“Nghèo cũng cho thằng Tèo đi học…”
Dù gia đình còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng hàng tháng, chị Diễm Phúc (Quận 9, TP.Hồ Chí Minh) vẫn trích ra hơn 1 triệu đồng để mua sữa bột cho con. Chỉ vào hộp sữa đang cầm trên tay, chị vui vẻ: “Biết là tốn kém nhưng phải đầu tư thôi. Không uống sữa sau này nó còi cọc, kém thông minh thì lại khổ. Có nhiều người khuyên mình nên chuyển qua dùng sữa tươi vì bé đã gần 3 tuổi rồi, song khi so sánh thành phần sữa thì mình thấy sữa bột nhiều dinh dưỡng hơn hẳn nên nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi học. Mình ít tiền thì dùng loại này thôi, chứ nếu có điều kiện thì phải mua sữa nhập khẩu mới tốt”.
Cũng có con ở độ tuổi lên ba, chị Thúy Anh (Ba Đình, Hà Nội) lại chọn sữa bột với lý do: “Mình xem quảng cáo thấy bảo sữa có hàm lượng DHA cao, rất tốt cho sự phát triển trí óc của trẻ, trong khi đó sữa tươi lại chỉ có đạm, canxi và một vài khoáng chất khác. Bé nhà mình sinh thiếu tháng, không được nhanh nhạy như các bạn cùng tuổi nên phải bù đắp bằng cách này, mặc dù thằng bé chẳng thích sữa bột tẹo nào. Nếu đưa một bịch sữa tươi, chỉ cần 5-10 phút là cu cậu chén sạch, còn 1 cốc sữa bột thì 2 mẹ con đánh vật đến hơn nửa tiếng đồng hồ”.
Ảnh minh họa |
Không nhất thiết phải dùng sữa bột
Không chỉ có chị Phúc, chị Thúy Anh mà hầu hết các bà mẹ ở Việt Nam đều tin dùng sữa bột hơn sữa tươi với lý do: sữa bột nhiều dinh dưỡng, giàu năng lượng, có thể giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Thậm chí, một số người còn lý luận: “Nếu sữa tươi tốt hơn, tại sao giá thành lại rẻ hơn? Tiền nào của nấy cả thôi”.
Cũng chính bởi các lý do trên nên trẻ em Việt Nam dù đã đi học tiểu học (6-10 tuổi) vẫn chung thành với sữa công thức, đặc biệt là khi các nhà sản xuất cho ra mắt thị trường các sản phẩm sữa bột pha sẵn tiện dụng.
Trong khi đó, tầm 2 tuổi trở lên là trẻ em ở Mỹ, Đức, Anh… đã chuyển hẳn sang dùng sữa tươi vì các mẹ cho rằng đây mới là loại sữa phù hợp với sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, tại các thị trường này, sữa công thức dành cho trẻ trên 1 tuổi gần như không có nên việc các mẹ chuyển sang cho con dùng sữa tươi là điều tất yếu.
Bàn về vấn đề dinh dưỡng trong sữa công thức và sữa tươi, Tiến sĩ, bác sĩ Laura Jana, Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết: sữa mẹ hoặc sữa công thức là một phần trong chế độ ăn uống của trẻ. Nhưng khi lên 1 tuổi, điều đó là không cần thiết. Thời điểm này, việc ăn theo thực đơn có thể cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho trẻ. Khi đó, sữa tươi sẽ phù hợp với trẻ hơn.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia dinh dưỡng khác nhấn mạnh: về cơ bản, sữa bột là sữa khô. Trong quá trình chế biến từ dạng nước thành dạng bột, sữa bột đã được bổ sung thêm một số chất như canxi, protein, vitamin… nên thành phần dinh dưỡng có thể nhiều và phong phú hơn sữa tươi. Tuy nhiên, nếu trẻ đã có thể ăn được đa dạng các loại thực phẩm thì không nhất thiết phải dùng sữa bột nữa.
Về vấn đề sữa bột cung cấp nhiều DHA cho trẻ hơn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: DHA có thể được bổ sung qua các nguồn thực phẩm khác nhau như: trứng, tôm, thịt gà, cá ngừ… DHA được quảng cáo nhiều trong sữa công thức, tuy nhiên, hàm lượng này có đúng như quảng cáo hay không thì vẫn chưa được kiểm chứng.
Từ những minh chứng cụ thể trên, TS Lâm khuyến cáo, thay vì tin vào quảng cáo, cha mẹ cần chủ động bổ sung DHA cho trẻ bằng các thực phẩm sẵn có. Hơn nữa, cái gì từ tự nhiên cũng tốt cho sức khỏe hơn.
Lưu ý khi cho trẻ dùng sữa tươi: - Chỉ nên dùng sữa tươi cho trẻ hơn 1 tuổi vì sữa tươi có hàm lượng đạm, canxi, phốt-pho cao, rất dễ gây quá tải thận, đầy bụng, chán ăn cho những trẻ dưới 1 tuổi. - Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nên dùng sữa tươi nguyên kem (thay vì tách béo) vì lúc này não cần chất béo để phát triển. - Chỉ nên cho trẻ uống sữa sau bữa ăn khoảng 1 tiếng, không uống vào lúc đói. - Sữa tươi gồm 3 loại: vắt trực tiếp, thanh trùng và tiệt trùng. Không nên dùng sữa vắt trực tiếp cho trẻ vì nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cao. |
Thanh Thanh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: