Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Thuyên tắc phổi - Sát thủ thầm lặng

Thuyên tắc phổi là tình trạng cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng đến khoảng 350.000 người Mỹ mỗi năm, và gây ra tới 85.000 người chết/năm. Chính vì vậy, chúng ta cần nắm được nguyên nhân, triệu chứng để phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn.

1. Thuyên tắc phổi là gì?

Thuyên tắc phổi, hay còn gọi là thuyên tắc mạch phổi, là tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi - (Ảnh: Internet).

Thuyên tắc phổi là tình trạng một cục máu đông (huyết khối) xảy ra trong phổi, dẫn đến tắc động mạch phổi. Tình trạng tắc nghẽn này có thể làm hỏng một phần phổi do lưu lượng máu bị hạn chế, giảm nồng độ oxy trong máu và ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Các cục máu đông lớn hoặc nhiều có thể gây tử vong.

Thuyên tắc phổi là bệnh thường gặp và gây tử vong với tỉ lệ tử vong khoảng 30% nếu không được điều trị. Tuy nhiên, tỉ lệ này có thể giảm đáng kể nhờ chẩn đoán và điều trị sớm.

2. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi là gì?

Triệu chứng của thuyên tắc phổi phụ thuộc vào:

- Số lượng, kích thước cục máu đông

- Số lượng, kích thước mạch máu phổi bị tắc

- Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tại thời điểm đó.

Có nhiều trường hợp thuyên tắc mạch phổi không có triệu chứng gì. Bệnh nhân chỉ phát hiện khi có những biến chứng của thuyên tắc mạch phổi. Hoặc vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Trường hợp thuyên tắc mạch phổi có triệu chứng

Khó thở là triệu chứng phổ biến của thuyên tắc phổi - (Ảnh: Internet).

Triệu chứng phổ biến nhất của thuyên tắc phổi là khó thở. Điều này có thể diễn ra từ từ hoặc đột ngột, có thể khó thở nhẹ hoặc nặng, thậm chí là rất nặng dẫn đến suy hô hấp.

Các triệu chứng khác của thuyên tắc phổi bao gồm::

- Đau ngực: cảm giác đau nhói khi hít vào. Bệnh nhân không thể hít thở sâu, hít càng sâu càng đau

- Ho ra máu

- Sốt nhẹ

- Tim đập nhanh.

Trường hợp thuyên tắc mạch phổi nặng

Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như:

- Suy hô hấp

- Đau nhói giữa ngực xuyên qua xương ức

- Cơ thể mệt mỏi, không có sức lực, thường xuyên bị choáng. Nguyên nhân là do huyết khối lớn cản trở hoạt động bơm máu và tuần hoàn của tim. Dẫn đến giảm huyết áp cung cấp các cơ quan như não.

- Ở những trường hợp rất nặng, bệnh nhân có thể bị ngừng tim dẫn đến tử vong rất nhanh

Huyết khối tĩnh mạch sâu là bắt nguồn của thuyên tắc động mạch phổi. Chúng ta cũng cần theo dõi các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu để điều trị trước. Trường hợp có huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như:

- Đột ngột đau bắp chân

- Đau cơ bắp chân tăng dần

- Sưng bàn chân hoặc sưng một chân.

- Phần da bắp chân đỏ, nóng ran, có vết bầm trên da.

3. Nguyên nhân nào gây ra thuyên tắc phổi?

Huyết khối từ mạch máu vào phổi là nguyên nhân gây ra thuyên tắc mạch phổi. Cục máu đông có thể hình thành vì nhiều lý do. Thuyên tắc phổi thường được gây ra bởi huyết khối tĩnh mạch sâu, một tình trạng mà cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu trong cơ thể. Các cục máu đông thường gây thuyên tắc phổi bắt đầu ở chân hoặc xương chậu.

Cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu của cơ thể có thể do một số nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

- Chấn thương hoặc tổn thương: Những chấn thương như gãy xương hoặc rách cơ có thể gây tổn thương mạch máu, dẫn đến đông máu.

- Ít vận động: Trong thời gian dài không hoạt động, trọng lực khiến máu bị ứ đọng ở những vùng thấp nhất của cơ thể, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông.

- Một số tình trạng sức khoẻ: Một số tình trạng sức khỏe khiến máu quá dễ đông lại, có thể dẫn đến thuyên tắc phổi. Điều trị các tình trạng y tế, chẳng hạn như phẫu thuật hoặc hóa trị liệu cho bệnh ung thư, cũng có thể gây ra cục máu đông.

4. Các yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi là gì?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi bao gồm:

- Mắc bệnh ung thư

- Tiền sử gia đình bị thuyên tắc mạch

- Tình trạng tăng đông máu hoặc rối loạn đông máu di truyền, bao gồm Yếu tố V Leiden (kháng protein C hoạt hóa), đột biến gen prothrombin, tăng homocysteine máu, thiếu antithrombin III, thiếu protein C, thiếu protein S, rối loạn fibrinogen máu, rối loạn plasminoge

- Tiền sử đau tim hoặc đột quỵ

- Trên 60 tuổi

- Tiền căn phẫu thuật lớn, đặc biệt là phẫu thuật phụ khoa hoặc phẫu thuật xương chậu và chân

- Chấn thương, chấn thương sọ não

- Gãy khớp háng

- Bất động, liệt

- Suy tĩnh van tĩnh mạch

- Giãn tĩnh mạch chi dưới

- Bệnh nhân có suy tim

- Nhồi máu cơ tim

- Béo phì

- Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh

- Sử dụng thuốc ngừa thai: Viên uống tránh thai hoặc thuốc hormon

- Thói quen hút thuốc lá

- Đi xe hơi hoặc máy bay đường dài mà không dừng lại vận động cơ thể

- Người không sử dụng thuốc làm loãng máu đã được bác sĩ chỉ định

- Một số bệnh lý miễn dịch hệ thống như: hội chứng kháng phospholipid, lupus ban đỏ hệ thống.

5. Các biến chứng của thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy tim - (Ảnh: Internet).

Khi cục máu đông nằm trong động mạch phổi sẽ chặn lưu lượng máu đến phổi để nhận lấy oxy. Khi không có đủ máu để nhận được oxy, nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm. Điều này có thể gây ra tổn thương cho tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đầu tiên kể tới não, thận và tim.

Ngoài ra, do tắc nghẽn tại phổi làm tăng áp suất lên tim. Tim phải dùng lực mạnh hơn để bóp máu lên phổi. Nếu tim không thể bơm đủ máu, huyết áp cũng giảm xuống. Tất cả những tác động này có thể dẫn đến tử vong đột ngột hoặc tử vong sớm nếu không được điều trị.

Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng. Khoảng một phần ba số người bị thuyên tắc phổi không được chẩn đoán và không được điều trị sẽ không qua khỏi. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, con số đó giảm đáng kể.

Những trường hợp thuyên tắc động mạch phổi nhỏ, tiên lượng thường tốt hơn. Tuy nhiên nếu không được điều trị lâu dần cũng sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm:

- Suy tim do tim phải hoạt động nhiều để bóp máu lên phổi

- Gây nên tình trạng tăng áp động mạch phổi

- Tăng nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi lần sau và các biến chứng do cục máu đông khác.

6. Phòng ngừa thuyên tắc phổi

Vớ nén là biện pháp ngăn ngừa cục máu đông hữu hiệu - (Ảnh: Internet).

Ngăn ngừa cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) sẽ giúp ngăn ngừa thuyên tắc phổi. Vì lý do này, hầu hết các bệnh viện đều tích cực áp dụng các biện pháp ngăn ngừa cục máu đông, bao gồm:

- Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu): Những loại thuốc này thường được dùng cho những người có nguy cơ bị đông máu trước và sau khi phẫu thuật - cũng như những người nhập viện với các tình trạng y tế, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng của ung thư.

- Vớ nén: Đeo vớ nén thường xuyên sẽ giúp tĩnh mạch và cơ chân vận chuyển máu hiệu quả hơn. Đây là phương pháp an toàn, đơn giản và rẻ tiền để giữ cho máu không bị ứ đọng trong và sau khi phẫu thuật tổng quát.

- Nâng cao chân: Nâng cao chân 10-15cm bằng cách đặt chân lên gối khi có thể và vào buổi tối khi đi ngủ cũng có tác dụng giảm thuyên tắc phổi hiệu quả.

- Hoạt động thể chất: Hãy đi lại càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa thuyên tắc phổi và đẩy nhanh quá trình hồi phục tổng thể.

- Nén khí nén: Đây là một kỹ thuật trị liệu được sử dụng trong các thiết bị y tế bao gồm bơm không khí và ống tay phụ trợ bơm hơi, găng tay hoặc ủng trong một hệ thống được thiết kế để cải thiện lưu thông tĩnh mạch ở tay chân của bệnh nhân bị phù hoặc nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch phổi.

- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.

- Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê

- Giảm cân nếu bạn bị thừa cân

- Không hút thuốc

- Không mặc những bộ quần áo quá bó khiến lưu thông của máu bị ngăn cản.

Phòng ngừa khi đi du lịch

Nguy cơ hình thành cục máu đông trong khi đi du lịch là thấp, nhưng sẽ tăng lên khi phải đi đường dài, ngồi trong tàu xe lâu. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông và bạn lo lắng về việc đi lại, hãy áp dụng một số biện pháp sau:

- Uống nhiều nước: Nước là chất lỏng tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng mất nước, có thể góp phần vào sự phát triển của các cục máu đông. Tránh uống rượu, bia vì chúng khiến cơ thể bị mất nước.

- Di chuyển xung quanh: Di chuyển xung quanh cabin máy bay mỗi giờ một lần. Nếu bạn đang lái xe, hãy thường xuyên dừng lại và đi vòng quanh xe vài lần. Thực hiện một vài động tác gập đầu gối sâu.

- Gập cổ chân của bạn sau mỗi 15 đến 30 phút.

- Mang vớ nén: Vớ nén giúp thúc đẩy lưu thông và chuyển động của chất lỏng ở chân.

Thuyên tắc phổi là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng được đánh giá là tốt, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Tuân thủ điều trị, phát hiện kịp thời và phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu là chìa khóa để cải thiện tiên lượng thuyên tắc động mạch phổi. Vì vậy, cả nhà hãy ghi nhớ các triệu chứng và các biện pháp dự phòng trên đây để có thể điều trị kịp thời tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/thuyen-tac-phoi--sat-thu-tham-lang-31924/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY