Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch COVID-19 gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.
Kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Theo Thủ tướng, việc sớm ngăn chặn được dịch bệnh tạo tiền đề quan trọng để phát triển KT-XH. Thế giới đánh giá cao thành quả phòng chống dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tuy vậy, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nhất là tháng 4 và 5. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh. “Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết không để COVID-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời chúng ta phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”.
Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển KT-XH, đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.
Ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như “cỗ xe tam mã” gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra một số vấn đề ở tầm vĩ mô để các đại biểu tập trung thảo luận: Một là tất cả các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.
Thứ hai là về điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu thúc đẩy tăng trưởng. Theo Thủ tướng, chúng ta cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, không thể đi ngược thời đại, xu hướng chung
Thứ ba là giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và các bộ, địa phương kiến nghị giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để bảo đảm giải ngân hết số vốn này.
Thứ tư là trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, chúng ta phải có những biện pháp cụ thể gì để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Thứ năm, phải tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Vấn đề thứ sáu cần bàn là chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị...
Thứ bảy, làm thế nào thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương. Thủ tướng hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân năng động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ, nỗ lực vượt khó.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành kiến nghị những giải pháp cụ thể hơn nữa để phát huy vai trò, động lực của các địa phương, nhất là các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn. Phải có giải pháp mạnh hơn, đồng bộ để vực dậy khu vực dịch vụ, du lịch, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh hiện nay.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, các ngành phản ánh, thảo luận việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, Nghị quyết số 42 và đặc biệt Quyết định số 15 của Thủ tướng khi ông được biết có nhiều vướng mắc, doanh nghiệp không vay được tiền, một số đối tượng không được hỗ trợ.
Chủ đề liên quan:
hội nghị trực tuyến