Khoa học hôm nay

Thử thách lớn nhất là thay đổi tư duy

MangYTe - Là người Việt đầu tiên lọt vào danh sách 10 out of 200 tại HLF 2019, bạn Ngô Khắc Hoàng (27 tuổi) đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về hành trình từ trai làng thành một nhà nghiên cứu trẻ có cột mốc nhất định.

Khắc Hoàng (trái) chụp hình lưu niệm cùng giám đốc nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo toàn cầu của Google Jeff Dean tại hội thảo HLF 2019 ở Đức - Ảnh: NVCC

Ở quê nhà tôi, mọi người thường mong muốn một cuộc sống ổn định và ngại thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến tôi trước đây. Tôi luôn tự hỏi rằng khi cố hết sức, mình có thể vươn cao tới đâu?

NGÔ KHẮC HOÀNG

Ngô Khắc Hoàng là nghiên cứu sinh lĩnh vực truyền thông vô tuyến ĐH Paris-Saclay, Pháp. Bạn chia sẻ về khởi nguồn đam mê ngành viễn thông: "Tôi còn nhớ khi mình còn nhỏ, cả xóm chỉ vài gia đình có điện thoại bàn, việc liên lạc vì vậy rất khó khăn, bất tiện.

Khi gia đình tôi có điện thoại bàn năm 2006, tôi thấy rất háo hức và vui vì không phải đi nhờ điện thoại nhà người khác nữa. Rồi khi điện thoại di động xuất hiện, tôi càng kinh ngạc tự hỏi làm sao một thiết bị nhỏ như vậy có thể kết nối con người ở cách hàng ngàn cây số? Tôi chọn ngành viễn thông là vì vậy".

* Xuất thân từ làng quê, sau đó lại có cơ hội đặt chân đến những vùng đất phát triển vượt bậc, ắt hẳn theo đó là không ít áp lực?

- Khi còn ở đại học, ngoài việc học tôi còn làm lớp trưởng và tham gia công tác Đoàn - Hội khá nhiều..., nhờ đó học được kỹ năng sắp xếp thời gian hiệu quả.

Còn ở Pháp, thử thách lớn nhất với tôi là việc thay đổi tư duy. Ở quê nhà tôi, mọi người thường mong muốn một cuộc sống ổn định và ngại thay đổi, ít nhiều ảnh hưởng đến tôi trước đây. Tôi luôn tự hỏi rằng khi cố hết sức mình có thể vươn cao tới đâu?

Tôi cố gắng đi thật xa, trải nghiệm và tiếp xúc với thật nhiều người để tìm kiếm câu trả lời. Hiện tôi phần nào nhận ra câu trả lời cho riêng mình: Để sự nghiệp thật sự ý nghĩa thì mỗi người ngoài việc lo một cuộc sống đầy đủ cho bản thân còn nên mang lại ảnh hưởng tích cực đến ngành của họ nói riêng và cộng đồng nói chung.

* Bạn có thể giải thích đôi nét về đề tài đang nghiên cứu?

- Đề tài tiến sĩ của tôi tập trung vào việc truyền thông trong điều kiện bộ phát (chẳng hạn là thiết bị di động) và bộ thu (chẳng hạn là trạm thu phát sóng) biết rất ít thông tin về kênh truyền. Khi nhận được tín hiệu từ bộ phát, bộ thu cần biết thông tin về kênh truyền để giải mã tín hiệu. Thông tin này thay đổi liên tục và để có được thì phải ước lượng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc ước lượng kênh truyền rất khó khăn.

Chẳng hạn khi bạn là người dùng di động đang ngồi trên một con tàu di chuyển rất nhanh, kênh truyền giữa điện thoại của bạn và trạm thu phát sóng thay đổi rất nhanh và khó có thể ước lượng. Khi đó cần có giải pháp khác để vẫn giải mã được tín hiệu trong điều kiện thông tin kênh hạn chế. Đề tài của tôi hướng đến việc phân tích giới hạn và thiết kế giải thuật truyền thông cho điều này.

* Cảm xúc của bạn ngày biết được chọn vào danh sách "10 out of 200" tại HLF 2019?

- Trước hết, khi được chọn để tham dự HLF, tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn bởi đây là cơ hội để mình được gặp và truyền cảm hứng từ những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong toán học và khoa học máy tính, cũng như các nhà khoa học trẻ khác.

Khi biết mình được chọn để phỏng vấn cho danh sách "10 trên 200 nhà khoa học trẻ" tại HLF 2019, tôi thấy khá bất ngờ và rất vui. Dẫu vậy tôi biết mình không hẳn nằm trong 10 người giỏi nhất, mà có thể câu chuyện của tôi có điểm nhấn thú vị, truyền cảm hứng hơn. Với tôi, tất cả đại biểu đến với diễn đàn đều đặc biệt và tôi tin có thể học hỏi ở họ rất nhiều.

* Thần tượng của bạn là ai?

- Tôi không có thần tượng cụ thể, nhưng rất ngưỡng mộ những nhà khoa học mang lại ý tưởng lớn, được áp dụng rộng rãi và có tác động mang tính cách mạng đến ngành của họ và cho cộng đồng. Tôi nghĩ thành quả của một nhà nghiên cứu không nằm ở số lượng công bố khoa học mà là ảnh hưởng tích cực từ kết quả nghiên cứu của họ cho số đông.

Tôi may mắn được gặp một số nhà khoa học như vậy, chẳng hạn giáo sư Helmut Clemens - người sáng chế một loại vật liệu hợp kim mới nhẹ hơn, chịu nhiệt tốt hơn, sản sinh ít CO2 hơn vật liệu thông thường và được ứng dụng trong sản xuất tuôcbin máy bay; giáo sư Russell Taylor - người đi tiên phong trong ứng dụng robot vào phẫu thuật và được gọi là cha đẻ của robot y tế... Họ là những hình mẫu để các nhà nghiên cứu trẻ như tôi noi theo.

* Bạn có thể chia sẻ về số lượng bài báo nghiên cứu khoa học đã thực hiện?

- Tôi có ba bài báo tạp chí đã được đăng hoặc đang đợi phản biện. Ngoài ta, tôi có 11 báo cáo khoa học trình bày tại các hội thảo khoa học chuyên ngành cùng một bằng sáng chế. Các bài bài báo của tôi đều được gửi đến tạp chí về truyền thông vô tuyến của tổ chức IEEE.

* Bên cạnh việc nghiên cứu vốn dĩ đã tốn rất nhiều thời gian, bạn còn khá năng động và tích cực hoạt động thể thao?

- Tôi rèn luyện một số kỹ năng mềm thông qua hoạt động Đoàn - Hội thời sinh viên, và hoạt động thể thao tích cực hơn từ khi sang Pháp bởi nó giúp tôi thư giãn và "làm mới" tâm trạng lẫn cơ thể. Tôi biết khá nhiều nhà khoa học cũng rất năng động trong thể thao và truyền cảm hứng cho nhiều người xung quanh như giáo sư Phạm Tuấn Anh (ĐH Aizu, Nhật Bản). Tôi tin người làm khoa học cũng cần có kỹ năng mềm và sức khỏe tốt.

* Một thất bại hoặc trải nghiệm ý nghĩa nhất với bạn?

- Thất bại đáng nhớ nhất của tôi là ở năm học lớp 9, khi trong đội tuyển của huyện thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn giải toán trên máy tính cầm tay, tôi là người duy nhất không đoạt giải. Điều đó giúp tôi hiểu rằng bản thân vẫn còn những hạn chế nhất định, phải luôn cố gắng và cẩn thận hơn nữa.

Ngoài ra, thời đại học tôi chinh phục không thành công học bổng chính phủ (MEXT) của Nhật Bản. Tôi thấy tiếc nuối nhưng cũng nhắc mình phải cố gắng không ngừng để không phải thở dài trước những cơ hội như vậy lần nữa.

Thủ khoa từ Việt Nam đến Pháp

Ngô Khắc Hoàng tốt nghiệp thủ khoa ngành điện tử viễn thông (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội); được tuyên dương thủ khoa xuất sắc thủ đô Hà Nội năm 2014.

Bạn từng đoạt nhiều thành tích như giải thưởng Honda Y-E-S Việt Nam 2013, học bổng thạc sĩ tại Đại học Paris-Saclay năm 2015 và tốt nghiệp loại xuất sắc, đứng nhất bảng, giành suất đài thọ dự hội thảo khoa học danh tiếng HLF 2019 tại Đức. Bạn cũng được chọn là một trong 10 nhà khoa học trẻ truyền cảm hứng nhất HLF 2019 trong 200 đại biểu đến từ năm châu.

Khi là sinh viên ở VN, Hoàng giữ chức vụ chủ nhiệm câu lạc bộ thuyết trình, phó chủ tịch hội sinh viên trường.

CÔNG NHẬT thực hiện

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/thu-thach-lon-nhat-la-thay-doi-tu-duy-20191015212433556.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY