Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung sẽ khó có con?

Dạo gần đây có rất nhiều chị em nói rằng khi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung sẽ làm giảm khả năng có con trong tương lai, làm hoang mang… Điều này là đúng hay sai

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến, thường gặp nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Mặc dù bệnh cũng nguy hiểm tính mạng không kém các bệnh khác nhưng nếu được phát hiện sớm thì cơ hội chữa bệnh cũng cao.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của y học mà có rất nhiều phương pháp khác nhau có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, đây là lý do số lượng trường hợp ung thư cổ tử cung đang giảm dần trên thế giới.

Tiêm ngừa và xét nghiệm pap smear là những phương pháp được các bác sĩ khuyến khích chị em cần thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, không ít chị em lo lắng việc tiêm ngừa ung thư cổ tử cung sẽ dẫn đến khó có con về sau này.

Ung thư cổ tử cung gây ra do nhiễm virus HPV tuýp gây ung thư. Vaccine phòng ung thư cổ tử cung bằng cách giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu diệt virus HPV trước khi chúng xâm nhập vào cổ tử cung để gây bệnh.

Thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào kết luận điều này. Vaccine HPV dùng để tiêm ngừa ung thư cổ tử cung nhìn chung an toàn và được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ sau khi tiêm có thể xuất hiện, chủ yếu là đau, sưng và đỏ da tại nơi tiêm... nhưng những triệu chứng này sẽ tự hết sau vài ngày.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm hiệu quả nhất để tiêm ngừa ung thư cổ tử cung là trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục.

Bình thường, liệu trình tiêm ngừa ung thư cổ tử cung sẽ bao gồm 3 mũi tiêm, mũi thứ 2 nhắc lại sau mũi thứ nhất 2 tháng, mũi thứ 3 nhắc lại sau mũi thứ 2 là 6 tháng. Đối với bất kì loại vaccine nào, sau khi tiêm mũi cuối cùng, chị em nên kiêng ít nhất 06 tháng mới nên có thai. Trong thời gian tiêm ngừa HPV chưa đủ liều mà bạn có quan hệ tình dục thì kháng thể bảo vệ không đủ đảm bảo để phòng bệnh.

Trong trường hợp bạn đã có quan hệ tình dục và muốn có thai sau khi kết hôn thì nên tham khảo thêm tư vấn của bác sĩ. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe phụ khoa mà bác sĩ sẽ có lời khuyên phù hợp nhất cho bạn, ví dụ như: Khi nào thì nên tiêm ngừa, nên kiêng bao lâu sau khi tiêm...?

Vậy nói việc tiêm ngừa ung thư cổ tử cung khiến khả năng có con giảm là không đúng, Vì vậy, nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 tuổi nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung.

Thanh Quế

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tiem-ngua-ung-thu-co-tu-cung-se-kho-co-con-23612/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY