong khi các phòng khám của Bệnh viện Phổi Trung Ương chưa mở cửa làm việc thì tại khu vực ngồi chờ của khoa Khám Bệnh đã có hơn 10 người ngồi chờ sẵn. Gương mặt mỗi người thể hiện tâm trạng khác nhau, người thì lo lắng ra mặt, người thì trầm tư, người thì thẩn thờ chờ đợi…

8 giờ: Khi những bệnh nhân đầu tiên được gọi vào phòng khám thì số bệnh nhân đến chờ đợi đã vượt quá con số 20. Chị Nguyễn Thị Lâm, 40 tuổi người Quảng Bình hạ giọng buồn buồn kể cho tôi nghe câu chuyện của mình qua làn khẩu trang: “Dạo trước tôi thấy trong người mệt mỏi, thường xuyên ho, tức ngực khó thở, thi thoảng có hơi sốt thường là vào buổi chiều. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ mình mắc bệnh cảm cúm nên ra hiệu thuốc gần nhà mua vài viên thuốc ngậm trị ho, giảm sốt thông thường.

Nhưng bệnh vẫn kéo dài hàng tuần không khỏi. 2 tuần trước thỉnh thoảng tôi lại ho ra máu. Sợ quá tôi vội vàng đi khám tại cơ sở y tế gần nhà thì các bác sĩ cho biết có dấu hiệu nhiễm khuẩn lao và khuyên tôi nên lên tuyến trên để khám chữa cho hiệu quả.

Sáng hôm qua tôi bắt xe từ quê ra Hà Nội, tối ngủ nhờ nhà người quen chờ sáng nay đi khám sớm. Mà cô ạ, tôi lo quá, không biết mình có đúng bị lao không? Nếu bị thì khổ quá. Tôi sợ mình sẽ lây bệnh cho con cái trong nhà thì chết…”.

9 giờ 15 phút: Mãi lắng nghe câu chuyện của chị Lâm, khi ngẩng lên tôi đã thấy số người đến khám đã tăng vọt. Số ghế chờ ít ỏi không đủ cho mọi người. Thế là mạnh ai nấy tìm chỗ, người thì đứng dựa tường, người lại ngồi chồm hổm, người khác thì dùng giấy báo lót mông ngồi hẳn xuống sàn…

Có thể bạn chưa biết

Tại Việt Nam:

- Mỗi năm có thêm 200.000 bệnh nhân mắc lao mới.

- Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở độ tuổi 22-44 (chiếm 40%,) trong đó đa phần là nam.

- Đặc biệt, ước tính có 5.000- 6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc.

(Nguồn WHO)

Rời khu vực phòng khám, tôi đến Khoa Tái trị của bệnh viện. Tại đây lượng bệnh nhân đến khám và điều trị cũng đông không kém. Tôi được gặp và nghe về câu chuyện của anh Vũ Minh Tuấn, 37 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội đang nằm điều trị tại khoa. Khi nói chuyện với tôi anh đã không cầm được những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hốc hác.

Anh Tuấn kể bác sĩ đã thông báo anh bị bệnh lao kháng thuốc không còn hy vọng chữa khỏi. Anh đang rất hoang mang cho tương lai của bản thân và gia đình. Anh vốn là trụ cột chính trong nhà, nay anh đỗ bệnh thế này thì một mình vợ anh làm sao vừa nuôi chồng ốm vừa nuôi mẹ già và 2 đứa con gái nhỏ? Anh cho biết đây là lần thứ 3 anh nhập viện điều trị.

Trước đó, cách đây hơn 1 năm anh Tuấn đã nhập viện điều trị khi biết mình mắc bệnh lao phổi. Các bác sĩ đã cho anh uống một số loại thuốc đặc trị và bệnh tình anh dần dần thuyên giảm. Khi không còn dấu hiệu ho, tức ngực anh xin xuất viện về nhà điều trị tại gia.

Nhưng vì mãi lo làm và phần lớn là do chủ quan tưởng mình đã hết bệnh hoàn toàn nên anh Tuấn không tiếp tục uống thuốc. 6 tháng sau khi xuất viện, anh Tuấn lại thấy trong người khó chịu, những cơn ho tái phát ngày càng nhiều hơn trước.

Lúc này, anh Tuấn mới vội vàng đến bệnh viện tái khám thì các bác sĩ điều trị cho biết anh đã nhiễm loại khuẩn lao kháng thuốc. Các bác sĩ trong khoa cũng cho anh biết thường chỉ có 50% bệnh nhân nhiễm lao kháng thuốc có cơ hội khỏi bệnh và quá trình chạy chữa sẽ rất tốn kém.

Bệnh lao - chưa được kiểm soát chặt chẽ

Khi được chúng tôi phản ánh về số lượng bệnh nhân đến khám quá đông, BS. Đinh Ngọc Sỹ, Bệnh viện Phổi Trung Ương, cho biết: “Đó là hình ảnh phản ánh đúng thực tại. Hiện nước ta có tỷ lệ dân số bị nhiễm lao rất cao, trong đó bệnh nhân lao phổi mỗi năm có khoảng 70.000 người”.

Nói về lý do dân số Việt Nam nhiễm lao tăng mạnh như hiện nay, BS. Đinh Ngọc Sỹ cho biết: “Nước ta đã đưa Chương trình Chống lao Quốc gia làm mục tiêu trọng yếu. Tuy nhiên, đến nay chương trình vẫn chưa đạt được kết quả đề ra. Một trong những lý do khiến việc phòng chống bệnh lao gặp khó khăn là tâm lý e ngại của bệnh nhân. Có đến 7% số người mắc bệnh lao không theo điều trị do tâm lý e ngại khiến các nhà chuyên môn chúng tôi không kiểm soát được người bệnh mà bệnh này lại rất dễ lây truyền trong không khí, qua tiếp xúc thông thường”.

Thực tế đã cho kết quả đúng với những gì BS. Đinh Ngọc Sỹ chia sẻ. Vì hiện tại, không chỉ người trưởng thành ở Việt Nam bị nhiễm lao mà số lượng trẻ em dù đã tiêm phòng vaccine chống khuẩn lao nhưng vẫn bị nhiễm khá cao. Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung Ương có tới 2-3 trường hợp các bé mắc khuẩn lao được chuyển từ tuyến dưới lên điều trị.

Nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả này là vì gia đình các em quá chủ quan vào việc con em mình đã được tiêm chủng nên không chú ý việc phòng bệnh trong khi người đã nhiễm lao lại có tâm lý dấu bệnh, ngại chữa trị và vẫn sinh hoạt như người bình thường trong cộng đồng.

BS. Nguyễn Thanh Vân, Khoa Nhi, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: “Việc tiêm phòng lao chỉ phòng ngừa được 60-70% bệnh tật. Nguyên nhân dẫn đến ngày càng có nhiều người bị lao là do người bệnh không được kiểm soát chặt chẽ trong cộng đồng dẫn đến lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là với các trẻ nhỏ dưới 1 tuổi vì hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, không có sức đề kháng”.

Bệnh lao - phát hiện sớm, cơ hội nhiều

BS. Đinh Ngọc Sỹ cho biết thêm: Tuy nước ta có tới 30.000 bệnh nhân lao tử vong/năm, nhưng đây không phải là bệnh nan y mà là bệnh có thể chữa khỏi chỉ sau một thời gian điều trị.

Ngoài ra, Chương trình Phòng Chống lao Quốc gia phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao thì có tới 92% trong số đó sẽ được chữa khỏi bệnh khi được phát hiện sớm.

Vì vậy, để khống chế được bệnh lao, mọi người nên có ý thức tự bảo vệ mình, nên bịt khẩu trang khi đến những nơi đông người. Đặc biệt là những người đã bị nhiễm lao nên có ý thức bảo vệ cho mình và bảo vệ người xung quanh bằng cách không khạc nhổ, đeo khẩu trang ở nơi đông người để tránh phát tán khuẩn ra không khí cho tới khi bệnh tình khỏi hoàn toàn.

Khi thấy trong người có những triệu chứng:

- Cảm thấy mệt mỏi triền miên.

- Ăn không ngon miệng, sụt cân nhanh chóng.

- Ho kéo dài hơn ba tuần kèm theo sốt, ra mồ hôi về đêm.

- Ho ra đờm vấy máu.

Nếu có những dấu hiệu của bện lao, bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm.

Nếu bác sĩ chuyên môn xác định bạn đã bị nhiễm lao thì cũng không nên hoang mang, mất tinh thần, vì chỉ cần hợp tác nghiêm túc với các bác sĩ trong suốt quá trình chữa trị bệnh tình của bạn khắc sẽ khỏi.

Sau khi uống thuốc trị lao trong 2 tuần, hầu hết bệnh nhân lao sẽ không còn khả năng lây bệnh cho người khác. Song, hiện nay thời gian điều trị dứt điểm bệnh lao có thể mất tới 8-9 tháng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và thu nhập của bệnh nhân.

Do đó, dù có khó khăn gì thì bạn nên tâm sự và tìm lời tư vấn từ bác sĩ chữa trị chứ không được tự ý ngưng điều trị giữa chừng để tránh hậu quả là bệnh lao tái phát sẽ càng khó điều trị hơn.

Thảo Đan

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/sos-40-dan-viet-nam-nhiem-khuan-lao-16908/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY