Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19: Triệu chứng ban đầu giống nhau, cần biết để không nhầm lẫn

Lo lắng trước sự lây lan nhanh của dịch COVID-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết nhưng lại không dám tới bệnh viện để khám và điều trị. Một số khác thì nhầm lẫn các triệu chứng của sốt xuất huyết với các phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19…

Vậy bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào? Đâu là các triệu chứng thường gặp của sốt xuất huyết? Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần xử trí ra sao?

Sốt xuất huyết có triệu chứng ban đầu giống COVID-19, cần biết để không nhầm lẫn - (Ảnh: Internet)

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus này thường có 4 chủng huyết thanh khác nhau là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng miễn dịch suốt đời với riêng chủng virus đó mà thôi. Hay nói cách khác, những người sống trong vùng thường xuyên có dịch sốt xuất huyết có thể mắc bệnh nhiều hơn một lần trong đời.

2. Nguyên nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết chính là muỗi vằn (Aedes aegypti). Bạn biết không, muỗi vằn thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối. Chỉ muỗi cái mới đốt người vì chúng cần protein để đẻ trứng. Khi muỗi cái hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Điều này khiến muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Khi virus dengue vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2-7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu người bệnh bị muỗi vằn nhiễm virus dengue hút máu thì virus sẽ được truyền cho muỗi.

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết chính là muỗi vằn (Aedes aegypti) - (Ảnh: Internet)

3. Bệnh sốt xuất huyết thường gặp vào mùa nào

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, nhất là tháng 7, 8, 9, 10. Vì môi trường ưa thích của muỗi không những là ở khu vực có nhiều người sinh sống, chỗ tối của ngôi nhà (tủ, gầm giường), mà chúng còn thích đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước sạch và những nơi nước đọng ở lốp xe, thùng bỏ không, rác thải, chai lọ, chậu cây cảnh, dụng cụ phế thải quanh nhà. Vì vậy, mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi truyền bệnh

Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

4. Triệu chứng sốt xuất huyết

Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Các triệu chứng của bệnh thường được chia làm 3 thể phổ biến như: Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), Sốt xuất huyết có chảy máu và Sốt xuất huyết dengue.

Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ)

Những người lần đầu bị sốt xuất huyết cổ điển thường vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Dù có biểu hiện, triệu chứng điển hình, nhưng người bệnh thường không có biến chứng. Bệnh thường xuất hiện với các triệu chứng sau:

- Sốt, thường kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Một số trường hợp có thể sốt cao, lên đến 40,5 độ C
- Nhức đầu nghiêm trọng
- Đau phía sau mắt
- Đau khớp và cơ
- Buồn nôn và ói mửa
- Phát ban, thường xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày.

Sốt, thường kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Một số trường hợp có thể sốt cao, lên đến 40,5 độ C - (Ảnh: Internet)

Sốt xuất huyết có chảy máu:

Với các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ, nhưng kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Sốt xuất huyết có chảy máu nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)

Đây là thể bệnh nặng nhất và thường xảy ra ở trẻ em. Triệu chứng của bệnh bao gồm các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cùng với chảy máu, thoát huyết tương, chảy máu trong và ngoài cơ thể… Sốt xuất huyết dengue có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

5. Phân biệt sốt xuất huyết với nhiễm COVID-19

Cách phân biệt sốt xuất huyết với nhiễm COVID-19

6. Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết cụ thể ra sao?

Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết thường trải qua ba giai đoạn chính, điển hình như: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Ở giai đoạn sốt: Người bệnh thường có các biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm nhiệt độ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ gặp phải đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam

Ở giai đoạn nguy hiểm: Giai đoạn này thường xuất hiện vào ngày thứ 3-7 với các biểu hiện như:
- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ). Trường hợp thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến các biểu hiện vật vã, bứt rứt, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, huyết áp kẹt, tiểu ít.
- Tràn dịch màng phổi: Đau ngực (nhất là khi thay đổi tư thế), tức ngực, khó thở.
- Tràn dịch màng bụng: Bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở.
- Gan to: Đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.
- Xuất huyết dưới da (thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn); Xuất huyết ở niêm mạc (Chảy máu mũi, Chảy máu nướu răng, tiểu ra máu); Xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu)... Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

Ở giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này thường kéo dài 48 - 72 giờ. Người bệnh sẽ hết sốt, huyết động ổn định và tiểu nhiều, thèm ăn hơn.

7. Cần làm thế nào để biết mình có bị sốt xuất huyết không hay không?

Phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhanh khỏi và an toàn, nhất là với trẻ nhỏ. Vì thế, khi người bệnh có một số các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; đau cơ khớp, da xung huyết, phát ban bạn cần:

- Đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm huyết thanh nhằm: Tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu của bệnh, Tìm kháng thể IgM từ ngày thứ 5 trở đi

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sốt xuất huyết làm các xét nghiệm huyết thanh - (Ảnh: Pinterest)

- Hạ sốt bằng cách uống paracetamol, lau mát bằng nước ấm.

- Cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; uống nhiều nước; Tránh thức ăn, nước uống có ga, có màu (đen, đỏ, nâu…).

- Lưu ý: Những bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như suy gan, suy thân, tăng huyết áp, đái tháo đường, phụ nữ có thai, trẻ em... cần được theo dõi sát sao.

8. Những điều cần chú ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Đa phần các bệnh nhân sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và đến bệnh viện làm xét nghiệm theo lịch hẹn của bác sĩ.

- Nếu sốt cao trên 39 độ C: Cần cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt, mặc quần áo thoáng mát và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15mg/kg cân nặng/lần. Ví dụ đơn giản, nếu một người nặng 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần, mỗi lần uống cách nhau mỗi 4-6 giờ. Lưu ý, tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h (một người 50kg không uống quá 3000mg/ngày).

- Tuyệt đối không nên dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

- Bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn và cả nước uống, không nên cho ăn cho uống dồn dập.

- Bổ sung những món ăn lỏng, mềm và dễ nuốt vì thể trạng bệnh nhân thường rất kém, hay chán ăn, khó ăn khi bệnh.

- Đảm bảo khẩu phần ăn và đầy đủ dinh dưỡng: Ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu chất đạm (trứng, thịt, sữa), thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm, vitamin C… nhằm giúp mau chóng hồi phục cơ thể sau bệnh.

- Bệnh nhân sốt xuất huyết cần kiêng những loại thức ăn nhiều dầu mỡ béo, các món ăn chế biến xào rán, có gia vị chua cay, vì chúng thường gây ra tình trạng khó tiêu, chướng bụng.

- Bù dịch bằng cách uống nhiều nước, oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh, nước quả ép.

- Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn, tránh bị muỗi đốt để hạn chế làm lây lan dịch bệnh.

- Nếu có bất kỳ biến chứng hay thấy bệnh trở nặng cần đến bệnh viện ngay.

9. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả:

- Không để trẻ bị muỗi đốt: Mặc áo quần dài tay lúc trẻ chơi đùa, nằm ngủ mùng kể cả ban ngày, bôi thuốc phòng muỗi đốt).

- Thường xuyên vệ sinh nơi ở, loại bỏ các ổ lăng quăng xung quanh nhà. Lật úp các vật dụng chứa nước như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm....

- Đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp, vải mùng ngăn không cho muỗi bay vào đẻ trứng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thả cá trong các dụng cụ chứa nước.

- Thu dọn rác phế thải, cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương.

- Đối với lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, điều hòa nên thường xuyên vệ sinh thường xuyên để diệt trứng muỗi bám trên bề mặt và thay nước ít nhất 1 tuần/lần.

- Xử lý bằng hóa chất diệt ấu trùng muỗi ở những nơi đọng nước như: hố ga thoát nước, hốc cây, kẽ lá cây, bế cảnh và các ổ đọng nước khác để loại bỏ môi trường muỗi sinh sản.

- Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện bệnh sốt xuất huyết, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết tuy là một bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, nhưng chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh hoàn toàn không lây qua các con đường khác như hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc trực tiếp với người đang bị bệnh. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Và đừng quên, tích cực diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng tránh bị muỗi đốt nhé!

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/sot-xuat-huyet-trong-dai-dich-covid-19-trieu-chung-ban-dau-giong-nhau-can-biet-de-khong-nham-lan-31794/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY