Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thai 34 tuần tuổi và thay đổi cơ thể của mẹ bầu

Thai 34 tuần tuổi chính là giai đoạn đặc biệt quan trọng vì chỉ còn vài tuần nữasẽ đến ngày bé yêu chào đời. Vì vậy, hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ để chăm sóc sức khỏe, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh mẹ bầu nhé!

Thai 34 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi này, mẹ bầu hãy tìm hiểu về cân nặng, sự phát triển và hình ảnh thai nhi 34 tuần tuổi nhé!

Thai nhi 34 tuần nặng bao nhiêu kg?

Vào tuần thai thứ 34, thai nhi tiếp tục phát triển một cách khỏe mạnh và tăng cân nhanh vì chất béo đang ngày càng tích trữ dưới da. Với kích thước khoảng 44 cm và nặng khoảng 2300 gram, bé có thể bằng cỡ trái bí đỏ.

Thai nhi 34 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Sự phát triển của các cơ quan: Phần lớn lông tơ trên cơ thể bé đang dần biến mất. Đôi mắt của bé có thể giãn ra hoặc co nhỏ khi có kích thích của ánh sáng. Hệ thống thần kinh trung ương của bé đang trong quá trình hoàn thiện. Đồng thời, phổi của bé cũng đã phát triển khá tốt.

Sản xuất hormone giới tính: Tại tuần thai 34, cả hai bé trai và bé gái đều đang sản xuất rất nhiều hormone giới tính. Nếu thai nhi là một bé trai, thì tinh hoàn của bé đang di chuyển từ bụng xuống bìu.

Chuyển động của bé: Bởi vì kích thước của bé đang dần trở nên lớn hơn nên chân của bé thường co gập vào thân. Mẹ bầu có thể cảm nhận được bàn tay hoặc bàn chân của bé di chuyển dọc theo bên trong bụng.

Hệ tiêu hóa hoàn thiện: Hệ tiêu hóa đã được hoàn thiện cho phép em bé sẵn sàng hấp thụ sữa mẹ khi được sinh ra. Các cơ quan chính khác như hệ thần kinh và hô hấp gần như đã có thể tự hoạt động.

Hình ảnh thai nhi 34 tuần tuổi sẽ như thế nào?

So với thời kỳ đầu mang thai, hình dáng của thai nhi dường như đã hoàn thiện trọn vẹn. Qua hình ảnh siêu âm thai 34 tuần, chúng ta sẽ thấy rõ khuôn mặt, từng bộ phận trên cơ thể và từng cử động của bé trong túi ối.

Hình ảnh siêu âm thai nhi 34 tuần tuổi

Sự thay đổi của cơ thể người mẹ thai 34 tuần

Thay đổi về mặt thể chất

Khi mang thai 34 tuần tuổi, mẹ bầu tăng cân nhanh, bụng bầu nặng nề khiến việc sinh hoạt, làm việc và di chuyển trở nên khó khăn hơn.

Lúc này, mẹ bầu có dáng đi, lạch bạch, lắc lư, khó lựa chọn tư thế ngồi và ngủ thoải mái. Thai nhi phát triển lớn đè lên dạ dày của mẹ bầu làm cho cơ hoành và phổi bị o ép, gây ra cảm giác khó thở.

Mẹ bầu thường bị tê các ngón tay, cổ tay, bàn tay, chân hoặc nhiều vị trí khác trên cơ thể. Núm vú to hơn, sẫm màu hơn. Mẹ bầu sẽ xuất hiện tình trạng thiếu máu, thiếu dinh dưỡng do nhu cầu thai nhi tăng lên để phát triển.

Trong thời gian này, mẹ bầu tăng tiết dịch âm đạo, vì vậy cần vệ sinh phụ khoa sạch sẽ để tránh bị viêm nhiễm. Nếu bị viêm âm đạo thì cần điều trị kịp thời vì viêm âm đạo là một trong những nguy cơ gây sinh non cao.

Cảm xúc của mẹ

Khi thai nhi 34 tuần tuổi thì chỉ còn gần hơn 1 tháng nữa là em bé chào đời. Lúc này mẹ bầu sẽ đan xen cảm xúc rất háo hức chờ đợi và cả lo lắng.

Việc sinh em bé sẽ khiến cuộc sống của mẹ có nhiều thay đổi, đặc biệt là những ai sinh con lần đầu. Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý, tinh thần và nỗ lực học cách chăm sóc cho bé yêu chuẩn bị chào đời. Nếu đã có con, hãy suy nghĩ đến việc làm sao để anh chị của bé hòa hợp với thành viên mới.

Đừng quá lo lắng, stress vì sẽ anh hưởng đến em bé trong bụng. Hãy cố gắng thư giãn, suy nghĩ tích cực, chuẩn bị chu đáo để chào đón bé yêu ra đời nhé!

Triệu chứng xuất hiện khi mang thai tuần 34

Với sự tăng cân và phát triển của bé, mẹ bầu sẽ cảm thấy căng thẳng, nặng nề hơn kèm với các triệu chứng như:

Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc

Thường xuyên đi tiểu

Mệt mỏi, căng thẳng

Đau thần kinh tọa

Hụt hơi, khó thở

Tình trạng ợ nóng và khó tiêu

Những cơn co thắt Braxton Hicks

Đau lưng, hông, đau xương chậu

Sưng chân và mắt cá chân

Táo bón

Chuột rút chân

Mẹ bầu mang thai 34 tuần cần nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thật tốt

Chăm sóc mẹ bầu mang thai 34 tuần

Thai 34 tuần tuổi nên ăn gì, uống gì tốt cho thai khỏe mạnh?

Tới tuần thai 34, mẹ vẫn nên bồi dưỡng đồ ăn ngon vì bé đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Một số món ăn mà mẹ có thể ghi vào thực đơn hàng ngày đó là:

Thịt bò nạc bổ sung nhiều đạm, sắt hay các loại vitamin nhóm B.

Trứng rất giàu canxi, vitamin D, đạm cần thiết.

Những loại trái cây như cam, quýt giàu vitamin C và axit folic mà mẹ bầu nên ăn bổ sung.

Cải bó xôi, đậu bắp chứa nhiều axit folic để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho bé yêu.

Bí ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng và giàu canxi, sắt, vitamin, protein …

Duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, uống nhiều nước để nước ối được sạch, trong.

Thai 34 tuần tuổi kiêng ăn gì, kiêng uống gì?

Không ăn quá nhiều trong một lúc, không sử dụng những loại chất kích thích, đồ uống có gas, đồ ăn khó tiêu.

Không ăn những món mặn cá khô, dưa muối và món nhiều dầu mỡ…

Mẹ bầu cần tránh những thực phẩm chưa nấu chín, thức ăn tái sống.

Những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu càng phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tuyệt đối không ăn kiêng.

Hãy chia nhỏ bữa ăn hàng ngày để hệ tiêu hóa làm việc tốt nhất.

Mẹ bầu có thể uống thêm các loại thuốc bổ để đảm bảo con đủ chất tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều.

Những khó khăn gặp phải trong tuần thứ 34

Cân nặng thai nhi 34 tuần đã tăng lên rất nhiều, bụng mẹ to hơn nên khó khăn trong việc di chuyển, xoay người, tìm tư thế ngủ hợp lý. Đây là giai đoạn nhạy cảm nên việc mẹ mất ngủ thường xuyên cũng không có gì đáng lo ngại.

Do sức ép lên cột sống ngày càng tăng nên mẹ bầu thai tuần 34 luôn cảm thấy đau lưng, đau chân, nhức mỏi phần hông. Tuy nhiên, khi tình trạng đau buốt kéo dài, không thể cử động hay thay đổi tư thế thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, thăm khám.

Mang thai 34 tuần mẹ bầu cũng có thể bị phù nề bàn chân, bàn tay, thậm chí cả mặt do tăng cân, tích nước. Điều này khiến cho việc vận động, di chuyển cũng trở nên khó khăn hơn. Tình trạng phù nề có thể là dấu hiệu bình thường nhưng cũng có thể là biểu hiện của chứng bệnh tiền sản giật vì vậy mẹ bầu cần phải theo dõi sát sao.

Bất cứ bà bầu nào cũng phải đối mặt với tình trạng đi tiểu liên tục. Khi thai càng lớn thì hiện tượng đi tiểu xuất hiện càng dày đặc. Muốn có được giấc ngủ ngon, mẹ hãy hạn chế uống nước nhiều nước vào ban đêm.

Những việc nên và không nên làm

Mang thai tuần 34, mẹ thường xuyên cảm thấy mắt bị khô mắt và nhạy cảm hơn bình thường vì vậy hãy bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm khi ra ngoài trời và bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin A.

Trong quá trình mang thai, cảm xúc của mẹ thay đổi thường xuyên. Những cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của em bé. Vì vậy, hãy suy nghĩ tích cực, đón nhận sự chăm sóc và chia sẻ của người thân để giảm bớt lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng.

Khi mang thai tuần 34, mẹ cần duy trì bổ sung dinh dưỡng để tạo điều kiện tốt nhất cho bé phát triển toàn diện. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều thức ăn trong cùng một thời điểm. Mẹ bầu có thể chia ra nhiều bữa nhỏ và tránh tình trạng ăn quá no gây ra khó chịu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên ăn nhạt bởi vì ăn nhiều muối không tốt cho em bé và có thể khiến tình trạng phù nề trở nặng thêm.

Vận động khi mang thai giúp tăng cường sức khỏe và tạo tinh thần thoải mái. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho thai nhi và mẹ bầu, nên lựa chọn những bài tập phù hợp với tần suất luyện tập vừa phải.

Đi lại, di chuyển chậm rãi, không mang vác đồ nặng vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mẹ bầu cần đi thăm khám thường xuyên ở những tuần cuối thai kỳ

Lời khuyên của bác sĩ khi thai nhi 34 tuần tuổi

Viêm lợi có thể là một trong những nguyên nhân gây ra sinh non. Vì vậy hãy vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ít nhất hai lần một ngày và khám răng thường xuyên.

Giấc ngủ trưa rất quan trọng giúp bạn giảm mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên không nên nghỉ trưa quá 1h vì có thể làm bạn mất ngủ về đêm.

Khi thai nhi 34 tuần tuổi, mẹ bầu vẫn nên duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh. Nếu thèm ăn vặt, hãy ưu tiên những món giàu chất xơ, canxi, sắt, đạm, vitamin B, C…

Theo dõi, kiểm tra thường xuyên các vấn đề về sức khỏe của mẹ và bé để phát hiện những dấu hiệu bất thường trong sự phát triển của thai nhi, cũng như biết được thai nhi cân nặng thế nào để điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp.

Mẹ mang thai tuần 34 nên làm gì?

Theo dõi cân nặng của thai nhi để đánh giá sự phát triển của bé.

Nắm rõ dấu hiệu nhận biết chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời.

Phân biệt chảy dịch âm đạo và rỉ ối để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai.

Nhân biết cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.

Đi khám thường xuyên để theo dõi lượng nước ối.

Đi khám khi đau bụng hoặc cảm giác vùng bụng trước căng thành cơn.

Nếu bị nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển thì cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.

Ngoài ra, nếu mẹ bầu thấy các triệu trứng bất thường như hay đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực… thì cần tới viện khám ngay.

Nếu bạn mang thai lần đầu, hãy tập cho con bú trước để làm quen. Hãy làm điều này trước gương, chọn cho mình tư thế thích hợp và thoải mái nhất. Đặc biệt là việc cho con bú trước đám đông.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về thai 34 tuần và cách chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu trong thời kỳ này. Hy vọng sẽ đem lại cho bạn những kinh nghiệm bổ ích để trải qua một thai kỳ khỏe mạnh.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/thai-34-tuan-tuoi-va-thay-doi-co-the-cua-me-bau-33546/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY