Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thở miệng và các tác hại bạn không ngờ tới

Con người trên khắp hành tinh đều có một hoạt động giống nhau tại mọi thời điểm dù là ngủ hay thức, hoạt động hay nghỉ ngơi, đó là thở. Thở mang lại sự sống và duy trì sự sống ở mỗi cá thể. Tuy nhiên, ở một số người đặc biệt, sự thở không được thực hiện theo cách thông thường thông qua mũi mà là qua miệng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên dùng miệng để thở thì đó hoàn toàn là dấu hiệu không tốt.

Tác hại của việc thở bằng miệng

1. Khuôn mặt của bạn thay đổi

Nếu bạn thường xuyên thở bằng miệng, cuối cùng bạn sẽ bắt đầu nhận thấy rằng khuôn mặt của bạn thay đổi cấu trúc và phát triển về phía trước và chảy xệ. Điều này dễ nhận thấy hơn ở trẻ em vì khuôn mặt của chúng vẫn đang phát triển. Khi bạn thở bằng miệng, hàm và má của bạn hẹp lại. Điều đó sẽ gây ra sự thay đổi trong hình dáng mũi.

Thở miệng trong thời gian dài sẽ dẫn đến những thay đổi cơ bản: môi trên kéo lên cao và hàm dưới giữ ở tư thế mở, lưỡi bình thường được đặt ở vòm miệng nay bị hạ thấp xuống sàn miệng và bị đẩy ra trước để cho phép một lượng lớn không khí có thể đi qua (đó là nguyên nhân rất nhiều người thở miệng có bất thường về nuốt). Sự co bất thường của các cơ liên quan đến lưỡi và các xương mặt khi thở miệng dẫn đến sự tạo hình lại từ từ các xương này, gây ra các biến dạng hệ thống răng mặt.

2. Tư thế bị thay đổi

Thói quen xấu này còn làm cho cơ thể luôn ở trạng thái thiếu oxy, miệng há to như "đớp khí", còn đầu thường nghiêng sang một bên, lâu dài sẽ khiến cột sống bị biến dạng, thay đổi cả vị trí của vai.

3. Răng của bạn bị ảnh hưởng

Thở bằng miệng ảnh hưởng tiêu cực đến sự thẳng hàng của răng. Nhiều trẻ thích thở bằng miệng sẽ phát triển răng khấp khểnh và sai khớp cắn sau này. Tư thế môi nghỉ và vị trí lưỡi cũng thay đổi, và việc điều trị chỉnh nha trở nên phức tạp, đặc biệt là khi phải đeo mắc cài.

4. Bạn cảm thấy khó ngủ hơn

Khi thở bằng miệng sẽ có ít oxy hơn và nhiều carbon dioxide đi vào cơ thể của bạn. Kết quả là, hầu hết các hệ thống cơ thể của bạn bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, bạn có nhiều khả năng ngáy và chảy nước dãi cũng như bị thiếu oxy mãn tính và ngưng thở khi ngủ. Thậm chí, bạn nên băng miệng vào ban đêm, để giúp bạn thở bằng mũi.

Cách loại bỏ dần thói quen thở miệng?

- Đầu tiên bạn cần chắc chắn đường hô hấp trên của mình hoàn toàn bình thường. Thăm khám bác sỹ Tai Mũi Họng để phát hiện và phẫu thuật loại bỏ amidan sưng, khối VA đặc biệt là với trẻ em.

- Nếu bạn bị tắc nghẽn mũi do dị ứng hay bị nhiễm lạnh thì nên sử dụng các loại thuốc xịt mũi giúp thông thoáng đường thở.

- Đeo khẩu trang khi đi đến những nơi bụi bặm, môi trường không tốt. Giữ cho ngôi nhà của mình sạch sẽ.

Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện một số bài tập tốt cho đường thở của mình

Tập luyện thở mũi vào ban ngày

- Hình thành thói quen thở đều, nhẹ nhàng bằng mũi và luôn ngậm kín môi. Khi bạn thở miệng kinh niên thì việc tập luyện ban đầu tương đối khó khăn, nhưng việc tập với cường độ ngày càng tăng sẽ giúp đường thở qua mũi thông thoáng, rộng ra trở lại và sẽ dần loại bỏ được thói quen xấu.

- Tập luyện điều hướng hơi thở theo các triết lý của văn hóa ngồi thiền hoặc yoga.

- Bài tập Mewing: Bạn hơi há, cố kéo dãn các cơ môi trên dưới và vùng cổ nhằm giúp cơ vùng môi phát triển, hỗ trợ khép kín môi ở tư thế nghỉ tốt hơn. Mỗi lần bạn giữ tư thế 5s và tập cho đến khi loại bỏ được thói quen để miệng hở.

Tập luyện khi ngủ

- Bạn chọn tư thế ngủ gối cao tầm 30 – 60 độ hoặc nếu ngủ úp, hướng lưng lên trời dễ thở hơn thì bạn hãy áp dụng. Khi loại bỏ được thở miệng thì hạ dần độ cao gối xuống cho bình thường trở lại.

- Ăn trước khi ngủ khoảng 2h, hạn chế đồ uống gây mất ngủ như trà, cafe, rượu bia…

- Sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ ví dụ miếng dán miệng để tránh há miệng khi ngủ.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tho-mieng-va-cac-tac-hai-ban-khong-ngo-toi-34120/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY