Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Tiểu đường type 1: Chỉ 5% người mắc nhưng biến chứng khôn lường

Chỉ khoảng 5% những người mắc bệnh tiểu đường là thuộc tiểu đường type 1 và nguy cơ đối với nam giới hay phụ nữ đều như nhau. Tuy nhiên căn bệnh này có thể dẫn đến nhiều mối nguy cho sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt.

Bệnh tiểu đường type 1 là gì?

Bệnh tiểu đường type 1, đái tháo đường type 1 hay bệnh tiểu đường loại 1 (bệnh tiểu đường tuýp 1) là một bệnh mãn tính. Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1, các tế bào trong tuyến tụy tạo ra insulin bị phá hủy và cơ thể không thể tạo ra insulin. Insulin là một loại hormone giúp các tế bào của cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Cơ thể nhận được glucose từ thực phẩm và insulin cho phép glucose đi từ máu vào các tế bào.

Khi các tế bào đã nhận đủ lượng glucose, gan và các mô cơ sẽ lưu trữ thêm glucose dưới dạng glycogen. Nó được giải phóng khi cơ thể cần năng lượng giữa các bữa ăn, trong khi tập thể dục hoặc khi ngủ. Trong bệnh tiểu đường type 1, cơ thể không thể xử lý glucose do thiếu insulin. Glucose từ thức ăn không thể đi vào các tế bào khiến lượng đường trong máu tăng cao. Lượng đường huyết cao có thể dẫn đến các vấn đề cả ngắn hạn và dài hạn.

Bệnh tiểu đường type 1 là kết quả của việc cơ thể không tự sản xuất insulin - (Ảnh: Freepik).

Có hai type bệnh tiểu đường chính: type 1 và type 2. Chúng có các triệu chứng giống nhau và theo thời gian, chúng cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng giống nhau. Tuy nhiên, đây là những căn bệnh rất khác nhau.

Bệnh tiểu đường type 1 là kết quả của việc cơ thể không tự sản xuất insulin. Trong khi đó, đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 2, các tế bào phản ứng kém với insulin. Mặc dù cơ thể sản xuất đủ insulin nhưng vẫn phải vật lộn để di chuyển glucose từ máu vào các tế bào. Cuối cùng, cơ thể có thể ngừng hoàn toàn việc sản xuất insulin.

Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 1

Nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường type 1 vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, nó được cho là một bệnh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào beta trong tuyến tụy. Đây là những tế bào tạo ra insulin.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ tại sao điều này xảy ra. Các yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như virus có thể đóng một vai trò nào đó dẫn đến tình trạng này.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường type 1

Chỉ có khoảng 5% những người mắc bệnh tiểu đường là thuộc type 1. Nó ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ là như nhau. Mặc dù các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 1 chưa được biết rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố tiềm ẩn đã được xác định. Chúng bao gồm:

Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có thể là yếu tố quan trọng trong một số trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 1. Nếu bạn có một thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường type 1, nguy cơ mắc bệnh này sẽ tăng lên.

Yếu tố di truyền: Sự xuất hiện của một số gen cho thấy nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 1 tăng lên. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có gen này đều phát triển bệnh tiểu đường type 1.

Chủng tộc: Chủng tộc cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 1. Nó phổ biến hơn ở người da trắng so với những người thuộc các chủng tộc khác.

Yếu tố môi trường: Một số loại virus có thể gây ra bệnh tiểu đường type 1. Tương tự như vậy, những người đến từ vùng khí hậu lạnh có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường type 1 hơn. Các bác sĩ cũng chẩn đoán nhiều trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 1 vào mùa đông hơn so với mùa hè.

Tuổi tác: Mặc dù bệnh tiểu đường type 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nó thường xuất hiện ở hai nhóm tuổi đáng chú ý nhất. Nhóm đầu tiên xảy ra ở trẻ em từ 4 đến 7 tuổi, và nhóm thứ hai là thiếu niên từ 10 đến 14 tuổi.

Tiền sử gia đình, tuổi tác, môi trường… đều là các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường type 1 - (Ảnh: Freepik).

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 có thể bao gồm:

- Đói quá mức

- Khát nước tăng dần

- Mờ mắt

- Mệt mỏi

- Đi tiểu thường xuyên

- Giảm cân đáng kể trong một thời gian ngắn

- Một người cũng có thể phát triển tình trạng nhiễm toan ceton, một biến chứng của bệnh tiểu đường type 1. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm: thở nhanh, da và miệng khô, mặt đỏ bừng, hơi thở có mùi trái cây, buồn nôn, nôn mửa hoặc đau dạ dày.

Nếu có một hoặc nhiều triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1, bạn nên đến gặp bác sĩ. Nhưng nếu bạn có các triệu chứng của nhiễm toan ceton, hãy yêu cầu trợ giúp y tế ngay lập tức. Nhiễm toan ceton là một trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt nếu nó không được kiểm soát tốt. Các biến chứng bao gồm:

Bệnh tim mạch: Bệnh tiểu đường type 1 khiến bạn có nguy cơ cao bị đông máu, cũng như cao huyết áp và cholesterol. Chúng có thể dẫn đến đau ngực, đau tim, đột quỵ hoặc suy tim.

Các vấn đề về da: Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nhiều khả năng bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Nó cũng có thể gây ra mụn nước hoặc phát ban.

Bệnh về nướu: Bệnh tiểu đường type 1 khiến bạn dễ bị nhiễm trùng miệng hơn, bao gồm cả nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Bệnh nướu răng và khô miệng cũng có nhiều khả năng phát triển hơn.

Các vấn đề mang thai: Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ sinh sớm, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu và tiền sản giật cao hơn.

Tổn thương mắt: Bệnh tiểu đường type 1 có thể làm hỏng các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc tiểu đường), có khả năng gây mù lòa. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng thị lực nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Thận hư: Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ giúp lọc chất thải ra khỏi máu. Bệnh tiểu đường type 1 có thể làm hỏng hệ thống lọc tinh vi này. Tình trạng tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục, phải lọc máu hoặc ghép thận.

Máu lưu thông kém và tổn thương thần kinh: Các dây thần kinh bị tổn thương và các động mạch bị xơ cứng dẫn đến mất cảm giác và thiếu máu cung cấp cho bàn chân. Điều này làm tăng khả năng bị thương và khiến vết loét và vết thương hở khó lành hơn. Khi điều đó xảy ra, bạn có thể phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân. Tổn thương dây thần kinh cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán thông qua một loạt các xét nghiệm. Bao gồm:

Xét nghiệm hemoglobin glycated (A1C). Xét nghiệm máu này cho biết mức đường huyết trung bình của một người trong hai đến ba tháng trước đó. Nó đo phần trăm lượng đường trong máu gắn với protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu (hemoglobin). Lượng đường trong máu càng cao thì lượng hemoglobin gắn với đường càng nhiều. Mức A1C từ 6,5 phần trăm trở lên trong hai bài kiểm tra riêng biệt cho thấy bệnh tiểu đường.

Nếu xét nghiệm A1C không có sẵn hoặc nếu bạn có một số điều kiện có thể làm cho xét nghiệm A1C không chính xác, chẳng hạn như mang thai hoặc một dạng hemoglobin không phổ biến (biến thể hemoglobin), bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm sau:

Kiểm tra lượng đường trong máu ngẫu nhiên. Một mẫu máu sẽ được lấy vào một thời điểm ngẫu nhiên và được xác nhận bằng xét nghiệm lặp lại. Giá trị đường huyết được biểu thị bằng miligam trên decilit (mg/dL) hoặc milimol trên lít (mmol/L). Bất kể bạn ăn lần cuối vào thời điểm nào, mức đường huyết ngẫu nhiên 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn cho thấy bệnh tiểu đường, đặc biệt khi đi cùng với bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như đi tiểu thường xuyên và cực kỳ khát nước.

Một mẫu máu sẽ được lấy sau một đêm nhịn ăn để kiểm tra đường huyết lúc đói - (Ảnh: Freepik).

Kiểm tra đường huyết lúc đói. Một mẫu máu sẽ được lấy sau một đêm nhịn ăn. Mức đường huyết lúc đói thấp hơn 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường. Mức đường huyết lúc đói từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) được coi là tiền tiểu đường. Nếu nó là 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn trong hai lần xét nghiệm riêng biệt, bạn đã bị tiểu đường.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra các tự kháng thể thường gặp ở bệnh tiểu đường type 1.

Các xét nghiệm này giúp bác sĩ phân biệt giữa bệnh tiểu đường type 1 và type 2 khi chẩn đoán không chắc chắn. Sự xuất hiện của Ketone trong nước tiểu cũng gợi ý bệnh tiểu đường type 1, chứ không phải type 2. Ketone là những chất được tạo ra khi cơ thể phân hủy chất béo để lấy năng lượng.

Điều trị bệnh tiểu đường type 1

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1, điều này có nghĩa cơ thể không thể tự sản xuất insulin. Bạn sẽ cần dùng insulin để giúp cơ thể sử dụng đường trong máu. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị khác cũng có thể mang lại một số hứa hẹn trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1.

Sử dụng insulin

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải dùng insulin mỗi ngày và thường qua đường tiêm. Một số người sử dụng máy bơm tiêm insulin qua một đường ở trên da. Đối với một số người, phương pháp này có thể dễ dàng hơn so với việc tự dùng kim tiêm.

Lượng insulin cần sử dụng cũng thay đổi trong ngày. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu để biết họ cần bổ sung bao nhiêu insulin.

Tuyến tụy nhân tạo

Vào tháng 9 năm 2016, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt tuyến tụy nhân tạo đầu tiên cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1 từ 14 tuổi trở lên. Nó còn được gọi là phân phối insulin vòng kín. Thiết bị được cấy ghép liên kết một máy theo dõi đường huyết liên tục, kiểm tra lượng đường trong máu 5 phút một lần, với một máy bơm insulin. Thiết bị tự động cung cấp lượng insulin chính xác khi màn hình hiển thị thông báo.

Các loại thuốc khác

Các loại thuốc bổ sung cũng có thể được kê đơn cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1, chẳng hạn như:

Thuốc cao huyết áp: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) để giúp thận khỏe mạnh. Những loại thuốc này được khuyên dùng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có huyết áp trên 140/90 milimét thủy ngân (mm Hg).

Aspirin: Bác sĩ có thể đề nghị dùng aspirin để bảo vệ tim mạch.

Thuốc giảm cholesterol: Các bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc giảm cholesterol nhằm giữ mức lipoprotein mật độ thấp (LDL) dưới 100 miligam / decilit (dL). Trong khi đó mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) trên 50 mg / dL ở phụ nữ và trên 40 mg / dL ở nam giới. Triglyceride, một loại mỡ máu khác, là lý tưởng khi chúng dưới 150 mg / dL.

Chế độ ăn uống

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 nên ăn các bữa ăn chính và ăn nhẹ thường xuyên để giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Không có chế độ ăn nào được coi là chế độ ăn kiêng cho bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tập trung chế độ ăn uống vào các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo, nhiều chất xơ như trái cây, rau và các loại ngũ cốc.

Bạn cũng nên ăn ít sản phẩm động vật và carbohydrate tinh chế hơn, chẳng hạn như bánh mì trắng và đồ ngọt. Kế hoạch ăn uống lành mạnh này được khuyến khích ngay cả đối với những người không mắc bệnh tiểu đường. Bạn cũng cần học cách đếm lượng carbohydrate trong thực phẩm hàng ngày nhằm cung cấp cho cơ thể đủ insulin để chuyển hóa các carbohydrate đó một cách hợp lý.

Tập thể dục một cách an toàn

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có thể gặp khó khăn khi tập thể dục. Nhưng nó là một phần không thể thiếu của một lối sống lành mạnh và rất quan trọng đối với những người mắc bệnh này.

Các bài tập thể dục nhịp điệu rất tốt cho người mắc tiểu đường type 1 - (Ảnh: Freepik).

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần. Họ cũng không nên tập thể dục quá hai ngày liên tục. Các bài tập thể dục nhịp điệu rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1 bên cạnh việc rèn luyện sức bền và sức đề kháng.

Phong cách sống và các biện pháp khắc phục tại nhà

Kiểm soát cẩn thận bệnh tiểu đường type 1 giúp làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần chú ý đến những điều sau:

Thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát bệnh tiểu đường: Uống thuốc theo khuyến cáo. Tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể biết về bệnh tiểu đường type 1. Hãy ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất để trở thành một phần trong thói quen hàng ngày. Thiết lập mối quan hệ với một chuyên gia về bệnh tiểu đường và đề nghị được giúp đỡ khi có nhu cầu.

Thông báo cho mọi người biết về tình trạng bệnh: Đeo thẻ hoặc vòng tay cho mọi người biết bạn bị tiểu đường. Giữ một bộ glucagon ở gần trong trường hợp khẩn cấp về lượng đường trong máu và đảm bảo rằng bạn bè và những người thân biết cách sử dụng nó.

Lên lịch khám sức khỏe hàng năm và khám mắt thường xuyên: Việc kiểm tra bệnh tiểu đường thường xuyên không thay thế cho việc khám sức khỏe hàng năm hoặc khám mắt định kỳ. Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ tìm kiếm bất kỳ biến chứng nào liên quan đến bệnh tiểu đường, cũng như sàng lọc các vấn đề y tế khác. Các bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Tiêm phòng đúng chu kỳ: Lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Hãy tiêm phòng cúm hàng năm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn tiêm vắc xin viêm phổi.

Chú ý đến bàn chân: Rửa chân hàng ngày trong nước ấm. Lau khô chúng nhẹ nhàng, đặc biệt là giữa các ngón chân. Dưỡng ẩm cho chân bằng kem dưỡng da. Kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày để tìm các vết phồng rộp, vết cắt, vết loét, mẩn đỏ hoặc sưng tấy. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn bị đau hoặc các vấn đề khác ở chân không khỏi.

Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Ăn thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp cao và cholesterol. Đôi khi sử dụng thuốc cũng có thể cần thiết.

Ăn thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường type 1 - (Ảnh: Freepik).

Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường, bao gồm đau tim, đột quỵ, tổn thương thần kinh và bệnh thận.

Hạn chế uống rượu: Rượu có thể gây ra lượng đường trong máu cao hoặc thấp, tùy thuộc vào lượng rượu bạn uống. Nếu bạn chọn uống rượu, hãy chỉ uống với lượng vừa phải và luôn luôn sử dụng trong bữa ăn. Sau đó, hãy kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ.

Kiểm soát căng thẳng: Các hormone mà cơ thể sản xuất để phản ứng với tình trạng căng thẳng kéo dài có thể ngăn insulin hoạt động bình thường, điều này sẽ càng khiến bạn căng thẳng và thất vọng hơn. Thực hiện các kỹ thuật thư giãn, ngủ đủ giấc, thiền, yoga và các biện khác để loại bỏ cảm giác lo âu và căng thẳng.

Mặc dù số lượng người mắc tiểu đường type 1 không quá nhiều nhưng nếu không kiểm soát tốt, biến chứng đối với sức khỏe của bệnh khá cao. Bởi vậy, chúng ta nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/tieu-duong-type-1-chi-5-nguoi-mac-nhung-bien-chung-khon-luong-30600/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY