Cụ thể, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thông tin về 24 ca nhiễm Omicron vừa ghi nhận những ngày qua vẫn là quá ít để có thể đưa ra đánh giá cụ thể về biến chủng mới, cơ chế lây nhiễm của nó ra sao và nó có tác động gì nguy hiểm hay không.
Mặc dù thế giới đã ghi nhận rất nhiều ca mắc Omicron, song các đánh giá về nó vẫn còn ít ỏi. Ông cho biết thêm, để so sánh với biến chủng Delta thì những dữ liệu từ Omicron vẫn còn thiếu hụt rất nhiều, tuy nhiên các ca Omicron đang cách ly và điều trị tại Việt Nam phần lớn không có triệu chứng, có thể chủng này ít gây tổn thương phổi, chủ yếu tác động đến đường hô hấp trên.
Cụ thể, 5 ca Omicron ghi nhận tại TP. HCM đều có nồng độ virus thấp với chỉ số CT từ 24,9 đến 27,7, bên cạnh đó, 5 ca nhiễm đều không ghi nhận triệu chứng, và xét nghiệm âm tính sau 5 - 7 ngày điều trị. Một số người thân ở cùng với các bệnh nhân này đều không bị lây bệnh, âm tính sau nhiều lần xét nghiệm. Ca nhiễm Omicron đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ra viện sau 2 tuần không triệu chứng, sinh hoạt bình thường, xét nghiệm âm tính nCoV lần cuối vào ngày 1/1.
Nhận định của Thứ trưởng Sơn vốn có căn cứ dựa vào việc thu thập các dữ liệu qua các ca mắc thực tế tại Việt Nam, đồng thời là dựa trên kết quả của một một nghiên cứu trên động vật và mô người tại Đức, được công bố vào ngày 31/12. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy Omicron ít ảnh hưởng đến phổi. Theo đó, biến thể Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng, phần lớn giới hạn ở đường hô hấp trên, gồm mũi, họng và khí quản. Biến chủng ít gây hại cho phổi, trong khi các phiên bản virus trước đó thường gây sẹo phổi, dẫn đến khó thở. Cơ quan An ninh Y tế Anh hôm 1/1 cũng thông báo qua phân tích hơn một triệu ca Covid-19 và nhận thấy nguy cơ nhập viện do Omicron thấp hơn ba lần so với Delta.
Mặt khác, các chuyên gia y tế tại Việt Nam cũng nhân định Omicron có thể không gây ra lây nhiễm cộng đồng do các ca mắc đều là nhập cảnh, tất cả ca mắc này đều được lấy mẫu trong khu cách ly, đã được kiểm soát. Đồng thời, chiến dịch phủ vaccine và đẩy mạnh mũi tiêm tăng cường vẫn đang diễn ra ổn định.
|
Thứ trưởng Sơn cũng cho biết việc rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 3 sau mũi 2 từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm tăng cường kháng thể để chống lại sự lây lan của biến chủng Omicron (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân không vì thấy thông tin Omicron không gây nhiều nguy hiểm mà lơ là, chủ quan chống dịch. Bộ đánh giá rằng nguy cơ xâm nhập và lây lan từ Omicron là rất lớn. Từ đầu tháng 12, các địa phương được yêu cầu tăng cường biện pháp phòng chống dịch; giám sát, xét nghiệm, cách ly người nhập cảnh, đặc biệt là trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới. Sau khi xét nghiệm và phân loại, các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Omicron sẽ được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm, giải trình tự gene virus.
Các chuyên gia cũng lo ngại Omicron có thể gây quá tải y tế. Chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu cho rằng có khả năng F0 nhiễm Omicron đang có mặt trong cộng đồng, do không phải ca nhiễm nào cũng được giải trình tự gene virus. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ biến chủng âm thầm lây lan nhanh, khiến số ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn, gây quá tải hệ thống y tế. Chính vì vậy, các chuyên gia đề xuất các địa phương cần chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với biến chủng mới và Covid-19, tinh thần "nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó". Tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao, người trên 50 tuổi càng nhanh càng tốt. Bảo vệ nhóm nguy cơ sẽ giảm tình trạng quá tải bệnh viện, tỷ lệ tử vong, tiết kiệm nguồn lực y tế. Các trạm y tế cơ sở chuẩn bị thêm trang thiết bị phòng chống dịch như bình oxy, mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ SpO2... ứng phó tình huống số ca nhiễm tăng cao.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: