Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thức khuya quá nhiều có thể gây đột quỵ, lời cảnh báo cho nhiều người trẻ ngày nay

Có thể là vì công việc, vì học tập hay vì giải trí mà ngày càng nhiều người trẻ có thói quen thức khuya. Nhưng dẫu là vì lý do nào, thức khuya không nên trở thành “xu hướng”, nhất là khi nó chính là nguyên do cho tỷ lệ đột quỵ đang gia tăng ở người trẻ hiện nay.

Thật không khó để ta bắt gặp được những tin tức “người trẻ tuổi đột quỵ do thức khuya” trên các mặt báo hay bản tin thời sự, nhưng điều ấy vẫn không khiến cho các đối tượng này e sợ khi tỷ lệ đột quỵ vẫn đang gia tăng ngày một nhiều hơn.

Theo thống kê từ Tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ vào năm 2019, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ đã tăng đến hơn 44% trong khoảng 10 năm gần đây. Trong đó có khoảng 15% tỷ lệ bệnh nhân trẻ đột quỵ hàng năm thuộc độ tuổi từ 18 tuổi đến 50 tuổi.

Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ đột quỵ đã có xu hướng tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, đáng chú ý là số lượng ca bệnh ở nam giới cao gấp 4 lần so với nữ giới. Nguyên nhân chính gây ra hệ luỵ này đó là thói quen thức khuya của không ít người (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia sức khoẻ cho biết, thức khuya kéo dài đi cùng tinh thần căng thẳng, cộng với thói quen sinh hoạt không tốt sẽ làm tăng gánh nặng cho mạch máu não, tim mạch, và các cơ quan trọng khác trong cơ thể. Về lâu dài sẽ gây ra các bệnh về tim mạch, cao huyết áp,... và có thể dẫn đến nguy cơ cao là đau tim, nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu não, nhồi máu não hoặc đột quỵ tim (đột tử).

Điều này cho thấy thói quen thức khuya có thể khiến ta phải đối mặt với hệ luỵ nguy hiểm nhất ấy là tử vong, nhưng trước đó nó cũng có thể tàn phá cơ thể ta khủng khiếp thông qua các vấn đề sức khoẻ sau đây.

Thức khuya có thể tàn phá cơ thể ta như thế nào?

1. Gây suy giảm trí nhớ

Các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học Groningen (Hà Lan) và Pennsylvania đã khẳng định: tình trạng thức khuya gây thiếu ngủ kéo dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với các chức năng của não bộ, đặc biệt là trí nhớ. Việc bạn thiếu ngủ từ 5 tiếng trở lên sẽ dẫn đến sự mất kết nối giữa các noron thần kinh trong vùng hippocampus - một khu vực quan trọng trong trung ương thần kinh, chịu trách nhiệm lưu trữ những ký ức mới. Hippocampus cần giấc ngủ để chuyển thông tin được lưu trữ tới các khu vực khác của não.

Trong trường hợp này, nếu thiếu ngủ thường xuyên các thông tin mới không được chuyển đi khiến Hippocampus bị đầy thông tin nên không thể lưu trữ thêm thông tin khác, khiến ta dễ quên và khó ghi nhớ hơn.

Tình trạng thiếu ngủ do thức khuya sẽ làm luồng thông tin về vỏ não trước trán bị ngưng trệ và gây nên mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mau quên (Ảnh: Internet)

2. Suy giảm thính lực và thị lực

Mắt của chúng ta đã phải làm việc suốt cả ngày và chỉ có buổi đêm, khi đi ngủ thì chúng mới hoàn toàn được nghỉ ngơi. Nếu chúng ta thức khuya có thể làm cản trở đến quá trình phục hồi của mắt, buộc mắt phải làm việc cật lực hơn. Không chỉ vậy, chúng ta khi thức khuya một phần là do công việc hoặc giải trí, tức là sẽ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Lượng ánh sáng không đủ cộng thêm ánh sáng xanh hoặc tím từ màn hình có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều tiết của mắt, khiến mắt khô, nhức và lâu dần gây ra các bệnh lý về mắt, làm suy giảm thị lực.

Không những thế, thức khuya cũng khiến gây ảnh hưởng đáng kể cho thính lực của chúng ta. Hệ thống mạch máu phải hoạt động không ngừng, điều này gây ra căng thẳng. Số lượng máu không đủ cung cấp cho hệ thống tai và ống nhĩ gây ù tai, đau tai và suy giảm thính giác.

3. Gây lão hoá da

Thức khuya, ngủ không đủ giấc sẽ làm cho quá trình điều tiết ở các tế bào da diễn ra thất thường, gây rối loạn đến chức năng của lớp tế bào biểu bì, đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến da bị xỉn màu, nhanh chảy xệ, thiếu độ đàn hồi cũng như làm xuất hiện các nếp nhăn trên da. Đặc biệt, nó còn làm giảm độ ẩm và độ pH của da gây mất cân bằng dưỡng chất, khiến làn da không được cung cấp đủ độ ẩm cùng với những dưỡng chất cần thiết. Bên cạnh đó, nó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng da ửng đỏ, thậm chí là gây kích ứng.

4. Gây thừa cân, béo phì

Thức khuya có thể làm quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể bị xáo trộn và khiến lượng mỡ thừa bị tích tụ lại, gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Ngoài ra, việc thức đêm muộn khiến nhiều người có xu hướng muốn ăn đêm, ăn vặt. Điều này càng làm vấn đề tăng cân trở nên khó kiểm soát hơn.

Một nghiên cứu cho thấy có tới 40% số người thức khuya có xu hướng ăn đêm. Lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể quá nhiều và quá gần thời gian ngủ khiến dạ dày không kịp tiêu hóa gây đầy bụng, khó tiêu, nếu duy trì trong thời gian dài có thể gây bệnh viêm loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.

Thức khuya khiến cơ thể ta có xu hướng nạp nhiều thức ăn hơn để duy trì năng lượng và sự tỉnh táo, từ đó dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì (Ảnh: Internet)

Cần tránh việc thức khuya như thế nào?

Từ những hệ luỵ mà cơ thể phải gánh chịu do thức khuya gây ra, mong rằng người trẻ sẽ sớm tỉnh ngộ, cảnh giác hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính mình. Để hạn chế việc phải thức khuya, bạn có thể thực hiện theo một số lời khuyên sau đây:

1. Tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến ta thức khuya để khắc phục

Chúng ta sẽ thường thức khuya do một nguyên nhân nào đó, có thể là tác động bên ngoài - hoặc là do bệnh lý.

Đối với các tác động bên ngoài như công việc hay học tập, bạn nên sắp xếp lại những việc theo 2 mục, gồm: “cần ưu tiên”“không cần ưu tiên”. Sau đó là tập trung làm những việc cần hoàn thành trong hôm nay (tức mục cần ưu tiên). Việc sắp xếp mọi thứ một cách khoa học, có trật tự như vậy sẽ giúp ta xác định được việc nên làm ngay, không bị căng thẳng và hoàn thành nhanh chóng hơn, từ đó được nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn.

Đối với việc thức khuya do bệnh lý mất ngủ, khó ngủ, rối loạn nội tiết,... tốt hơn hết là nên đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận sự tư vấn hợp lý và phương pháp điều trị phù hợp.

Đặc biệt, khi nguyên nhân thức khuya xuất phát từ các thói quen sinh hoạt của bạn như ăn đêm, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, điều cần làm là nên điều chỉnh lại lối sống của bản thân. Thay đổi thói quen sinh hoạt một cách tích cực, tự khắc sẽ giúp ta cải thiện được chất lượng giấc ngủ (Ảnh: Internet)

2. Thư giãn trước khi ngủ

Việc não bộ căng thẳng do stress, áp lực sẽ khiến bạn mất ngủ và thức khuya. Vì vậy, biện pháp khắc phục thức khuya chính là thả lỏng đầu óc và cơ thể. Bạn có thể thư giãn đầu óc và cơ thể bằng cách đọc sách, nghe nhạc, tập yoga, thiền,... trước khi ngủ. Khi toàn bộ cơ thể được thả lỏng, thư thái, giấc ngủ sẽ dễ dàng đến với bạn hơn.

Thực trạng thức khuya ở giới trẻ đang gia tăng ở mức đáng báo động, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như tỷ lệ đột quỵ, tử vong cao, nguy cơ trầm cảm và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Người trẻ cần phải cảnh giác và sớm từ bỏ thói quen không tốt này, điều chỉnh lại lối sống lành mạnh hơn nếu không muốn có ngày phải hối hận.

Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/thuc-khuya-qua-nhieu-co-the-gay-dot-quy-loi-canh-bao-cho-nhieu-nguoi-tre-ngay-nay-35809/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY