Sự thực là những thay đổi nội tiết trong cơ thể, sự bất ổn về thần kinh, dùng thuốc, yếu tố tâm lý, stress, mỹ phẩm, bụi bẩn, vài thói quen xấu… mới là thủ phạm đích thực làm nên “kẻ đáng ghét” này. Còn thực phẩm, có chăng, chỉ ảnh hưởng chút xíu mà thôi.
Ảnh minh họa |
Mụn trứng cá xuất hiện khi tuyến bã của cơ thể sản xuất quá nhiều chất nhờn, chất nhờn này kết hợp với tế bào của tuyến bã làm tắc nghẽn các lỗ chân lông. Thông thường, ngay khi có hiện tượng nổi mụn, nếu điều chỉnh lại thói quen, sinh hoạt của mình thì mụn sẽ nhanh chóng biến mất. Nhưng, trong một số trường hợp, mụn sẽ trở nên nặng do cơ địa, diễn tiến bệnh hoặc do điều trị không thích hợp. Mụn trứng cá nặng hay gặp ở nam nhiều hơn nữ gấp 10 lần và đa số gặp ở những người có người thân trong nhà cũng bị mụn trứng cá nặng. Khi đó, mụn trứng cá với các biểu hiện như viêm đỏ, có mủ, tạo thành nhiều cục ở sâu, gây đau.
Thật oái oăm khi mụn trứng cá thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên khiến các em bị mặc cảm, bối rối, bất an khi tiếp xúc với người khác và thậm chí có thể gây trầm cảm, xa lánh bạn bè. Đặc biệt, đối với mụn trứng cá nặng nếu như chúng ta không biết chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể để lại sẹo, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý.
PGS. TS Phạm Văn Hiển (Chủ tịch Hội da liễu Việt Nam) chia sẻ: “Mụn trứng cá gây ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần cho bệnh nhân và đây là vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm đầy đủ. Vì vậy, để giúp các bệnh nhân điều trị được một cách hữu hiệu nhất và tránh được hậu quả để lại sẹo vĩnh viễn, gây ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân, ngoài việc có một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả thì việc giải thích rõ ràng hơn về mụn trứng cá cũng là cần thiết. Tình trạng mụn trứng cá thay đổi liên tục theo thời gian nên liệu pháp điều trị nó cũng cần phải được điều chỉnh theo từng cá thể người bệnh và tình trạng bệnh”.
Đừng để mụn làm xấu bạn
Có nhiều phương pháp điều trị mụn trứng cá, tùy theo mức độ bệnh bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp tối ưu nhất:
Thuốc/kem bôi trên da: Nhằm hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, những chế phẩm này có thể gây khô da và tróc vẩy, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên để hạn chế tác dụng này. Lưu ý, thuốc chống chỉ định nếu bạn dự định mang thai, đang có thai hoặc cho con bú.
Trị liệu: Nhằm loại bỏ những mụn đầu đen hay đầu trắng. Trong đó: Bào da vi phẫu dùng để loại bỏ những lớp trên cùng của da nhằm làm cải thiện những bất thường trên bề mặt da; Lột da nhẹ bằng hóa chất (acid salicylic, lycolic acid) giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, xóa mụn và kích thích sự tạo da mới; Tiêm corticosteroids có thể giúp những mụn trứng cá nốt biến mất nhanh hơn.
Đường uống: Trong các trường hợp mụn có nguyên nhân từ tăng sự tăng tiết quá mức bã nhờn do nội tiết tố androgen, các bác sĩ da liễu sẽ sử dụng thuốc viên nội tiết điều trị mụn có tính kháng androgen cao (ở Việt Nam hiện có thuốc Diane 35 với thành phần chất Cyproteron Acetate (CPA)) vì thuốc cho hiệu quả điều trị rất rõ ràng nhờ vào cơ chế điều chỉnh giảm sự tác động quá mức của androgen lên tuyến bã nhờn. Chất CPA chăn tác động của nội tiết tố nam androgen lên tuyến bã nhờn của da, nhờ vậy da sẽ sản xuất ít bã nhờn hơn, giảm sự hình thành nên các đốm mới và mụn đầu đen. Sau một thời gian, da sẽ hết nhờn và mụn sẽ không còn nữa. Quá trình này mất khoảng 3 - 4 tháng.
Ngoài ra, bạn có thể dùng kháng sinh như: tetracycline, doxycycline, minocycline hay erythromycine. Đối với mụn trứng cá nặng có thể dùng thêm sulfamethoxazol/trimethoprime hoặc Dapsone. Tuy nhiên, bạn cần biết những kháng sinh nào có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai để có lựa chọn thích hợp.
Các phương pháp khác: Uống Isotretinoin nếu bị mụn trứng cá nặng không đáp ứng với điều trị (tuy nhiên, thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai vì có thể gây quái thai) và liệu pháp ánh sáng quang học với bước sóng có ánh sáng xanh.
Bạn cũng đừng lo nếu trứng cá để lại sẹo vì các bác sĩ da liễu có thể xóa chúng bằng nhiều cách: Tái tạo bề mặt da bằng laser, bào da, hóa chất, đốt điện hay kỹ thuật ghép da…
Bạn có biết chăm sóc da?
Mụn trứng cá không thể chữa khỏi hẳn, nhưng nếu bạn dành nhiều sự quan tâm hơn cho làn da của mình thì hoàn toàn có thể kiểm soát được nó:
- Trước hết, hãy bỏ ngay thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo.
- Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm (nhất là loại chứa dầu), đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều.
- Bảo vệ da chống nắng: hạn chế đi nắng, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sậm, bôi kem chống nắng.
- Sử dụng các loại sữa rửa mặt nhẹ, dịu, có thành phần làm sạch trung tính để ngăn chặn vi khuẩn.
- Nên rửa mặt 2-3 lần mỗi ngày. Khi da bị khô, đỏ ngứa do tác dụng của thuốc điều trị bạn chỉ nên rửa bằng nước sạch là đủ. Nếu da nhờn, bạn có thể dùng thêm sản phẩm rửa thích hợp một lần vào buổi tối. Khi rửa không nên dùng bông hoặc khăn chà xát vì sẽ làm trầy xướt da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch.
- Ngoài ra, điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cũng là cách bạn bảo vệ làn da của mình: Hạn chế ăn ngọt, chất béo; Ngủ điều độ, tránh thức khuya; Tạo cuộc sống thoải mái, giải tỏa những ức chế tâm lý và stress...
Hải Hà
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: