Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Thuốc tránh thai: Vừa uống vừa nghe ngóng

(SKGĐ) Thuốc tránh thai hàng ngày đã quá quen thuộc với phụ nữ khiến họ gần như không đề phòng với loại này. Song càng ngày càng có nhiều phụ nữ gặp nạn với chúng.

Theo BS. Trần Ngọc Lưu Phương, Phó Khoa Nội, BV. Nguyễn Tri Phương, Tp.HCM, ngày 8/2 vừa qua, một phụ nữ đã nhập viện này và phải phẫu thuật cắt bỏ ruột non vì bị tắc mạch máu ruột. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do bệnh nhân đã uống thuốc ngừa thai hằng ngày kéo dài đến 10 năm.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp nạn vì uống thuốc tránh thai hằng. Truyền thông cũng đã nhiều lần đưa tin về các trường hợp nhập viện vì thuốc ngừa thai. Ví như trường hợp cô bé GemmaHill- một cô nữ sinh 15 tuổi người Anh đã bị đột quỵ sau khi bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai được chừng 2 tháng. Các bác sỹ xác định, cô bị chứng đông máu trong não dẫn đến đột quỵ, hiện nay, tuy đã được cứu sống nhưng Gemma bị giảm thị lực nghiêm trọng và không thể đi lại được. Hay cô Jenna Morris, 28 tuổi, một nhân viên ngân hàng, người Anh cũng đã tử vong sau khi chứng huyết khối tĩnh mạch của cô trở nên trầm trọng, gây tắc tĩnh mạch chân và ảnh hưởng đến phổi. Sau khi cô qua đời, một cuộc điều tra chính thức đã được tiến hành. Và người ta đã phát hiện ra rằng, loại thuốc tránh thai thông dụng nhất (loại thuốc tổng hợp có hormone estrogen và hormone progesterone) mà cô ấy đã uống đã gây ra dụng phụ tắc nghẽn mạch máu.

Thuốc tránh thai có tội?

Theo TS.BS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hiện có 3 loại thuốc tránh thai: Thứ nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp được dùng để ngừa thai sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ; hai là thuốc chỉ chứa progestin thích hợp cho những phụ nữ vừa sinh con dùng thường ngày; ba là là thuốc tránh thai tổng hợp dùng hàng ngày, mỗi hộp sẽ có 21 hoặc 28 viên, chứa các loại hormone progesterone và estrogen giúp chị em duy trì lượng hormone cần thiết trong cơ thể để trứng không rụng. Loại thuốc thứ ba này còn làm mỏng niêm mạc tử cung để trứng có thụ tinh cũng không làm tổ được; thuốc còn làm đặc chất dịch nút cổ tử cung để chống tinh trùng đi qua và làm giảm sự di chuyển của tinh trùng trong ống dẫn trứng.

Trong 3 loại trên, loại thuốc tránh thai thứ 3 được dùng phổ biến nhất, tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều hệ lụy nhất. Lý giải điều này, bác sỹ Vệ cho biết, thuốc tránh thai tổng hợp tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ như: tích nước gây tăng cân, rối loạn kinh nguyệt, nôn mửa, đau đầu… Đặc biệt là nguy cơ đông máu, làm tắc nghẽn mạch máu vì hormone estrogen có trong thuốc làm tăng các yếu tố đông máu, làm tăng phân hủy fibrin và gây đông vón tiểu cầu. Chính khả năng gây đông máu này có thể dẫn đến hiện tượng thuyên tắc mạch máu. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định rằng thuốc tránh thai là nguyên nhân chính khiến người dùng phải phẫu thuật cắt bỏ ruột non, bị đột quỵ hay bị chết như những trường hợp đã nói ở trên.  Có thể chúng chỉ là một yếu tố đi kèm nhiều yếu tố khác trong cơ thể người bệnh.

Uống theo đợt để tránh nguy hiểm

Từ những sự việc trên, nhiều người đang ngầm hiểu rằng việc uống liên tục trong thời gian quá dài đã khiến phụ nữ lãnh hậu quả. Nhận định về vấn đề này, bác sỹ Vệ cho rằng: Chưa có giới hạn rõ ràng nào cho việc uống loại thuốc tránh thai tổng hợp này nên rất khó khuyên phụ nữ chỉ uống thuốc trong bao nhiêu năm. Tuy nhiên, đã là thuốc thì đều có 2 mặt, bên cạnh mặt tốt cũng có những tác dụng phụ kèm theo vì thế, để an toàn chị em nên uống khoảng 6 tháng rồi ngừng một thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi. Trong thời gian ngừng nghỉ này, bạn có thể dùng các biện pháp tránh thai khác như: sử dụng bao cao su hoặc tính ngày rụng trứng…

Thuốc ngừa thai có nhiều loại với tác dụng phụ khác nhau. Vì thế tùy theo thể trạng của  từng người, bác sỹ sẽ chỉ định loại thích hợp để giảm thiểu rủi ro mức tối đa. Thế nên trước khi có ý định dùng thuốc ngừa thai, phụ nữ nên đi khám bác sỹ để được tư vấn lựa chọn loại thuốc thích hợp với cơ thể. Nếu bạn được bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc tránh thai, bạn nên tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần: như xét nghiệm chức năng gan, thận, đường huyết, đo điện tim, đo huyết áp, xét nghiệm tế bào cổ tử cung, siêu âm phụ khoa… trong quá trình dùng thuốc. Nguyên nhân là ở giai đoạn này, bạn có thể dùng được loại thuốc tránh thai A, nhưng đến một giai đoạn khác, sức khỏe của bạn đã có thay đổi thì bạn lại nên dùng loại B…

Những đối tượng cần đặc biệt cảnh giác

Theo bác sỹ Vệ, không phải ai cũng có thể dùng thuốc tránh thai tổng hợp hằng ngày, những đối tượng sau cần đặc biệt chú ý:

- Người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh lý gan, thận.

- Người bị ung thư vú, có tiền sử ung thư.

- Người bị huyết khối tắc mạch, đau nửa đầu, ra huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân, hay có khối u sinh dục như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u vú, ung thư tử cung;

- Những người trên 35 tuổi và có hút thuốc lá.

Dấu hiệu nguy hiểm khi dùng thuốc

Nếu đang dùng thuốc ngừa thai kết hợp mà gặp những triệu chứng nguy hiểm như: đau bụng dữ dội, đau đầu dữ dội, đau ngực, đau chân nghiêm trọng không rõ nguyên nhân, đau cố định ở một vùng… thì nên ngưng dùng thuốc ngay lập tức và đi khám bác sỹ để tìm ra nguyên nhân.

 Hoàng Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-tranh-thai-vua-uong-vua-nghe-ngong-5096/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY