Nhiều nghiên cứu cho thấy sức khỏe tim mạch kém có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện sức khỏe tâm thần kém khi còn trẻ cũng có thể tổn hại chức năng nhận thức khi lớn tuổi.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Ðại học California, San Francisco đã dùng các phương pháp thống kê để dự đoán quỹ đạo trung bình về các triệu chứng trầm cảm của 15.000 người tham gia từ 20-89 tuổi, được chia thành 3 giai đoạn chính trong đời, gồm: lớn tuổi, trung niên và thanh niên. Sau khi phân tích, họ quan sát được các triệu chứng trầm cảm ở cấp độ từ trung bình tới cao ở 34% số người tham gia lớn tuổi, 26% số người tuổi trung niên và 13% số người tuổi thanh niên. Ðáng chú ý, những người có triệu chứng trầm cảm nặng hơn trong giai đoạn tuổi thanh niên đã bị suy giảm chức năng nhận thức trong vòng 10 năm sau đó, cũng như có tốc độ suy giảm nhận thức nhanh hơn khi về già.
Kết quả trên được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu xem xét triệu chứng trầm cảm trong các giai đoạn khác nhau trong đời và sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, chỉ số khối cơ thể, bệnh sử và thói quen hút Thu*c của các đối tượng.
Theo tác giả chính Willa Brenowitz, có nhiều cơ chế giúp lý giải vì sao trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Một trong số đó là việc hệ thống phản ứng trung ương hoạt động thái quá làm tăng sản xuất hoóc-môn gây căng thẳng tinh thần glucocorticoid, dẫn tới làm tổn thương vùng hồi hải mã. Ðây là phần não chịu trách nhiệm hình thành, sắp xếp và lưu giữ những ký ức mới.
HƯƠNG THẢO (Theo MedicalXpress, Science Times)