Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tìm hiểu về UNG THƯ VÚ, căn bệnh gây tử vong cao ở phụ nữ

Ung thư vú là căn bệnh có tỷ lệ mắc khá cao ở Việt Nam. Căn bệnh này thực sự là nỗi ám ảnh đối với chị em phụ nữ.

UNG THƯ VÚ LÀ GÌ?

Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm thường gặp nhất ở phụ nữ. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong hàng đầu so với các bệnh nữ giới khác. Chính vì thế, nó luôn khiến chị em cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghĩ đến.

Bệnh ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao trong các bệnh nữ giới

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú khi có khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính này là tập hợp của các tế bào ung thư có khả năng sinh sôi và phát triển nhanh chóng ở các mô xung quanh và có thể di căn lan sang các bộ phận khác trong cơ thể.

Phần lớn các trường hợp ung thư vú đều là nữ giới, tuy nhiên trong một số ít trường hợp, nam giới cũng có thể mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH UNG THƯ VÚ

Tuổi tác:

Nghiên cứu cho thấy rằng, phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú càng cao. Độ tuổi trung bình của phụ nữ khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này là 60 tuổi.

Mặc dù vẫn có những phụ nữ trẻ tuổi mắc ung thư vú, xong tỷ lệ mắc bệnh này tăng cao theo cấp số mũ sau 30 tuổi. Do đó, khi càng lớn tuổi thì bạn càng nên để ý tới những thay đổi của cơ thể để nhận biết sớm các dấu hiệu của ung thư vú.

Tiền sử bệnh của cá nhân:

Những phụ nữ từng có tiền sử mắc các bệnh như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người bình thường.

Ngoài ra, phụ nữ chưa từng mang thai lần đầu tiên sau tuổi 30 cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người đã từng mang thai trước độ tuổi này. Bởi việc cho con bú cũng góp phần làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.

Sử dụng thuốc tránh thai:

Những phụ nữ thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 3 lần so với những người ít hoặc không sử dụng loại thuốc này.

Nguyên nhân là do trong thuốc tranh thai chứa hàm lượng cao estrogen làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Yếu tố di truyền:

Thống kê cho thấy những phụ nữ có mẹ ruột hoặc chị em gái ruột bị ung thư vú thì cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người bình thường.

Theo khảo sát có khoảng 15% nữ giới mắc ung thư vú là do gen di truyền.

Uống nhiều rượu bia và dùng chất kích thích

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những người uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày hoặc thường xuyên sử dụng chất kích thích cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 50% so với những người không sử dụng.

Ăn nhiều chất béo:

Một số nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo rằng những phụ nữ có thói quen ăn nhiều chất béo, hoặc người bị béo phì thì nguy cơ ung thư vú cao hơn những người khác.

Những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

Đau tức ngực:

Nếu bạn đột nhiên cảm thấy vùng ngực nhói đau giống như có một luồng điện chạy từ bên này sang bên kia thì đó là một dấu hiệu cảnh báo ung thư vú.

Hãy theo dõi tần suất, thời điểm và vị trí cơn đau. Nếu nó lặp lại thường xuyên hãy đi kiểm tra sớm để biết nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

Ngứa ở ngực:

Triệu chứng này thường bị nhiều người bỏ qua bởi cho rằng nó không có vấn đề gì, hoặc chỉ là một tình trạng ngứa da thông thường. Tuy nhiên, đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng ung thư vú dạng viêm.

Những bệnh nhân mắc ung thư vú dạng này thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy ở ngực, nổi mẩn đỏ hoặc da bí sần sùi. Nguyên nhân là bởi các tế bào ung thư phát triển và chặn mạch máu và bạch huyết mạch ở da, gây kích thích da.

Đau lưng, vai, gáy:

Một số phụ nữ mắc ung thư vú cho biết rằng họ cảm thấy đau nhiều ở lưng và vai hơn là ở ngực. Cơn đau thường xảy ra ở lưng trên hoặc giữa 2 bả vai khiến nhiều người nhầm lẫn với bệnh về xương khớp.

Tình trạng đau ở lưng, vai gay là do khối u vú phát triển trong mô tuyển vú, mở rộng sâu vào ngực và gần thành ngực. Nếu khối u này phát triển ngực về phía xương sườn và xương sống sẽ gây ra tình trạng đau lưng.

Những trường hợp này khi ung thư vú di căn thì nơi đầu tiên sẽ là xương sống hoặc xương sườn, gây ra ung thư xương thứ cấp.

Thay đổi hình dạng và kích thước vú:

Không phải trường hợp ung thư vú nào cũng sờ thấy khối u ở ngực, nhưng nhiều người có thể cảm thấy ngực to lên, chảy xuống thấp hơn hoặc có hình dạng bất thường.

Đó là một dấu hiệu của ung thư vú, thường gặp ở những người có mô vú dày đặc.

Sự thay đổi ở núm vú:

Bên dưới núm vú là vị trí thường xuất hiện khối u nhất. Vì thế, bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi ở khu vực này. Núm vú có thể dẹt hơn, bị thụt vào trong.

Một số trường hợp núm vú có thể tiết dịch kèm với máu. Phần da sần sùi, có vảy hoặc dấu hiệu bị viêm.

Sưng hoặc có khối u, hạch ở nách:

Nếu bạn đột nhiên xuất hiện khối hạch dưới cánh tay thì đó có thể do nhiều nguyên nhân như sốt cao, cảm cúm, nhiễm trùng... Nhưng nếu khói u đó tồn tài kéo dài 1 tuần trở lên mà không rõ nguyên nhân thì đó có thể là triệu chứng ung thư vú.

Bên cạnh đó, những cơn đau dưới vùng nách xảy ra bất thường cũng là một dấu hiệu nguy hiểm mà bạn không nên chủ quan. Hãy đi khám ngay nếu bạn cảm thấy khối u hay hạch bị đau để phát hiện bệnh kịp thời.

Ngực sưng, đỏ:

Nếu bạn cảm thấy vùng ngực nóng hơn, hay ửng đỏ hoặc sưng đau thì đó có thể là dấu hiệu của ung thư vú dạng viêm. Bởi các khối u đẩy và chèn ép vào các mô, khiến vùng ngực sưng lên và tấy đỏ.

Phát hiện sớm ung thư vú sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÙ

Tùy thuộc vào các yếu tố như loại ung thư vú, giai đoạn phát triển của bệnh, kích thước khối u, sự nhạy cảm của tế bào ung thư với hormone và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Có 5 phương pháp điều trị ung thư vú cơ bản nhất:

Phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến nhất. Tùy vào từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định làm các phẫu thuật khác nhau.

- Phẫu thuật giữ lại phần vú: Chỉ loại bỏ khối u trong vú.

- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú.

- Phẫu thuật cắt bỏ tận gốc tế bào ung thư. Loại phẫu thuật này sẽ loại bỏ toàn bộ vú có chứa tế bào ung thư, các hạch bạch huyết dưới cánh tay, lớp thành ngoài cơ ngực.

Xạ trị:

Phương pháp này sử dụng chùm tia năng lượng cao hoặc các tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào này.

Hóa trị:

Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc nhằm làm tế bào ung thư ngừng phát triển. Thông thường trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ điều trị bằng hóa trị để giảm sự phát triển của khối u trước khi loại bỏ chúng.

Ngoài ra hóa trị cũng dùng sau khi phẫu thuật để ngăn ngừa sự tái phát của khối u và các tế bào ung thư.

Liệu pháp hormone:

Phương pháp này chỉ có thể áp dụng với các loại ung thư vú có liên quan đến hormone. Cách điều trị là ngăn chặn sự hoạt động của các hormone khiến khối u ung thư không thể phát triển được.

Liệu pháp điều trị trúng đích:

Đây là liệu pháp sử dụng thuốc hoặc các hóa chất khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh.

CÁCH PHÒNG TRÁNH UNG THƯ VÚ

Ăn nhiều rau xanh:

Nghiên cứu đã cho thấy rằng việc ăn nhiều các loại rau xanh giúp làm giảm 20 – 40% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Bởi trong các loại rau xanh, đặc biệt là bắp cải xanh, bông cải xanh... chứa nhiều glucosinolate và sulforaphane có thể ức chế sự gia tăng của tế bào và ngăn ngừa hình thành khối u vú.

Tránh xa các loại thuốc tẩy, thuốc trừ sâu:

Những loại thuốc tẩy rửa, thuốc trừ sâu, sơn hóa học... thường chứa PCB, organochlorés, dung môi hữu cơ làm rối loạn hoạt động nội tiết ở vú do tăng tổng hợp estrogen. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Giảm tiêu thụ chất béo:

Việc tiêu thụ một lượng lớn chất béo sẽ làm tăng nhanh nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ ung thư vú tăng gần gấp đôi ở những phụ nữ có lượng acid béo “trans” tăng cao trong máu.

Vì vậy nên hạn chế lượng axít béo bão hòa như mỡ động vật, thịt xông khói, bơ…

Tăng cường chất xơ cho cơ thể:

Chất xơ là thành phần quan trọng giúp phòng ngừa ung thư. Thực phẩm giàu chất xơ giúp làm sạch hệ tiêu hóa và tống khứ các hợp chất gây ung thư ra khỏi cơ thể. Bạn hãy tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn.

Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn:

Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Do đó bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống và an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Uống nhiều nước:

Việc uống nhiều nước sẽ hỗ trợ cơ thể loại bỏ các độc tố và góp phần ngăn ngừa bệnh ung thư. Tuy nhiên, bạn nên tránh các loại đồ uống nhiều đường.

Nấu nướng đúng cách:

Thay vì chiên, rán ngập dầu, bạn hãy hấp hoặc nướng. Ngoài ra, bạn nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát để tránh bị hỏng. Sử dụng loại hộp đựng phù hợp với lò vi sóng. Tuyệt đối không ăn thực phẩm có dấu hiệu mốc hoặc có mùi.

Tập thể dục thường xuyên:

Theo các chuyên gia việc duy trì tập luyện thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm lượng estrogen và chất béo trong cơ thể. Nhờ đó, giảm tới 20-40% nguy cơ cung thư vú cho bạn.

Bạn nên tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần để có cơ thể khỏe mạnh và hạn chế bệnh tật.

Nuôi con bằng sữa mẹ:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời không chỉ có lợi cho sức khỏe của bé mà còn là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa ung thư vú cho mẹ.

Bởi khi cho con bú sẽ giúp di tản bớt các chất gây ung thư có trong tế bào vú của người mẹ.

Sinh con đầu lòng trước tuổi 40:

Nếu sinh con đầu lòng trước tuổi 30 bạn sẽ càng ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Bởi thai kỳ sớm trước tuổi 30 sẽ làm gia tăng lượng oestriol-một hormon giúp giảm 50-70% nguy cơ mắc ung thư vú sau này.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tim-hieu-ve-ung-thu-vu-can-benh-gay-tu-vong-cao-o-phu-nu-25935/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY