Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tỉ lệ người trẻ đột quỵ ngày càng gia tăng

Một bệnh nhân nam 30 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai do đột ngột tê bì tay trái, yếu tay chân lúc đang làm việc.

Các bác sĩ cấp cứu Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ não, kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não bán cầu phải. Đây là một trong nhiều người trẻ bị đột quỵ mà Trung tâm vừa tiếp nhận.

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân trong hơn một năm thành lập. "Trong số này, có tới 10% trường hợp dưới 45 tuổi, xu hướng ngày càng tăng", Phó giáo sư Mai Duy Tôn, Giám đốc trung tâm, cho biết.

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi

Đột quỵ xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề là mối đe dọa nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của mọi người. Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, trước đây lứa tuổi trung bình gặp phải là trên 60. Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu thế giới, ở Việt Nam là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong.

Nhiều người trẻ không cho rằng đột quỵ là nguy cơ với bản thân do sức khỏe, tim mạch còn tốt. Thế nhưng những năm gần đây, y học đang ghi nhận số trường hợp đột quỵ ở giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng.

Xét về căn nguyên dẫn đến bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi, PGS. Tôn chia sẻ: “Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người trong độ tuổi từ 25 - 49 thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ.

Ngoài ra, đột quỵ ở người trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng”.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:

- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người);

- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;

- Đột ngột đau đầu dữ dội;

- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Gọi cấp cứu ngay khi ghi nhận có bất cứ dấu hiệu nào như trên.

Phòng ngừa đột quỵ

Ổn định huyết áp

Tăng huyết áp là một yếu tố làm tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 4 lần nguy cơ đột quỵ nếu không kiểm soát được. Vì thế kiểm soát huyết áp dưới 135/85 mmHg là vô cùng quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 khiến chúng ta có thể bị thừa cân, béo phì, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc đột quỵ não. Để kiểm soát chỉ số BMI ở mức thấp hơn 25, chúng ta không nên ăn quá 1.500 - 2.000 calorie mỗi ngày (tùy thuộc mức độ hoạt động và chỉ số BMI), đồng thời nên tăng cường vận động thể chất như đi bộ, chơi golf hoặc tennis đều đặn.

Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục giảm nguy cơ đột quỵ.

Duy trì việc tập thể dục thường xuyên giúp ta có thể kiểm soát được trọng lượng cơ thể. Ngoài ra việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày còn giúp tăng lưu lượng máu đến não, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, cải thiện độ nhạy của insulin, từ đó giảm các yếu tố, nguy cơ gây ra đột quỵ.

Tuy nhiên, ở những người đang mắc phải các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường và chứng rung tâm nhĩ, việc tập luyện thể thao cần phải được cân nhắc.

Hạn chế uống rượu, bia

Thay vì thường xuyên sử dụng rượu, bia với nồng độ cao, bạn nên uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải (khoảng 1 ly nhỏ mỗi ngày). Rượu vang đỏ có chứa resveratrol, giúp bảo vệ tim và não.

Không hút thuốc

Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc lá. Những người hút thuốc có nguy cơ đột quỵ tăng gần 4 lần, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Kiểm soát bệnh đái tháo đường

Bạn nên giữ đường huyết trong mức kiểm soát. Đường huyết cao sẽ hủy hoại mạch máu và dễ hình thành các cục máu đông trong lòng mạch gây đột quỵ. Theo dõi đường huyết thường xuyên. Tuân thủ chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thuốc để giữ mức đường huyết trong mức cho phép là cách để phòng ngừa đột quỵ.

Đột quỵ là một tình trạng y tế khẩn cấp và đặc biệt nghiêm trọng, chính vì vậy để cơ thể không rơi vào tình huống bất ngờ, hãy chủ động phòng ngừa đột quỵ ngay từ hôm nay bạn nhé.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/ti-le-nguoi-tre-dot-quy-ngay-cang-gia-tang-33124/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY