Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Sốt xuất huyết có thể lây từ người sang người không?

Mùa dịch sốt xuất huyết đang ở giai đoạn đỉnh điểm trên cả nước nên việc hiểu thêm về căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết. Sốt xuất huyết nếu không được chữa trị theo đúng phác đồ sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

1. Sốt xuất huyết lây qua những đường nào?

ThS. BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khẳng định: “Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt”.

Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn mang virus nhiễm bệnh

Loại muỗi này thường sống cả trong nhà và cả ngoài trời, rất ưa hút máu người và đốt rất dai cho đến khi no mới thôi. Thời gian chúng thường hút máu vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và cả lúc chập tối. Chúng thường đẻ trứng ở nước sạch như nước lọ cắm hoa, ở chum vại dự trữ nước sinh hoạt, ở các lốp xe hỏng có đọng nước, máng nước, các hồ, ao tù, nước đọng. Sau khoảng 2 tuần lễ, trứng muỗi sẽ phát triển thành loăng quăng (bọ gậy), nếu nhiệt độ của môi trường thích hợp (trên 32 độ) thì chỉ cần trong vòng 7 ngày. Muỗi trưởng thành sẽ hút máu người bệnh sốt xuất huyết và truyền vi-rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết cho người lành qua vết muỗi đốt hút máu.

Vi-rút Dengue có 4 týp huyết thanh (từ D1-D4) đều có khả năng gây bệnh cho nên nếu đã mắc bệnh týp D1 rồi thì vẫn có thể mắc bệnh týp khác (D2, D3, D4). Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như thế nào? Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể nhiễm bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp virus Dengue còn lại.

Tiến sĩ Vũ Đức Chính (Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho hay, ở miền Nam, dịch sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, còn ở miền Bắc, cao điểm vào thời gian từ tháng 3-4 và từ tháng 7-11.

2. Làm gì để phòng bệnh sốt xuất huyết?

Đặc điểm nhận dạng loại muỗi Aedes là màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn gây sốt xuất huyết phân bố trên toàn quốc, tập trung tại các thành phố, khu đô thị, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Miền núi phía Bắc ít xuất hiện hơn. Loại muỗi truyền bệnh này thông thường chỉ bay trong vòng 80-100m hoặc có thể bay xa hơn tùy theo độ nhẹ, thậm chí chúng có thể đi theo các phương tiện giao thông, máy bay tới các khu vực khác kèm theo nguy cơ truyền bệnh tại nơi đó.

Lưu ý rằng muỗi vằn chỉ đốt đốt người vào ban ngày chứ không phải ban đêm. Thời kỳ cao điểm đốt người của nó là vào buổi sáng sớm và trước hoàng hôn. Tuy nhiên, người dân Việt Nam thường chỉ có thói quen dùng màn vào ban đêm. Điều đó làm tăng nguy cơ bị muỗi vằn đốt và mắc bệnh.

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, bạn nên:

- Sử dụng màn chống muỗi khi ngủ.

- Áp dụng các phương pháp đuổi và diệt muỗi.

- Nên mặc áo dài tay và nhét quần vào tất khi đến vào mùa dịch.

- Che lấp các lỗ hổng trong nhà.

- Lau dọn các khe tường, khe cánh cửa, các lỗ (hốc) của các vật dụng trong nhà.

Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát là một trong những cách phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất.

- Loại bỏ những nơi mà muỗi có thể ẩn nấp, sinh sôi, ví dụ như vũng nước, chum (vại) nước, lon, chậu hoa rỗng…

- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và sạch sẽ.

- Nên thả cá trong ao, hồ hoặc chậu cảnh.

- Vứt rác đúng nơi quy định.

Ngân Trần

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/sot-xuat-huyet-co-the-lay-tu-nguoi-sang-nguoi-khong-23601/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY