Căn nguyên của bệnh
Số liệu thống kê cho thấy, những bệnh lý về mạch máu não có tỉ lệ tử vong cao chỉ sau tim mạch và ung thư, trong đó điển hình và phổ biến nhất là bệnh thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là thiếu máu não. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh này là xơ vữa động mạch kết hợp với các yếu tố khác (như huyết áp động mạch thấp). Ngoài ra, tình trạng thoái hóa đốt sống cổ, gai đốt sống gây chèn động mạch làm lưu lượng máu đưa lên não không đều, không đủ lâu ngày cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Độ tuổi mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở những người làm việc trí óc. Người trẻ tuổi thường bị thiểu năng tuần hoàn não do thoái hóa đốt sống cổ, đối với người bệnh cao tuổi thì thường là do nhiều nguyên nhân kết hợp nên bệnh lý cũng trở nên phức tạp hơn.
Triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não là chóng mặt, hoa mắt, ù tai, rối loạn cảm giác, rối loạn giấc ngủ, mất khả năng tập trung, hay quên đột ngột... Bệnh thường diễn ra nhanh, có khi chỉ trong vài dây hoặc kéo dài đến vài giờ.
Thuốc điều trị thiểu năng tuần hoàn não có cả dạng tiêm và uống đều tập trung làm tăng tuần hoàn máu, tăng cường sự chuyển hóa của não, tăng mức tiêu thụ ôxy, dưỡng chất cho não, cải thiện trí nhớ, phục hồi khả năng nhận thức... Mỗi loại thuốc đều có tác dụng khác nhau với mỗi bệnh nhân, có thể bệnh nhân này hiệu quả với thuốc này nhưng với bệnh nhân khác thì ít hiệu quả hơn. Vì vậy, cần dựa vào cơ chế và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa phù hợp.
Cần cẩn trọng khi dùng thuốc
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chữa thiểu năng tuần hoàn não, mỗi loại thuốc đều dựa trên cơ chế sinh bệnh mà cho tác dụng điều trị khác nhau. Vì vậy, việc điều trị bệnh nhất thiết phải được bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân để dùng đúng thuốc.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh bị rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh... có biểu hiện tương tự triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não, nhưng không đi khám mà chỉ nói qua loa với hiệu thuốc nên được tư vấn dùng nhầm sang thuốc điều trị thiểu năng tuần hoàn não hoặc ngược lại.
Thậm chí, ngay cả các loại thuốc làm hưng phấn trí nhớ cũng bị lạm dụng, như: piracertam, ginkgo biloba chỉ có khả năng phục hồi sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não ở mức bình thường, tuy nhiên, một số người cảm thấy mình hay quên một chút đã muốn dùng thuốc để tăng cường trí nhớ, và thậm chí còn dùng tăng liều!!!
Ảnh minh họa |
Việc tự ý dùng hay tự ý tăng liều thuốc đối với bệnh này là hoàn toàn sai lầm, vì tùy theo mức độ rối loạn tuần hoàn não mà người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc, liều lượng để lập lại cân bằng cho não đã bị suy giảm. Ví như trường hợp dùng piracetam, cerebrolysin để điều trị thiếu máu cục bộ thì cần dùng thuốc sớm, sau khi đạt được yêu cầu bảo vệ hồi phục tổn thương não cần ngừng thuốc ngay nếu không nó sẽ gây ra những biểu hiện không mong muốn như căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ...
Hơn nữa, người bệnh sẽ không hiểu hết dược tính cũng như sự tương tác giữa các loại thuốc, nên việc tự mua thuốc để điều trị được ví như tự rước họa vào thân khi bệnh này chưa hết bệnh khác đã sinh ra. Đơn cử, cinnarizin, nicergolin làm tăng hiệu lực của các thuốc kháng histamin, thuốc an thần gây ngủ. Còn cerebroklysin làm tăng tích lũy thuốc IMAO (nhóm thuốc chống trầm cảm làm phóng thích vào não các chất kích thích hoạt động thần kinh).
Trong khi đó, thuốc chống trầm cảm ginkgo biloba lại gây nguy cơ tăng huyết áp khi dùng chung với IMAO. Nên thận trọng khi dùng cerebrolysin, piracetam trên người có chức năng thận suy giảm (vì thuốc bài tiết qua thận), tránh dùng cerebrolyzin, necergolin, ginkgo biloba cho người cao huyết áp, không dùng ginkgo biloba cho người cường giáp, piracetam cho người suy gan…
Kết hợp thuốc và phương pháp trị liệu khác
Thuốc không thể trị dứt điểm bệnh thiểu năng tuần hoàn não nhất là khi bệnh do thoái hóa đốt sống cổ gây nên, vì vậy cần kết hợp dùng thuốc với các biện pháp vật lý trị liệu, tâm lý và những bài tập nhẹ.
Thời gian đầu điều trị, bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường, gối đầu thấp, hạn chế vận động cột sống cổ. Kết hợp dùng các loại thuốc: chống viêm (vô khuẩn); giảm đau; giãn mạch hoạt huyết, điều hòa rối loạn tuần hoàn não; tăng bền vững thành mạch; trấn tĩnh thần kinh, an thần. Đồng thời dùng liệu pháp tâm lý giải thích cho người bệnh hiểu rõ về bệnh, tránh lo âu quá mức và tự giác hợp tác với thầy thuốc thực hiện các yêu cầu điều trị.
Khi bệnh dần đi vào ổn định, người bệnh nên tập thể dục liệu pháp cột sống cổ theo hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu, tránh vận động đột ngột cột sống cổ, có chế độ làm việc phù hợp, giữ chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chấn động thần kinh, căng thẳng trong đời sống. Đừng quên dùng thuốc chống rối loạn lipid máu trên cơ sở kết quả xét nghiệm máu. Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu để đề phòng tắc mạch não do cục huyết khối gây tắc mạch máu não và tái phát bằng aspirin pH8, dipyridamol... theo chỉ định của bác sĩ. Khi sử dụng các thuốc này cần lưu ý những người bệnh có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa (viêm loét dạ dày - hành tá tràng, chảy máu dạ dày...) và người có thể địa chảy máu.
Hà Anh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: