Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thoái hóa đốt sống cổ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý phổ biến, thường gặp ở người trung tuổi và cao tuổi. Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng khiến người bệnh gặp nhiều đau đớn và bất tiện trong cuộc sống.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ không hề xa lạ mà rất phổ biến. Các khảo sát cho thấy có tới 2/3 dân số sẽ bị đau cổ ít nhất 1 lần trong cuộc đời.

Điều nguy hại là hiện nay, bệnh thoái hóa đốt sống cổ có xu hướng gia tăng ở người trẻ ở độ tuổi từ 25-30.

Tình trạng thoái hóa đốt sống cổ khiến người bệnh thường xuyên bị hành hạ bởi các cơn đau cổ, vận động cổ khó khăn. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới bại liệt vùng cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Cột sống cổ là một tổ chức có cấu trúc phức tạp bao gồm 7 đốt sống được nối với nhau bởi hệ thống đĩa đệm với dạng thớ sợi chứa lớp gel, cùng với dây chằng và các dây thần kinh đi ngang.

Mỗi đốt sống bao gồm dịch khớp, cơ, gân, dây chằng, màng hoạt dịch và hai thành phần quan trọng bậc nhất là sụn và xương dưới sụn.

Khi tuổi tác ngày càng cao, cộng thêm những hoạt động lao động hàng ngày sẽ khiến bề mặt sụn khớp bị bong tróc nứt nẻ, kéo theo xương dưới sụn phát triển theo chiều hướng bất lợi, hình thành các vùng xương đặc, rỗng xen kẽ nhau.

Khi sụn và xương dưới sụn bị tổn thương sẽ dẫn tới thoái hóa cột sống cổ. Thoái hóa có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống nào, nhưng thường gặp ở sốt sống cổ C5, C6... gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh.

Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh khá phổ biến

Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ

Trong giai đoạn đầu, những bệnh nhân mắc thoái hóa đốt sống cổ thường có cảm giác tê cứng ở vùng cổ, cơn đau lan xuống vai và cổ rất khó di chuyển. Bệnh sẽ nặng dần lên nếu không được điều trị sớm.

Sau một vài năm, tình trạng bệnh kéo dài, tiến triển nặng hơn. Cơn đau lan dần xuống cánh tay, khiến người bệnh cảm giác đau tê cánh tay, thậm chí yếu cánh tay.

Các triệu chứng thường gặp ở người bị thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

- Các cơn đau mỏi ở cổ và vai, cảm thấy đau hơn khi xoay đầu và cổ. Đặc biệt là đau sau gáy.

- Khi gặp thời tiết thay đổi kết hợp với một tư thế nằm ngủ ban đêm không phù hợp người bệnh có thể bị cứng cổ sáng hôm sau.

Khi bị cứng cổ người bệnh rất khó đi lại và rất sợ những cơn ho, hắt hơi. Có người đau ê ẩm vùng gáy hoặc cả mảng đầu sau, rồi lan sang mảng đầu bên phải.

Một số khác đau liên tục, không thực hiện hiện được các động tác như quay đầu sang trái hay sang phải được mà phải xoay cả người.

- Cơn đau có thể lan đến 1 hoặc cả 2 bên vai và tay. Đôi khi khiến người bệnh cảm giác tê hoặc mất cảm giác ở ngón tay.

- Một số trường hợp, người mắc bệnh cảm thấy nhức đầu ở vùng chẩm hoặc xung quanh hốc mắt.

- Khi rễ thần kinh bị chèn ép càng nhiều, phần vai đến tay của người bệnh sẽ có cảm giác đau tê như “điện giật”, mất cảm giác, teo cơ, yếu liệt.

- Trong trường hợp tổn thương ở các đốt sống C1-2, C4, người bệnh còn bị thêm triệu chứng chóng mặt, nấc, ngáp…

Những hệ lụy do thoái hóa đốt sống cổ

Mất ngủ: Khi thoái hóa đốt sống cổ ở giai đoạn đầu, bệnh thường chỉ gây ra các cơn đau nhức vùng vai cổ vào ban ngày khi vận động, sinh hoạt nhiều. Nếu được nghỉ ngơi, thư giãn cơn đau sẽ giảm đáng kể. Nhưng khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn và không được điều trị đúng cách, sụn và xương dưới sụn không được tái tạo kịp thời sẽ khiến cơn đau gia tăng. Bạn sẽ thấy đau nhiều hơn ngay cả khi đang nghỉ ngơi dẫn tới mất ngủ, mệt mỏi kéo dài và rất dễ bị tăng huyết áp.

Chèn ép rễ thần kinh: Thoái hóa đốt sống cổ dẫn tới nguy cơ các rễ thần kinh quanh cổ bị chèn ép, khiến cảm giác đau nhức gia tăng, cơn đau có thể lan xuống vai, cánh tay, bàn tay và cả ngón tay.

Thiếu máu não: Nguy hiểm hơn, thoái hóa đốt sống cổ không được điều trị trong một thời gian dài có thể gây chèn ép động mạch, làm cản trở quá trình lưu thông máu lên não nuôi dưỡng các tế bào thần kinh, dẫn tới thiếu máu não. Điều này có thể gây ra những hệ lụy như nói chuyện khó khăn, yếu liệt tay chân, tê nửa người, hoa mắt chóng mặt, mất khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ...

Thoát vị đĩa đệm: Tình trạng thoái hóa đốt sống cổ có thể khiến nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí trung tâm, dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Gai cột sống cổ: Lớp sụn ở cột sống cổ bị tổn thương, không được tái tạo kịp thời trở nên xù xì và mỏng dần, phần xương dưới sụn bị biến dạng làm hình thành và phát triển các gai xương. Khi người bệnh cử động, các gai xương sẽ cọ sát các mô mềm xung quanh cột sống cổ như cơ, gân, dây chằng hoặc chèn ép các dây thần kinh làm tăng mức độ đau nhức.

Thoái hóa đốt sống cổ gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh trong cuộc sống

Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ

Tuổi tác là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tình trạng thoái hóa đốt sống cổ. Khi tuổi tác càng cao, theo năm tháng dưới nhiều tác động của môi trường, chế độ ăn uống, tư thế sinh hoạt... cột sống cổ bị thoái hóa dần.

Đĩa đệm không thể làm hết vai trò của mình khiến các đốt sống đến gần nhau hơn. Cột sống buộc phải chịu nhiều tải trọng làm sụn, khớp yếu dần.

Sụn hao mòn, lộ ra xương gây phản ứng viêm; đĩa đệm thoái hóa khiến cấu trúc cột sống lỏng lẻo cần mọc thêm xương để cố định tạo gai cột sống.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân chủ quan khác từ phía con người như:

- Điều kiện sống quá khó khăn, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi.

- Lao động nặng từ khi tuổi còn nhỏ, hệ xương khớp chưa hoàn thiện.

- Thường xuyên mang vác vật nặng trên vai.

- Ngồi làm việc hoặc ngồi học sai tư thế trong thời gian dài khiến cột sống bị uốn cong, sai lệch.

- Béo phì làm gia tăng áp lực lên cột sống.

- Nằm ngủ với gối quá cao hoặc nằm cả đêm không thay đổi tư thế.

- Thiếu canxi sau quá trình sinh nở nhiều lần (với phụ nữ).

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ

Việc điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

- Điều trị nội khoa: Có thể sử dụng một số loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm như:

Acetaminophen (Paracetamol): đây là lựa chọn ưu tiên với sự cân bằng giữa tác dụng phụ và hiệu quả mang lại. Có thể dùng đơn chất hoặc phối hợp với các chất giảm đau trung ương như Cocain..

Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid liều thấp: kinh điển như Diclofenac, Ibuprofen.. hoặc nhóm ức chế chọn lọc COX-2 như Celecoxib, Etoricoxib. Cần thận trọng ở các bệnh nhân cao tuổi, có bện lý đường tiêu hóa, gan thận (viêm gan, suy thận..)

Glucosamine Sulfate kết hợp Chondroitin Sulfate: chống thoái hóa và giúp nuôi dưỡng sụn khớp (điều trị bệnh nguyên), có thể dùng lâu dài.

Tramadol hoặc Opioids: có tác dụng tốt nhưng không dùng kéo dài và chỉ chỉ định khi các thuốc trên không còn tác dụng.

Thuốc giãn cơ vân như Mydocalm, Myonal.

- Điều trị ngoại khoa: Trường hợp bệnh nhân đã bước vào giai đoạn nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật điều trị ngoại khoa.

Chỉ định này chỉ được áp dụng trong các trường hợp có biểu hiện của chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc sau điều trị nội khoa kết hợp vật lý trị liệu 3 tháng mà không thu được kết quả.

- Vật lý trị liệu:

+ Các bài tập vận động vùng cổ, đặc biệt với những bệnh nhân ngồi lâu một tư thế hoặc các công việc ít vận động vùng cổ.

+ Kéo giãn cột sống, mát xa vùng cổ, liệu pháp nhiệt...

Phòng tránh thoái hóa đốt sống cổ

Để ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ, cần duy trì luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng sự deo dai của xương khớp.

Khi sử dụng điện thoại hay các thiết bị công nghệ, luôn giờ tay cao trước mặt, hạn chế cúi đầu xuống để nhìn.

Sau thời gian làm việc, nên dành thời gian xoa bóp vùng cổ và gáy. Chú ý phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức.

Người ngồi làm việc văn phòng, nên đứng lên vươn vai, đi lại sau 1-2 giờ làm việc, tránh ngồi liên tục trong thời gian dài.

Chú ý bổ sung các loại thực phầm giàu canxi như tôm, cua, ốc, sữa và các loại rau, trái cây chứa nhiều vi chất, đặc biệt vitamin nhóm B vào bữa ăn hằng ngày để giúp xương chắc khỏe, phòng tránh các bệnh xương khớp.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/thoai-hoa-dot-song-co--trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-25676/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY