Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tất tần tật về Viêm não Nhật Bản - Bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong

Được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952, Viêm não Nhật Bản ngày càng phát triển và trở thành mối nguy hại đáng quan tâm của tất cả mọi người.

Viêm não Nhật Bản là bệnh gì?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Virus viêm não Nhật Bản chính là tác nhân gây bệnh.

Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi đặc biệt là độ tuổi 2-6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh).

Bệnh có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Tại sao gọi là bệnh viêm não Nhật Bản?

Gọi là viêm não Nhật Bản vì bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản.

Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã tìm ra căn nguyên bệnh là một loài vi rút từ đó đặt tên là virus viêm não Nhật Bản.

Năm 1938 cũng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi Culex tritaeniorhynchus và sau đó vào tìm ra vai trò vật chủ và ổ chứa chính của virus viêm não Nhật Bản là loài lợn và chim.

Đâu là tác nhân gây bệnh?

Virus viêm não Nhật Bản thuộc họ Togaviridae trong nhóm B của các Flavivirus.

Virus này có hình cầu, nhân chứa ribonucleic axit (RNA), kích thước 45-50nm, bao quanh bởi cấu trúc hình khối gọi là capsid, phần vỏ giàu chất lipid.

Virus viêm não Nhật Bản dễ mất hoạt lực ở nhiệt độ 560 độ C trong nửa giờ hoặc bị bất hoạt nhanh bởi tia tử ngoại.

Nguồn lây viêm não Nhật Bản là gì?

Chim là vật chủ quan trọng chứa virus viêm não Nhật Bản. Người ta tìm thấy virus viêm não Nhật Bản từ nội tạng của chim hoang dã như: chim liếu điếu và một số loại chim khác. Chim mang virus huyết kéo dài nhưng lại không biểu hiện bệnh. Loài chim có thể lây truyền virus từ vùng này qua vùng khác.

Bên cạnh chim, hầu hết gia súc như trâu bò, dê, cừu, chó đều có thể nhiễm virus viêm não Nhật Bản nhưng chỉ có heo, ngựa có biểu hiện bệnh. Trong đó heo là nguồn nhiễm virút huyết quan trọng truyền cho muỗi vì heo đẻ được nhiều lứa, tạo ra số lượng một quần thể heo cảm nhiễm mới, luân chuyển thường xuyên mỗi 6-8 tháng.

Chỉ số heo nhiễm virus trong tự nhiên cao hơn tất cá gia súc khác và trở thành nguồn lây nhiễm đáng đề phòng nhất.

Heo và chim được xem 2 nguồn lây bệnh chính của bệnh Viêm não Nhật Bản

Trung gian truyền bệnh?

Câu trả lời chính là muỗi. Sau khi hút máu động vật có nhiễm vi rút, muỗi tìm nơi trú ẩn tiêu máu. Virus nhân lên trong cơ thể muỗi trong vài ngày thì đủ khả năng truyền bệnh.

Nếu muỗi đốt hút máu người, muỗi bị nhiễm virus Viêm não Nhật Bản có khả năng truyền bệnh suốt đời và có thể truyền virus sang thế hệ sau qua trứng. Virus thường phát triển nhanh trong cơ thể muỗi. Đó cũng là lý do tại sao bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9 và đỉnh cao là vào tháng 6, tháng 7.

Ngày nay người ta đã phát hiện được virus viêm não Nhật Bản ở 30 loài muỗi khác nhau, trong đó có 2 loại: C.Tritae và C.vishnui là vật chủ trung gian có khả năng truyền bệnh cao.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định muỗi Culex Tritaeniorhynchus là vật chủ trung gian chính lan truyền virus viêm não Nhật Bản tại Việt Nam.

Muỗi chính là trung gian gây bệnh Viêm não Nhật Bản

Biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh khởi đầu với biểu hiện sốt cao 39-40 độ C. Người bệnh còn có các biểu hiện kèm theo như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 6 ngày.

Tiếp đến là các biểu hiện rất điển hình như tiếp tục sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê rồi đau đầu, cứng gáy, tay chân quờ quạng, mất nước,...

Hậu quả khi bị viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (10-20%) hoặc di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn.

Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50%, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động.

Cách điều trị viêm não Nhật Bản

Khi phát hiện ra triệu chứng bệnh, cách tốt nhất là nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Cho đến nay, chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh viêm não Nhật Bản.

Do vậy phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như: chống sốt, chống co giật, chống phù não, trợ tim mạch, hô hấp, chống rối loạn thần kinh thực vật, chăm sóc tích cực, dinh dưỡng tốt....

Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh cũng cần được huấn luyện phục hồi chống các di chứng.

Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Vì hậu quả vô cùng nghiêm trọng, phòng bệnh viêm não Nhật Bản được xem là một công tác tổng lực từ cá nhân đến tập thể.

Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất chính là tiêm văcxin phòng viêm não Nhật Bản. Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 cách sau 1 năm. Vaccine viêm não Nhật Bản bắt đầu tiêm khi trẻ được 1 tuổi.

Bên cạnh đó từng cá nhân phải biết giữ vệ sinh cá nhận, nhà ở, môi trường sinh sống để ngăn chặn sự sinh sôi phát triển của loài muỗi.

Tiểu Bùi

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tat-tan-tat-ve-viem-nao-nhat-ban--benh-nguy-hiem-dan-den-tu-vong-23295/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY