Theo y văn, táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hoá dẫn đến tình trạng phân không đều, khô cứng khiến người mắc có cảm giác đau rát, khó ra khi đi đại tiện, thậm chí là gây chảy máu. Ở người lớn, táo bón là quá 3 ngày chưa đi đại tiện và ở trẻ em là một tuần không thể đi đại tiện 3 lần.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh táo bón thường bắt nguồn từ việc cách sinh hoạt không lành mạnh của chúng ta, chẳng hạn như: ăn nhiều thịt nhưng bổ sung ít chất xơ, uống ít nước, uống nhiều bia rượu, nhịn đi đại tiện,.... (Ảnh: Internet) |
Dù không phải là một bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng, nhưng chúng ta vẫn không nên chủ quan kéo dài mà nên thăm khám và điều trị sớm, vì nó có thể làm ảnh hưởng chất lượng sống của chúng và gia tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng.
Táo bón kéo dài, căng thẳng khi đi tiêu khiến các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng bị sưng, viêm. Những tĩnh mạch sưng phồng này được gọi là trĩ hoặc búi trĩ. Có 2 dạng trĩ là: trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ ngoại có thể gây ngứa hoặc đau khi đi tiêu còn trĩ nội thường không gây đau (nếu như đau thì thường có viêm hoặc huyết khối, đi kèm phân màu đỏ tươi trong bồn cầu).
Để hạn chế nguy cơ mắc trĩ, người bệnh cần sớm điều trị táo bón, tránh căng thẳng khi đi tiêu, tránh ngồi lâu trong bồn cầu vì điều này gây áp lực lên tĩnh mạch xung quanh hậu môn.
Táo bón kéo dài có thể dẫn tới tình trạng ứ phân, xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người cao tuổi. Triệu chứng thường là đau bụng, chuột rút sau ăn, khó chịu, chướng bụng, buồn nôn, đau đầu,... Đó là vì khi táo bón, cơ thể không thể tống phân ra ngoài, lâu ngày tích tụ trong ruột tạo khối tắc nghẽn. Khối phân cứng và quá lớn khiến ruột kết không thể co bóp đẩy ra ngoài, gây đau đớn, nhiễm trùng.
Với tình trạng này chỉ có thể dùng thuốc xổ tăng co bóp ruột làm mềm phân hoặc dùng ống thụt hậu môn để xả phân. Người bệnh có hiện tượng ứ phân sau khi giải quyết tình trạng này xong cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị táo bón sớm, để quá lâu sẽ gây hại sức khoẻ (Ảnh: Internet) |
Táo bón nếu không được điều trị có thể gây ra sa trực tràng. Bệnh xảy ra khi phần cuối của đại tràng, là niêm mạc trực tràng thò ra ngoài hậu môn khi đại tiện hoặc thường xuyên. Triệu chứng thường gặp của sa trực tràng là cảm giác ướt vùng hậu môn, ngứa ngáy khó chịu hoặc đau xung quanh hậu môn, rò rỉ phân, chất nhầy, mô đỏ thò ra ngoài hậu môn sau đại tiện hoặc thường xuyên ở ngoài hậu môn. Sa trực tràng nếu trở nặng sẽ cần phẫu thuật để tránh nguy hiểm tới tính mạng.
Tình trạng táo bón kéo dài sẽ gây ra các thương tổn vùng hậu môn, một trong số đó là hiện tượng nứt kẽ hậu môn - xảy ra khi có khối phân rắn và lớn đi qua cơ quan này. Điều này có thể làm gây tổn thương niêm mạc ống hậu môn trực tràng, sau đó tạo thành một vết rách rất khó liền gọi là vết nứt hậu môn.
Bệnh nhân có biểu hiện đại tiện ra máu đỏ tươi, đặc biệt là rất đau đớn sau mỗi lần đi cầu. Nhiều trường hợp bệnh nhân còn nhịn đại tiện vì sợ đau.
Nhiều chuyên gia sức khoẻ cho biết, táo bón mạn tính hay mắc bệnh táo bón mà không chịu thăm khám sớm có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm nhất đó là ung thư đại trực tràng. Từng có một nghiên cứu được thực hiện tạ Mỹ cho thấy, những người bị táo bón mạn tính có tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn người không bị táo bón đến 1,6 lần, đồng thời tỉ lệ mắc khối u lành tính cũng cao hơn 2,6 lần.
Người xưa thường nói “phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh” thường không sai. Nếu bạn không muốn mắc phải bệnh táo bón và lo lắng mình sẽ gặp các biến chứng nghiêm trọng như trên, chủ động phòng ngừa vẫn là điều tốt nhất. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh táo bón, hãy thay đổi lối sống lành mạnh hơn bằng những cách sau đây:
1. Thực hiện chế độ ăn uống tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, các loại rau xanh và trái cây tươi.
Không muốn bị bệnh táo bón, cần phải hạn chế các loại thực phẩm chiến rán dầu mỡ, nhiều chất béo và không lạm dụng rượu, cà phê, trà đặc,…(Ảnh: Internet) |
2. Uống đủ nước - một người trưởng thành cần uống trung bình 2L nước/ngày.
3. Thường xuyên vận động, rèn luyện thể lực. Mỗi ngày cần vận động thể lực với cường độ tối thiểu phải tương đương 30 phút đi bộ. Không nên ngồi nhiều.
4. Không nên nhịn đại tiện. Bên cạnh đó, hãy tập thói quen đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định (thời điểm đi đại tiện tốt cho sức khoẻ nhất đó là vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy).
Nhìn chung, khi phát hiện mình có dấu hiệu mắc bệnh táo bón, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả. Điều trị bệnh càng sớm càng tốt, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm như trên.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: