Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Trứng ngỗng bổ cho bà bầu đến đâu?

Để trả lời câu hỏi: “Trứng ngỗng có phải là thuốc bổ diệu kì cho bà bầu”

Đặt trứng ngỗng “lên bàn cân”

Trứng ngỗng vẫn được cho là một loại thực phẩm bổ dưỡng và đặc biệt tốt cho thai nhi. Nhiều người cho rằng, bà mẹ khi mang bầu ăn trứng ngỗng thì con sinh ra sẽ khỏe mạnh và thông minh.

Thậm chí nhiều bà bầu còn rỉ tai nhau: “Ăn đủ 7 quả sẽ sinh được con trai và ăn 9 quả sẽ có con gái”. Cứ theo kinh nghiệm của bà bầu thì hoá ra việc sinh con theo ý muốn trở nên quá dễ dàng đâu cần nhờ đến sự can thiệp của y học. Vậy thực tế trứng ngỗng bổ đến đâu?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi ăn một quả trứng ngỗng là bạn đã nạp vào cơ thể gần 266 calo tương đương với 20% lượng calorie cần thiết hàng ngày. Trứng ngỗng được đánh giá là loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và protein.

Ngoài ra, trứng ngỗng còn cung cấp cho bạn đến 30% lượng chất béo và 40% lượng protein cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Đây sẽ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho những người gầy nhưng lại là “kẻ thù” của những người đang ăn kiêng.

Những người mắc bệnh béo phì và tim mạch cũng nên loại trứng ngỗng ra khỏi thực đơn của mình. Bởi lượng cholesterol có trong một quả trứng ngỗng cao gấp hơn 4 lần lượng cholesterol được phép đưa vào cơ thể mỗi ngày.

Trong khi quá thừa thãi cholesterol thì trứng ngỗng lại chứa rất ít carbohydrate (tinh đường). Tinh đường được ví như là nhiên liệu để các cơ quan vận hành bình thường, là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Nhưng hàm lượng tinh đường trong một quả trứng ngỗng chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu cần thiết mỗi ngày.

Ảnh minh họa

Con thông minh nhờ... trứng ngỗng?

Có thể dễ dàng tìm thấy các loại vitamin và khoáng chất trong trứng ngỗng như: vitamin A, vitamin B6, sắt, phospho... Đặc biệt, trứng ngỗng chứa một lượng lớn vitamin B12 (chiếm tới104% nhu cầu cần thiết của cơ thể mỗi ngày), axit folic và omega-3. Đây đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho bà mẹ mang thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung vitamin B12 và axit folic vào đầu thai kỳ giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào để khẳng định trứng ngỗng giúp phát triển trí não ở thai nhi. TS.BS Lê Minh Châu (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định: “Đó chỉ là một quan niệm có trong dân gian. Chưa có tài liệu y khoa nào chứng tỏ ăn trứng ngỗng tốt hơn cho bà mẹ mang thai hơn trứng gà, trứng vịt; hay trứng ngỗng giúp trí não của thai nhi phát triển hơn các loại thực phẩm khác”. Thậm chí, dựa trên tỉ lệ thành phần dinh dưỡng có thể thấy trứng ngỗng “kém xa” trứng gà, trứng vịt về tỉ lệ lipid, glucid và các loại vitamin, nhất là vitamin A rất cần cho thai phụ. Chưa kể, trứng ngỗng còn dễ ngán và khó ăn hơn trứng gà, vịt, giá thành lại cao hơn.

Bởi thế, các bác sĩ khuyến cáo: Chỉ nên xem trứng ngỗng như một loại thực phẩm giàu protein, các bà bầu có thể ăn để bồi dưỡng thêm. Nhưng không nên ăn quá nhiều trong một lần (do protein rất khó tiêu hoá). Với một quả to nên chia ra làm 3-4 lần và chỉ nên ba tháng ăn một quả.

Chất dinh dưỡng trong một quả trứng ngỗng đáp ứng bao nhiêu % lượng cần thiết cho cơ thể bạn mỗi ngày?

Tổng lượng chất béo

19.03g

29%

Chất béo bão hòa

5.16g

26%

Chất béo không chứa cholesterol

2.4g

Natri

420.14mg

18%

Kali

301.24mg

9%

Carbohydrate

1.94g

1%

Chất xơ

0g

0%

Protein

19.89g

40%

Vitamin và Khoáng chất

Vitamin A

37 %

Canxi

9 %

Vitamin C

0 %

Sắt

29 %

Vitamin D

0 %

Riboflavin

26 %

Vitamin E

2 %

Niacin

1 %

Vitamin B6

16 %

Kẽm

13 %

Thiamin

9 %

Magiê

6 %

Nhi Nguyễn

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/trung-ngong-bo-cho-ba-bau-den-dau-22524/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY