Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tình trạng hôi miệng có thể bắt nguồn từ 4 vấn đề tai mũi họng này

Khi gặp tình trạng hôi miệng, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ rằng mình đã mắc phải các vấn đề răng miệng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp hôi miệng không xuất phát từ nguyên nhân đó, mà có thể là các bệnh lý tai mũi họng gây ra, đặc biệt là ở 4 vấn đề sau đây.

Tình trạng hôi miệng tuy không quá nguy hiểm nhưng lại khiến chúng ta tự ti trong giao tiếp. Muốn giải quyết triệt để nỗi khổ này, trước hết phải tìm ra được nguyên nhân gốc rễ. Phần lớn, hôi miệng sẽ xuất hiện bởi các bệnh lý răng miệng mà phổ biến nhất là sâu răng. 

Nếu bạn đã cố gắng khắc phục tình trạng này bằng cách vệ sinh răng miệng kĩ lưỡng nhưng tình trạng hôi miệng vẫn không chấm dứt, thì hãy xem mình có đang bị vấn đề tai mũi họng gì không (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho biết, hôi miệng cũng được xem là một dấu hiệu phổ biến của bệnh lý tai mũi họng. Cụ thể là với 4 trường hợp sau đây.

1. Viêm amidan

Hôi miệng dai dẳng không hết và không cải thiện bởi các biện pháp thông thường thì có thể là do viêm amidan gây ra. 

Nguyên nhân khiến viêm amidan sinh ra triệu chứng hôi miệng là do vi khuẩn tích tụ trong hạch lympho, ứ mủ và tiết ra mùi hôi khó chịu. Mùi hôi này có xu hướng nghiêm trọng hơn khi mức độ nhiễm trùng diễn tiến nặng nề. Ngoài ra, tình trạng mất nước ở bệnh nhân viêm amidan cũng là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi khó chịu.

Bệnh nhân bị viêm amidan cần uống nhiều nước và thường xuyên súc miệng nước muối hoặc thảo dược để giảm bớt tình trạng này. Nếu nghiêm trọng thì nên tiến hành cắt amidan để giải quyết, đây cũng là cách bảo vệ vòm họng của mình (Ảnh: Internet)

2. Viêm xoang

Khi bệnh nhân mắc bệnh viêm xoang thì khoang mũi sẽ bị nhiễm trùng và tạo mủ. Dịch mủ tồn tại lâu ngày trong hốc xoang không chỉ gây hôi miệng, nghẹt mũi mà còn khiến bệnh nhân bị viêm họng thường xuyên và đặc biệt là hôi miệng kéo dài.

Trong trường hợp dịch mủ này chảy xuống họng, nếu bị nuốt xuống dạ dày thì còn dễ khiến cho dạ dày, tá tràng bị viêm, từ đó càng khiến cho chứng hôi miệng trầm trọng và khó cải thiện.

Hôi miệng do viêm xoang tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng lại gây ra rất nhiều nỗi khổ khó nói cho bệnh nhân. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, việc cần làm trước tiên là phải điều trị triệt để bệnh viêm xoang bởi hết viêm xoang chứng hôi miệng cũng sẽ tự thuyên giảm hoặc hết.

3. Viêm họng hạt

Viêm họng hạt là một thể bệnh viêm họng mãn tính, khó điều trị dứt điểm và gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Đặc trưng của bệnh là viêm nhiễm niêm mạc họng và sự xuất hiện của các hạt li ti ở niêm mạc hầu họng, khiến người bệnh ngứa rát, khó chịu.

Có nhiều nguyên nhân khiến người bị viêm họng hạt gặp chứng hôi miệng, chẳng hạn như: 

- Viêm họng hạt khiến khoang miệng của người bệnh thường giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và chúng phân giải thức ăn thừa dính trên các kẽ răng. Quá trình phân giải này sẽ tạo thành các chất bay hơi chứa lưu huỳnh dẫn đến mùi hôi khó chịu.

- Bệnh có thể khiến chúng ta tăng tiết dịch đờm nhiều hơn so với thông thường. Với những người có nhiều đờm đặc không thể loại bỏ ra ngoài, đờm sẽ ứ đọng tại cổ họng và sẽ khiến hơi thở phát ra mùi hôi khó chịu.

- Một số người mắc viêm họng hạt thường đi kèm những triệu chứng như ngạt mũi, sổ mũi, khó thở bằng mũi. Lúc này, người bệnh thường phải thở bằng miệng, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập hơn và dễ gây mùi hôi hơn.

Muốn giải quyết tình trạng hôi miệng do viêm họng hạt gây ra, ngoài việc điều trị dứt điểm bệnh thì người mắc nên uống nhiều nước hơn và chú ý vệ sinh răng miệng thật tốt (Ảnh: Internet)

4. Chảy dịch mũi sau

Một nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng là chảy dịch mũi sau, tình trạng liên quan đến dịch nhầy tiết ra từ mũi và cổ họng. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hơi thở của bạn bởi dịch tiết là nguồn thức ăn tuyệt vời cho vi khuẩn. 

Ngoài ra, bạn cũng nên cảnh giác với sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai và sữa chua. Những thực phẩm này có thể khiến dịch nhầy đặc hơn - làm trầm trọng thêm tình trạng chảy dịch mũi sau và nghẹt mũi. Dịch nhầy cũng có thể tạo ra lớp màng màu trắng hoặc vàng trên lưỡi bạn. 

Hôi miệng khiến ta thiếu tự tin trong giao tiếp, nếu tình trạng này vẫn kéo dài kể cả khi bạn đã làm sạch răng miệng, thì hãy đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân. Bạn cũng nên áp dụng đánh răng và lưỡi ít nhất 2 lần mỗi ngày, dùng nước súc miệng không cồn, tránh các loại thực phẩm như tỏi có thể làm cho hơi thở có mùi, uống nhiều nước, ăn sữa chua tự nhiên, không hút thuốc...

Xem thêm: Cảnh báo 7 biến chứng nguy hiểm của việc vệ sinh răng miệng sai cách

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tinh-trang-hoi-mieng-co-the-bat-nguon-tu-4-van-de-tai-mui-hong-nay-35590/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY