Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng dù luyện tập thường xuyên, hoá ra là vì những sai lầm này

Luyện tập mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ, do đó, việc dành thời gian để luyện tập mỗi ngày là điều rất được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu không muốn mọi công sức “ngã về không” còn sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng, hãy chú ý và tránh những sai lầm khi tập luyện sau đây nhé.

1. Tập luyện quá sức

Nhiều người nghĩ rằng, khi tập luyện cần phải tập thật nhiều thì mới đúng và tốt cho sức khoẻ. Nhưng các chuyên gia khẳng định, lầm tưởng này sẽ khiến sức khoẻ của bạn kém dần và thúc đẩy tình trạng lão hoá sớm.

Đặc biệt với những người rèn luyện sức khoẻ bằng các bài tập cường độ cao thì càng dễ mắc phải tình trạng này. Các nhà nghiên cứu đã nhiều lần cảnh báo, mỗi người chỉ nên dành 3 buổi/ tuần và một buổi không quá 55 phút cho các bài tập cường độ cao vì đây đều là các bài tập đòi hỏi sức bền. Việc luyện tập quá sức bằng cách thực hiện mỗi ngày, nhiều giờ liên tục có thể gây ra tình trạng “ngộ độc tim” gây rối loạn nhịp tim (arrhythmia) và làm gia tăng nguy cơ đột quỵ do truỵ tim. 

Bên cạnh đó, vận động quá mức tăng tác động cơ học lên bề mặt sụn khớp, có thể làm hỏng sụn và gây ra các vết nứt nhỏ ở xương dưới sụn, đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp. Trong khi đó, việc nghỉ ngơi không đủ có thể ức chế tiến trình tái tạo sụn và xương dưới sụn, khiến tổn thương ở các khớp khó phục hồi hơn.

Trong thời gian nghỉ ngơi, mọi người chỉ nên đi bộ hoặc thực hiện một số động tác đơn giản để thư giãn cơ bắp, tuyệt đối không vận động mạnh (Ảnh: Internet)

2. Tập thể dục sau khi ăn no

Nhiều người e sợ ăn no mà không tập thể dục có thể làm tích tụ mỡ nên đã đứng dậy luyện tập ngay sau bữa ăn. Nhưng các chuyên gia sức khoẻ cho biết đây là một sai lầm có thể gây hại đến sức khoẻ.

Khi ăn no, máu trong cơ thể sẽ tập trung đến dạ dày và một số bộ phận khác để thực hiện chức năng tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng vào cơ thể. Vì vậy, nếu tập thể dục trong lúc này sẽ khiến nhịp sinh học ổn định của cơ thể bị rối loạn, gây ra hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, chuột rút, đau bụng, thức ăn không tiêu hóa được sẽ khiến bạn rất khó chịu và không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Tình trạng này nếu diễn ra trong một thời gian dài sẽ gây viêm loét dạ dày và các bộ phận của hệ tiêu hóa rất nguy hiểm. Chính vì vậy, hãy tập thể dục ít nhất sau khi ăn 2 tiếng để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể.

3. Không khởi động trước khi tập và giãn cơ sau khi tập

Đôi khi vì nôn nóng muốn thực hiện nhanh việc luyện tập mà có nhiều người bỏ qua bước khởi động, giãn cơ. Thói quen này sẽ khiến các cơ và khớp trong cơ thể chưa kịp thích nghi với việc hoạt động mạnh ở mỗi lần vận động, lâu dần sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương hoặc giảm hiệu suất tập luyện.

Việc khởi động giúp bạn tránh nguy cơ bị tổn thương khi thực hiện những bài tập có độ khó cao và cường độ mạnh bởi quá trình khởi động giúp tăng dần nhiệt độ cơ thể để các nhóm cơ, mô mềm trở nên dẻo dai và linh hoạt hơn. Khi khởi động, các khớp cũng được nới lỏng, sự bôi trơn của khớp cũng được cải thiện thông qua việc sản xuất dịch nhờn. 

Đừng quên dành ra 15 phút để thực hiện các động tác khởi động, giãn cơ, làm nóng người trước khi tập luyện (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, không giãn cơ sau khi tập cũng là một sai lầm mà nhiều người mắc phải, điều này cũng dễ khiến cho sức khoẻ bị ảnh hưởng. Giãn cơ là một bài tập nhằm kéo giãn các cơ của bạn sau quá trình tập luyện thể chất. Điều này sẽ giúp cho cơ bắp được thư giãn sau những giờ tập luyện căng thẳng, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, giúp vận chuyển nhiều oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết đến cơ bắp hơn. Đồng thời các bài tập giãn cơ sẽ tăng cường khả năng phục hồi và giảm tình trạng đau nhức cơ sau khi tập luyện. Vì vậy,  mọi người nên dành ra khoảng 5 - 10 phút để tập các bài tập giãn cơ sau khi tập thể dục.

4. Không bổ sung đủ nước

Khi luyện tập, việc bổ sung nước liên tục cho cơ thể là điều cực kỳ cần thiết. Trong thời gian vận động, cơ thể ta sẽ nóng lên buộc chúng ta đổ mồ hôi để điều hoà thân nhiều, hoạt động này của cơ thể đã gián tiếp làm mất nước. Do đó, nếu không bổ sung nước kịp thời, ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ sốc nhiệt, với các triệu chứng như buồn nôn, sốt và ngất xỉu, thậm chí là đột quỵ bất ngờ.

Bên cạnh đó, nước cũng là yếu tố giúp sụn xương khớp thêm linh hoạt, có độ trơn láng, ngoài ra còn giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, chống lại phản ứng viêm, ngăn thoái hóa khớp tiến triển. Nếu không uống đủ nước, xương khớp của bạn sẽ gặp phải tình trạng đau nhức, và sụn xương khớp sẽ dễ gặp nhiều biến chứng khi vận động.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, trước thời gian luyện tập từ 2 - 3 giờ, bạn nên bổ sung trước khoảng 500 - 600 ml nước và thêm hơn 200 ml nước trước khi tập luyện khoảng 20 - 30 phút. Sau đó, trong quá trình tập thể dục, chơi thể thao, uống 200 - 300 ml nước sau mỗi 10 - 20 phút và 200 ml nước sau khi ngừng tập thể dục 30 phút.

5. Không đảm bảo cân bằng dinh dưỡng

Nhiều người chỉ quan trọng quá trình tập luyện mà bỏ qua việc nạp dinh dưỡng cho cơ thể. Lâu ngày, cơ thể thiếu chất, không có đủ năng lượng để phục vụ tập luyện, phục hồi và phát triển cơ xương khớp. Trong khi đó, dinh dưỡng cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng trọng việc duy trì và phát triển sức khoẻ xương.

Bên cạnh việc vận động thường xuyên, xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học sẽ giúp xương của bạn luôn chắc khoẻ (Ảnh: Internet)

Trong quá trình tập luyện, vận động, hãy ghi nhớ những sai lầm đã được chỉ ra để tránh mắc phải khiến tình trạng sức khoẻ bị giảm sút bạn nhé!

Xem thêm: Cảnh báo 7 biến chứng nguy hiểm của việc vệ sinh răng miệng sai cách

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/suc-khoe-giam-sut-nghiem-trong-du-luyen-tap-thuong-xuyen-hoa-ra-la-vi-nhung-sai-lam-nay-35592/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY