ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nhịp sinh học (tức “đồng hồ sinh học” bên trong cơ thể) đóng vai trò quan trọng quyết định các mô và cơ quan hoạt động hiệu quả ra sao vào các thời điểm khác nhau trong ngày. đây là lý do các nhà khoa học khuyên những người muốn giảm cân nên tập thể dục vào buổi sáng, còn người mắc bệnh tiểu đường thì nên tập vào buổi chiều.
Tập thể dục vào buổi sáng giúp giảm cân tốt hơn. Ảnh: Pixabay
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học thể thao ở Hà Lan đã đánh giá khả năng thi đấu của những vận động viên bơi lội tại các kỳ Olympic ở Athens (Hy Lạp), Bắc Kinh (Trung Quốc), Luân Đôn (Anh) và Rio de Janeiro (Brazil). Họ phát hiện các vận động viên thường đạt thành tích tốt nhất vào buổi chiều muộn và đầu hôm, với thời gian bơi nhanh nhất là vào khoảng 17 giờ. Vì vậy, các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu cơ chế mà tất cả tế bào và cơ quan thiết lập lịch trình riêng nhằm phù hợp với sự dao động của các hoóc-môn trong cơ thể.
“Thời gian tập thể dục đóng một vai trò trong việc tinh chỉnh một số kết quả luyện tập. Rất nhiều chức năng sinh lý của chúng ta - từ thân nhiệt cho đến nhịp tim và các gien kiểm soát quá trình chuyển hóa chất béo - hoạt động theo chu kỳ 24 giờ” - Juleen Zierath, Giáo sư sinh lý học tích hợp tại Viện Karolinska (Thụy Điển), lý giải. Tuy các cơ hoạt động mạnh mẽ và linh hoạt nhất vào thời điểm cuối ngày, nhưng một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng chúng ta có thể “đốt mỡ” hiệu quả hơn khi tập thể dục vào buổi sáng. Giáo sư Zierath cho biết có hàng nghìn gien sản sinh ra các enzyme giúp chuyển hóa lượng mỡ dự trữ trong tế bào thành năng lượng dùng khi chúng ta tập thể dục. Và dường như những gien này hoạt động mạnh nhất vào buổi sáng, nên đó là thời điểm tốt nhất để tập thể dục giảm cân.
Trong nghiên cứu gần đây đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, Giáo sư Zierath và các cộng sự đã lần đầu tiên kiểm chứng điều này trên chuột. Họ phát hiện khi cho chuột chạy trên máy chạy bộ trong 3 giờ đầu sau khi thức dậy, mỡ trong cơ thể chúng có nồng độ các enzyme chuyển hóa chất béo cao hơn. Còn khi cho chuột vận động vào thời điểm muộn hơn trong ngày, nồng độ các enzyme này thấp hơn. Theo Giáo sư Zierath, kết quả đó cho thấy việc tập luyện vào buổi sáng có thể giúp cơ thể dễ tiêu hao và sử dụng mỡ làm năng lượng, qua đó giảm cân tốt hơn.
Các nhà khoa học cho rằng việc cơ thể ưu tiên đốt mỡ khi tập thể dục vào buổi sáng có liên quan đến hoạt động của glucocorticoid, hoóc-môn kiểm soát cách cơ thể duy trì và tích tụ chất béo. glucocorticoid có ở khắp cơ thể, nhưng nhiều nhất là trong tế bào mỡ. hoóc-môn này hoạt động cao nhất vào khoảng 8 giờ sáng và xuống thấp nhất vào khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau trong lúc cơ thể đang ngủ say. do đó, tập thể dục vào buổi sáng rất phù hợp với chu kỳ hàng ngày của glucocorticoid, vì lúc đó nồng độ hoóc-môn đã tăng cao và cơ thể không tạo ra thêm tế bào mỡ nào. còn tập thể dục vào buổi tối sẽ gây ra sự gia tăng glucocorticoid, kích thích cơ thể tạo ra các tế bào mỡ mới để thay thế các tế bào mỡ vừa đốt cháy. cơ chế đó giúp lý giải vì sao những người làm việc ca đêm dễ tăng cân hơn những người có nhịp sinh học bình thường, cho dù dung nạp cùng một lượng calo mỗi ngày.
Trong khi đó, Giáo sư Zierath cho biết mức đường huyết thường sẽ ổn định hơn nếu bạn tập thể dục vào buổi chiều. Điều này đồng nghĩa buổi chiều là thời điểm vận động tốt nhất dành cho người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh này. Bà Zierath cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và nhận thấy rằng khi họ tập luyện cường độ cao ngắt quãng vào buổi chiều, điều này dẫn đến sự cải thiện tối ưu nhất trong việc kiểm soát đường huyết của họ so với tập thể dục buổi sáng hoặc buổi tối”. Phát hiện này rất quan trọng vì nếu lượng đường trong máu dao động quá nhiều, lượng đường dư thừa sẽ chuyển sang lưu trữ dưới dạng chất béo.