Thai suy dinh dưỡng, không trừ ai
Tại phòng tư vấn của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chúng tôi gặp chị Trần Thị Mai (nhân viên của Tập đoàn T&T), chuẩn bị làm mẹ lần thứ hai, nhưng đang rất lo lắng vì thai phát triển chậm. Ở tuần thứ 35, chị Mai đã tăng 17kg, nhưng trọng lượng của thai nhi chỉ ước chừng 1,9kg. Lần đầu sinh con, chị Mai cũng tăng tới 15kg, vậy mà đứa nhỏ chỉ nặng 2,2kg, phải theo dõi nhiều ngày trong lồng kính.
Một trường hợp khác xảy ra với chị Phạm Ánh Ngọc (cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) sinh con lần đầu cũng đang có nguy cơ suy dinh dưỡng. Điều lạ lùng là chị Ngọc không khó khăn về kinh tế, vóc dáng cũng vừa phải, trọng lượng cơ thể tăng tới 13kg ở tuần thứ 37, nhưng kết quả siêu âm ước đoán thai nhi chỉ 2,4kg.
Trước đây, do đời sống chung khó khăn, chuyện trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng không hiếm. Nhưng hiện giờ, dù chất lượng cuộc sống đã được cải thiện đáng kể, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ngay trong bào thai vẫn khá phổ biến. Nó không chỉ gặp ở các bà bầu có vóc dáng nhỏ bé mà còn tấn công cả những bà mẹ cao lớn.
Ảnh minh họa |
Giải thích vấn đề trên, TS Nguyễn Viết Tiến, Trưởng bộ môn phụ sản ĐH Y Hà Nội, cho biết: “Lựa chọn độ tuổi sinh con là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng nhiều gia đình đã bỏ qua vì các lý do khác nhau. Hầu hết những trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung xảy ra với phụ ở tuổi dưới 20 và trên 40. Rất nhiều người cũng không ý thức được sự quan trọng đặc biệt của thời kỳ ba tháng đầu, rằng bất kỳ một sai lầm nào về thực phẩm cũng có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ. Nếu rơi vào trường hợp chậm phát triển trong tử cung ở giai đoạn đầu cần theo dõi sát cho tới khi thai trưởng thành”.
Hồ sơ bệnh án ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy, thai suy dinh dưỡng hoặc chậm phát triển trong tử cung có tỷ lệ tử vong cao hơn từ 4-8 lần so với những trường hợp bình thường bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đầu tiên phải nói tới thể chất của người mẹ như: chiều cao, cân nặng, yếu tố di truyền, bệnh lý mãn tính… Bên cạnh đó, tử cung bị dị dạng, hệ thống tuần hoàn của mẹ kém cũng sẽ làm chậm tuần hoàn nhau thai. Thai nhi cũng sẽ gặp nguy hiểm nếu có dấu hiệu bất thường về nhiễm sắc thể như: tam bội 13, 18, 21; đa thai; bệnh lây nhiễm ở thai như: HIV, Rubella, parvovirus B19.
Chất lượng hơn số lượng
Bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng muốn con mình thông minh và khỏe mạnh (thậm chí có những suy nghĩ là phải vượt trội hơn người khác), vì vậy họ cho rằng ăn càng nhiều thai nhi càng phát triển tốt. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Điều quan trọng là phải đảm bảo được chế độ dinh dưỡng của từng bữa ăn. Ăn uống sao để đủ chất mà lại không bị thừa cân, tránh rơi vào tình trạng con bị béo phì, mắc các bệnh tim mạch bẩm sinh là việc không hề dễ dàng.
Thạc sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn khuyên các bà mẹ chỉ nên tăng từ 9-12 kg với các trường hợp thông thường, còn với đa thai thì cần tăng thêm khoảng 6kg nữa. Thế nhưng có nhiều người vẫn sinh hoạt theo cảm hứng, ăn nhiều mà lại không đủ chất nên tình trạng thiếu máu do thiếu sắt vẫn diễn ra khá phổ biến (chiếm tới gần 50%). Hậu quả là thai nhi không được nuôi dưỡng tốt, trẻ sinh ra dễ bị nhiễm trùng, chỉ số thông minh thấp”. Cũng có trường hợp mẹ được chăm sóc tốt nhưng thai vẫn chậm phát triển. Đó là do quá trình chuyển chất từ mẹ sang con bị ngăn cản – một biểu hiện không bình thường của bánh nhau. Người mẹ nên đi khám ngay khi phát hiện dấu hiệu này, bởi càng để lâu thì khả năng ảnh hướng xấu tới sức phát triển của thai càng lớn.
Tăng dinh dưỡng cho thai
- Ăn nhiều loại thực phẩm để bổ sung đa dạng dưỡng chất, ngoài ba bữa chính cần bổ sung thêm 2-3 bữa phụ.
- Lượng thực phẩm ăn từng bữa đều phải tăng hơn những lúc chưa mang thai (tùy theo từng cơ thể) để đảm bảo nguồn năng lượng nuôi thai nhi.
- Cần chú trọng tới một số thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, các loại đậu... trung bình nên ăn khoảng 150-200g thịt cá/ngày và chỉ nên dùng dầu thực vật, muối i-ốt để chế biến thức ăn. Bên cạnh đó nên bổ sung thêm khoáng chất cho thai nhi bằng cách uống hai ly sữa mỗi ngày.
- Hãy ăn nhiều rau và trái cây tươi để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể người mẹ và cung cấp đều đặn vitamin cho bé.
- Nên uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít/ngày, nó sẽ giúp thải độc.
Những điều cần lưu ý khi mang thai
Không ăn quá nhiều calci: Quá trình mang thai, người mẹ rất cần bổ sung calci (800gr/ngày cho giai đoạn đầu, sau tăng lên 1100gr/ngày). Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều rất dễ khiến cho thai nhi bị thừa calci trong máu. Khi trẻ ra đời, thóp sẽ kín quá sớm, xương hàm rộng và nhô ra, động mạch chủ có thể bị thu hẹp.
Không ăn nhiều đồ ngọt có đường: Trong quá khứ các nhà y học thuộc Học viện quốc gia Italia đã từng công bố nghiên cứu: Phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều đường có thể khiến trẻ quá nặng cân và tỷ lệ dị dạng bẩm sinh cao, nguyên nhân là do chức năng thải đường ở phụ nữ mang thai giảm hơn so với người thường.
Không ăn nhiều mỡ: Ăn quá nhiều mỡ với một cơ thể bình thường vốn đã không tốt, còn với phụ nữ mang thai nó sẽ trở nên nghiêm trọng vì khả năng ung thư hệ sinh dục của trẻ (vú, buồng trứng, cổ tử cung) xảy ra phổ biến hơn, nhất là kết hợp với khả năng di truyền.
Không ăn quá mặn và chua thời kỳ đầu: Ăn mặn nhiều thì nguy cơ bị huyết áp cao càng lớn, biểu hiện là phù nề, nếu bị nặng có thể đau đầu, hoa mắt… Ăn chua quá nhiều giai đoạn đầu có thể làm tích vào bào thai, ảnh hưởng xấu tới khả năng phát triển của trẻ.
Không ăn thực phẩm đã biến chất: Bản thân thai phụ có thể bị trúng độc cấp tính hoặc mãn tính nếu ăn phải thực phẩm như vậy, nhưng nguy hiểm hơn nó có thể khiến thai chết lưu hoặc bị dị tật khi chào đời, do độc tố phá vỡ liên kết nhiễm sắc thể
Không uống chất kích thích: Rượu, bia và những chất có ga cần được hạn chế tới mức tối đa. Cồn trong rượu, bia đi qua cuống nhau thai khiến cho thai phát triển chậm, trường hợp uống nhiều còn khiến cho thai nhi bị dị dạng như: đầu nhỏ, mắt to, cằm ngắn, thân ngắn, dễ mắc bệnh...
Nguyễn Ngọc
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: