Quan điểm trái chiều
Trong bài viết “Dùng đũa khi ăn khiến con trẻ trở nên thông minh hơn” đăng trên tạp chí Đời sống gia đình số 39 (ngày 25/09/2008), Ths. Nguyễn Thuỳ Vân nhận định: “Trí tuệ của con trẻ tập trung ở đầu ngón tay... Cho con trẻ học sử dụng đũa, có thể coi đó là một trong những nội dung rèn luyện ngón tay và não cùng hoạt động”.
Nhưng trên thực tế, chỉ có gần 1/3 dân số thế giới sử dụng đũa khi ăn, vậy những dân tộc dùng nĩa, thìa... lẽ nào sẽ kém thông minh hơn chăng?
Giải đáp thắc mắc này, PGS. Nguyễn Công Khanh (Chuyên gia Tâm lý trẻ em, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Xét ở góc độ nào đó, dùng đũa là một dạng vận động tinh khiến tay khéo léo hơn, các cơ ở tay có thể tác động lên não. Nhưng dùng đũa khiến trẻ trở nên thông minh nhiều khi chỉ là cảm nhận hoặc suy đoán của ai đó, muốn khẳng định điều này ở góc độ khoa học cần có những nghiên cứu so sánh giữa nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng”.
“Đũa thông minh”... mới chỉ là tin đồn
Trong khi các nhà khoa học chưa có kết luận về tác dụng thực sự của đũa đối với việc phát triển trí thông minh ở trẻ thì trên thị trường đã thấy xuất hiện những loại đũa tập ăn, kèm lời quảng cáo về những tác dụng “kỳ diệu” của chúng.
Dạo qua một vài cửa hàng bán đũa tập ăn cho trẻ ở đường Thái Hà, Tràng Tiền, Lãn Ông... chúng tôi đều được giới thiệu: “Dùng đũa làm kích thích não, phát triển trí tuệ, tăng khả năng thông minh của trẻ”.
Thấy chúng tôi có vẻ e ngại, các chủ cửa hàng cho chúng tôi xem tờ giấy đính kèm trên sản phẩm đũa của hãng Edison, với nội dung: “Đũa làm bằng nhựa ABS và vòng silicone rất an toàn cho trẻ. Sản phẩm mang tính giáo dục, làm tăng khả năng tập trung, sự tinh tế và phát triển trí tuệ”.
Có lẽ, vì những lợi ích “to lớn” ấy nên dù giá khá cao: đũa Junior là 79.000 VND/đôi, thậm chí đũa Pororo và Rabbit là 89.000 VND/đôi vẫn được nhiều phụ huynh chọn mua.
Trẻ dùng đũa Pororo |
Bắt chuyện với chị Cao Tuyết Minh, nhà ở phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) đang mua đũa cho cô con gái 3 tuổi, chúng tôi được chị chia sẻ: “Bỏ ra gần trăm nghìn để mua một đôi đũa kể ra cũng hơi xót, nhưng nếu thật sự khi dùng con mình sẽ thông minh hơn thì giá cả không phải là vấn đề”.
Chị Phạm Bích Đào, 28 tuổi, nhà ở phố Ngọc Hà lại có cách nghĩ khác: “Việc cho trẻ học sử dụng đũa có chăng là tạo cho bé thói quen tự lập, tăng khả năng khéo léo mà thôi”, bởi trên thân đũa có gắn các khuôn tròn giúp cố định vị trí tay cầm, trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc sử dụng. Ngoài ra, đũa có màu sắc phong phú với những hình con vật xinh xắn, ngộ nghĩnh gây hứng thú cho trẻ.
Tiến sĩ tâm lý Đinh Kim Thoa, Đại học Quốc Gia Hà Nội cũng cho rằng: “Việc cho trẻ sử dụng đũa làm tăng khả năng sử dụng công cụ của đôi bàn tay. Tuy nhiên, người ta có thể cho trẻ tiếp cận với các trò chơi như xâu hạt, kết vòng... để giúp đôi bàn tay khéo léo, tinh nhạy hơn. Trong khi đó, đũa chỉ được sử dụng trong bữa ăn, với thời gian ngắn. Như thế chẳng lẽ cứ trò chơi hay vật dụng nào tác động lên đầu ngón tay trẻ là đều giúp con trẻ thông minh?”.
Trước những thông tin trái chiều như vậy, người tiêu dùng rất mong chờ sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học để tìm hiểu vấn đề này.
Các bước dạy trẻ dùng đũa
Bước 1: Hướng dẫn bé định vị chắc chắn các que đũa trong tay
Mẹ có thể gợi ý cho bé cách giữ chặt để đũa không bị rơi ra giống như cách cầm một chiếc bút chì. Đặt đôi đũa vào giữa ngón tay cái và ngón giữa của trẻ.
Lưu ý nhắc bé không cầm đũa ở vị trí quá gần đầu gắp thức ăn mà cầm cách xa phần đầu đũa một khoảng vừa đủ.
Bước 2: Khum tay, dùng ngón giữa để làm trụ
Ngón tay giữa sẽ đóng vai trò là "mỏ neo" để giữ các que đũa ở đúng vị trí và sẵn sàng cho việc di chuyển.
Hãy đảm bảo ngón giữa của trẻ đặt giữa vị trí hai chiếc đũa. Cha mẹ hãy nhắc bé nới lỏng tay, không cần ghì mạnh hay gồng tay để giữ. Cầm đũa là sự phối hợp linh hoạt chứ không phải cứng nhắc.
Bé dùng đũa |
Bước 3: Di chuyển đũa lên xuống bằng cách sử dụng ngón cái và ngón trỏ
Cha mẹ tập cho bé cách di chuyển các que đũa lên xuống nhịp nhàng bằng ngón tay cái và ngón trỏ để gắp thức ăn. Tập cho trẻ một loạt các chuyển động nhỏ cho đến khi trẻ di chuyển được đũa.
Bước 4: Gắp thức ăn
Khi trẻ đã làm chủ được thao tác di chuyển đũa lên xuống và không bị rơi đũa, mẹ bắt đầu cho bé luyện tập cách gắp và giữ thức ăn.
Ban đầu hãy để trẻ dùng đũa gắp những miếng thức ăn lớn trước như thịt, rau, sau đó mới chuyển sang các loại thực phẩm nhỏ hơn như sợi mì, bún, hạt lạc.
Bước 5: Tập luyện và thưởng thức bữa ăn bằng đũa
Cách duy nhất để tạo hứng thú cho trẻ chính là để trẻ được thưởng thức bữa ăn bằng đôi đũa trong tay trẻ. Đây cũng là cách tập luyện tốt nhất để giúp trẻ thành thục kĩ năng này.
Những lưu ý khi trẻ dùng đũa
- Chọn loại đũa phù hợp với bàn tay nhỏ của trẻ để trẻ dễ dàng điều khiến và cầm nắm.
- Nhắc trẻ không sử dụng đũa để chọc hay trêu đùa khi ăn vì có thể gây nguy hiểm.
- Cỗ vũ, động viên trẻ mỗi khi trẻ cầm đũa đúng cách và có thao tác đúng.
- Bổ sung thêm một số dụng cụ hấp dẫn và kích thích bé như bát đũa có hình con vật hay nhân vật hoạt hình trẻ yêu thích, sáng tạo món ăn hấp dẫn để thu hút trẻ cầm đũa gắp.
- Kiên nhẫn và bình tĩnh, hướng dẫn lại bé các thao tác nếu bé cầm sai và gắp trượt.
- Không có độ tuổi nào chính xác bắt buộc trẻ phải biết dùng đũa, cha mẹ hãy tự quan sát và phán đoán xem con mình đã sẵn sàng cả về tâm lý và thể chất để cầm đũa hay chưa.
- Giúp trẻ nắm vững nghệ thuật dùng đũa không phải là một công việc khó khăn nhưng cũng rất cần sự tinh tế và nhạy bén của các cha mẹ để giúp bé cầm đũa thành công.
Thu Dịu
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: