Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thế nào là dậy thì sớm ở bé gái?

Tuổi dậy thì ở bé gái được tính từ 8 - 13 tuổi. Như vậy nếu việc dậy thì xảy ra trước năm 8 tuổi thì được coi là dậy thì sớm. Vậy đâu là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi bé gái dậy thì sớm

Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh nguy cơ dẫn tới dậy thì sớm? Để biết câu trả lời, bạn đọc đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Dậy thì sớm bé gái là bao nhiêu tuổi? Dấu hiệu của quá trình dậy thì ở bé gái

Dậy thì ở bé gái là quá trình, tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường. Ở bé gái, nếu hoạt động này xảy ra trước năm 8 tuổi thì được xem là dậy thì sớm.

Thông thường, quá trình dậy thì ở bé gái sẽ bắt đầu khi bé được khoảng 10 - 10,5 tuổi. Những dấu hiệu điển hình của quá trình dậy thì ở bé gái được ghi nhận gồm:

Sự phát triển ở vú, ngực: Lúc này, ngực nhú lên thành những cục nhỏ dưới núm vú, ở một hoặc cả hai bên một cách tương đối nhanh. Những cục này có thể cứng và có kích thước khác nhau.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần phân biệt rõ tình trạng dậy thì thực thụ với chứng vú phát triển sớm – một rối loạn lành tính. Trẻ gặp tình trạng này thường chỉ đơn thuần phát triển vú mà không đi kèm với các dấu hiệu dậy thì nào khác.

Xuất hiện kinh nguyệt: Đây là dấu hiệu điển hình nhất, đặc trưng nhất, chính thức đánh dấu quá trình dậy thì ở bé gái. Lúc này, cơ thể bé đã có trứng trưởng thành, xuất hiện tình trạng phóng noãn cũng như tử cung phát triển.

Mọc lông mu: Lông mu hay còn gọi là lông ở vùng kín. Vùng lông này có thể xuất hiện đầu tiên của quá trình dậy thì. Lông mu có thể mọc song song với lông nách hoặc sớm hơn/muộn hơn tùy theo từng thể trạng.

Tăng trưởng chiều cao, cân nặng: Bước vào tuổi dậy thì, các bé gái sẽ có sự cao lên nhanh chóng. Trung bình trong độ tuổi, các em có thể cao được khoảng 10cm mỗi năm. Ở giai đoạn đỉnh của tuổi, nếu có chế độ chăm sóc tốt, các em có thể đạt được 15cm một năm.

Mụn trứng cá, da bã nhờn: Bước vào tuổi dậy thì, sự thay đổi nội tiết cũng sẽ khiến da bắt đầu tiết bã nhờn, mụn trứng cá xuất hiện. Vì vậy, đây cũng là lúc mà các em nên học cách chăm sóc da để có một làn da khỏe, đẹp.

2. Phân loại tình trạng dậy thì sớm ở bé gái

Hiện nay, việc dậy thì sớm ở bé gái có thể được phân chia làm hai loại là theo tốc độ tiến triển và theo tác động lên các cơ quan

2.1. Dậy thì sớm theo tốc độ tiến triển

Tốc độ tiến triển nhanh: Gặp phải ở rất nhiều bé gái, nhất là những em có thời gian dậy thì trước năm 6 tuổi. Ở tốc độ tiến triển nhanh, các bé gái vẫn trải qua đầy đủ từng giai đoạn của quá trình, tuy nhiên điều này thường xảy ra rất nhanh.

Các bé gái thuộc nhóm dậy thì sớm với tốc độ tiến triển nhanh thường có chiều cao rất thấp khi đến tuổi trưởng thành.

Tốc độ tiến triển chậm: Thường gặp phải các bé gái dậy thì sau 7 tuổi. Lúc này, bé vẫn trải qua các giai đoạn của quá trình dậy thì nhưng ở mức độ chậm. Trẻ sẽ tăng trưởng chiều cao khá mạnh mẽ ở giai đoạn đầu và vẫn có thể tiếp tục cao tới năm 16 tuổi.

Tốc độ không kéo dài: Xảy ra ở số ít trường hợp. Với các trẻ em gái dậy thì thuộc loại này, các biểu hiện dậy thì sẽ sẽ nhanh chóng xuất hiện nhưng cũng nhanh chóng kết thúc.

2.2. Dậy thì sớm theo tác động của các cơ quan

Dậy thì sớm trung ương (hoặc dậy thì sớm thật): Do hoạt động sớm của trục hạ đồi – tuyến yên – sinh dục. Quá trình này phụ thuộc chủ yếu vào hormon hướng sinh dục.

Dậy thì sớm ngoại biên (hoặc dậy thì sớm giả): Là dạng dậy thì sớm độc lập với sự kích thích của tuyến yên, không phụ thuộc hormon hướng sinh dục.

Dậy thì sớm một phần (hoặc dậy thì sớm riêng lẻ, không hoàn toàn): Là dạng dậy thì chỉ phát triển sớm và riêng lẻ một đặc tính sinh dục thứ phát, không tiến triển hoặc tiến triển rất chậm.

3. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng dậy thì sớm ở bé gái?

Cũng như tình trạng dậy thì sớm ở bé trai, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng dậy thì sớm ở bé gái. Những nguyên nhân này có thể kể đến như:

Sự phát triển sớm của cơ thể trước tuổi: Đây là nguyên nhân phổ biến và thường không có gì quá nguy hiểm.

Dậy thì sớm trung ương: do nồng độ GnRH tăng cao. Điều này dẫn tới sự bài tiết quá mức của hormon sinh dục.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng GnRH tăng cao có thể kể đến như: khối u trong não hoặc tủy sống, viêm màng não, bức xạ vào não hay cột sống, suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormon),...

Dậy thì sớm ngoại vi: Do các hormon sinh dục tăng cao. Điều này có thể xảy ra do nhiều bệnh lý như khối u ở tuyến thượng thận; hội chứng McCune-Albright, tăng sản thượng thận bẩm sinh; tiếp xúc với các nguồn estrogen hay testosteron bên ngoài, u nang buồng trứng, khối u buồng trứng…

Để biết nguyên nhân chính xác dẫn tới tình trạng dậy thì sớm của con bạn, bạn nên đưa bé tới gặp các bác sĩ để đánh giá, từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp.

4. Dậy thì sớm ở bé gái gây ra những tác động tiêu cực nào?

Dậy thì sớm là quá trình phát triển bất bình thường của cơ thể. Sự bất bình thường này đôi khi sẽ không gây những ảnh hưởng quá lớn, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý tiêu cực mà chúng ta cần phải hiểu rõ.

Tùy theo từng nguyên nhân cũng như biểu hiện của dậy thì sớm ở bé gái, những hậu quả ảnh hưởng từ quá trình này có thể kể đến như:

Sự ảnh hưởng tới tâm lý: Bé gái dậy thì sớm nếu không kịp thời nhận ra và trò chuyện, giải thích thì bé sẽ có thể nghĩ bản thân bị “bệnh". Khi những khác biệt lứa tuổi, các em rất dễ bị bạn bè đồng trang lứa trêu chọc, bàn luận. Điều này có thể khiến các em mất tự ti, ngại ngùng, xấu hổ, ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Dễ bị lợi dụng, nguy cơ quan hệ tình dục sớm: Bé gái khi dậy thì sớm sẽ có nguy cơ phát sinh những ham muốn tình dục sớm. Nếu việc này không được kiểm soát, các em rất dễ bị lợi dụng, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Thấp hơn bạn bè đồng lứa: Dậy thì sớm sẽ dẫn tới quá trình tăng trưởng sớm, kết thúc tăng trưởng cũng sớm. Điều này là cho các em không đạt được chiều cao tối đa ở tuổi trưởng thành, từ đó thấp lùn hơn bạn bè đồng trang lứa.

Nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang: Chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành.

5. Cha mẹ có nên đưa con đi khám dậy thì sớm?

Đây là băn khoăn của không ít các bậc phụ huynh. Theo các chuyên gia nhi khoa, khi phát hiện bé gái dậy thì trước tuổi, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện, cơ sở y tế để đánh giá tình trạng.

Sau khi đánh giá tình trạng, tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có lời khuyên phù hợp cho quá trình điều trị, can thiệp.

Việc thăm khám để đánh giá tình trạng dậy thì sớm của bé gái có thể được tiến hành bằng các biện pháp như:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để phát hiện hàm lượng hormon bất thường.

  • Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u.

  • Chụp XQuang cổ tay để xác định tốc độ trưởng thành của xương.

6. Các cách hạn chế nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái

Để hạn chế nguy cơ dẫn tới việc các bé gái dậy thì sớm, cha mẹ nên áp dụng nhiều cách khác nhau từ chế độ dinh dưỡng cho tới chế độ sinh học, học tập khoa học, lành mạnh. Cụ thể những biện pháp này đó là:

6.1. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng: Bữa ăn của các bé nên được xây dựng với đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết. Việc thiếu hụt chất dinh dưỡng không những ảnh hưởng tới quá trình phát triển toàn diện mà còn khiến trẻ tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về thể trạng, sức khoẻ.

Tăng cường rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước. Điều này giúp cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru, ổn định.

Hạn chế đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga: Đây là những loại thực phẩm, đồ uống nên tránh bởi sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, từ đó tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái.

Ngoài ra, bố mẹ chỉ nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không sử dụng các loại thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ.

6.1. Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh

Trẻ em cần được ngủ đủ giấc, đúng giờ mỗi ngày. Bạn không nên cho trẻ thức quá khuya, dậy quá sớm hay dậy quá muộn. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của cơ thể, từ đó tăng nguy cơ dậy thì sớm.

Trong quá trình lớn lên hằng ngày, trẻ em nên được tiếp xúc với các thông tin, trò chơi khoa học lành mạnh, tích cực. Các ấn phẩm đồ truỵ, nội dung trước tuổi cần được loại bỏ khỏi tầm tìm hiểu của các em.

6.3. Tăng cường vận động hằng ngày

Trẻ em được khuyến khích vận động thể chất từ 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày. Bố mẹ có thể cùng con chơi các trò chơi, thực hiện các bài tập luyện khác nhau theo sở thích, nhu cầu.

Bố mẹ cũng thường xuyên nên cho con vận động ngoài thiên nhiên, tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để cơ thể luôn được thoải mái, tinh thần sảng khoái, tâm trí tích cực.

6.4. Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosterone

Ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục.

Trên đây là những thông tin về chủ đề dậy thì sớm ở bé gái bao nhiêu tuổi. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, cha mẹ đã có thêm kiến thức về dậy thì sớm cũng như các biện pháp phòng ngừa, can thiệp khi con dậy thì trước tuổi.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/the-nao-la-day-thi-som-o-be-gai-33489/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY