Đau gì cũng uống
Em Trần Huy Hoàng, 11 tuổi (Nam Định) bị đau bụng, sốt, nôn mửa nhưng do người nhà chủ quan, lại không có kiến thức y học nên đã mua thuốc giảm đau, kháng sinh cho em uống. Đến hôm sau, khi em bị đau dữ dội, sốt cao, gia đình mới hốt hoảng đưa vào bệnh viện. Các bác sĩ kết luận, em bị viêm ruột thừa, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng nếu nhập viện muộn hơn.
Những trường hợp như Hoàng không phải là hiếm. Có không ít cha mẹ khi thấy con mình đau bụng, sốt, nôn liền nghĩ chúng bị rối loạn tiêu hóa và tự động mua thuốc kháng sinh cho chúng uống. Hoặc khi thấy con có hiện tượng đau đầu, đau bụng, đau khớp… chưa kịp tìm hiểu nguyên do đã vội mua ngay thuốc giảm đau với mong muốn con mau khỏi. Kết quả là đau chẳng hết mà bệnh còn nặng hơn.
Đến Khoa Chống độc, Khoa Dị ứng-Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) mới thấy ngày càng nhiều trường hợp trẻ em phải cấp cứu do ngộ độc và dị ứng thuốc. Nguyên nhân thì nhiều: uống nhầm thuốc của người lớn, uống quá liều, uống phải thuốc chống chỉ định… Trong đó, những trường hợp do lạm dụng thuốc giảm đau không hề ít.
Nguy hiểm khó lường
Trên thị trường hiện có hai dòng thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến là thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giảm đau hạ nhiệt (thường dùng nhất là nhóm paracetamol), trong đó có nhiều loại sử dụng mà không cần bác sĩ kê đơn. Đây chính là điều kiện để nhiều người tuỳ tiện sử dụng hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Liên, Khoa Nhi, Bệnh viện Xanh-pôn, nhóm thuốc giảm đau chống viêm thường mang lại kết quả điều trị cao nhưng rất dễ gây biến chứng, nhất là những bệnh nhi có bệnh tiêu hóa. Nhóm thuốc này thường có tác dụng kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày. Cơ thể trẻ vốn non nớt, nếu sử dụng thuốc bừa bãi dễ gây chảy máu dạ dày, thậm chí vết loét xuất hiện suốt thời gian dài mà không có biểu hiện gì rõ rệt, cho đến khi dạ dày bị thủng hoặc xuất huyết nặng mới được phát hiện.
Ngộ độc do dùng thuốc giảm đau Paracetamol cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Hầu hết các loại thuốc cảm cúm đều chứa Paracetamol. Khi uống vào cơ thể, thuốc được chuyển hoá ở gan thành các chất trung gian trong đó có độc tố N-acetyl benzoquinonimin - chất gây độc chủ yếu của gan. Nếu gan bình thường, độc tố sẽ được thải ra, nhưng với trường hợp trẻ có bệnh ở gan sẽ gây suy gan cấp. Biểu hiện nhẹ hơn là trẻ bị phản ứng phụ của thuốc như: da mẩn ngứa, nổi mề đay hoặc phù mạch, phù thanh quản (phản ứng này có thể xảy ra khi trẻ không bị bệnh gan nhưng dùng thuốc quá liều). Đặc biệt, bác sĩ Liên khuyến cáo, trong các loại thuốc giảm đau, cha mẹ cần thận trọng với thuốc Aspirin, nhất là khi trẻ mới bị bệnh do virus vì thuốc có thể gây tổn thương ở gan và não.
Trẻ con vốn hiếu động, nghịch ngợm nên dễ bị xước xát chân tay, thậm chí gây chấn thương xương khớp. Cha mẹ thường dùng các loại cao dán hoặc thuốc bôi giảm đau có tác dụng làm nóng như Salonpas, Perkindon, Sungaz… Tuy nhiên, với trường hợp các khớp có triệu chứng sưng, nóng, đỏ không được sử dụng những loại này, bởi tinh dầu nóng sẽ gây dãn mạch, khiến máu đổ dồn về nhiều hơn, chỗ đau càng sưng tấy. Hơn nữa, ngay cả với những tổn thương phần mềm cũng được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ vì có thể gây bỏng ra, hoặc chỉ an toàn nên dùng liều lượng ít.
Kim Anh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: