Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Truyền bia có thực sự giải ngộ độc rượu?

Mới đây, dư luận xôn xao trường hợp các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền 5 lít bia vào cơ thể người đàn ông để giải ngộ độc rượu. Trước thông tin gây bất ngờ với dư luận nói trên, các chuyên gia y tế đã lên tiếng về việc này.

Bác sĩ Lê Văn Lâm (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị), người trực tiếp truyền bia vào người bệnh nhân này cho hay, ban đầu, bệnh viện này đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân.

Sau đó, cứ một giờ đồng hồ các bác sĩ lại truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, khoảng 24 giờ sau bệnh nhân dần hồi tỉnh, sức khỏe ổn định.

Bệnh nhân ở Quảng Trị được cứu sống khi các bác sĩ truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu.

Giải thích về việc truyền bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ Lâm cho biết, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.

Trong bia có Etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ đã truyền bia cho bệnh nhân. Khi truyền bia cho bệnh nhân, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu.

Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

Trước thông tin gây bất ngờ với dư luận nói trên, các chuyên gia y tế đã lên tiếng về việc này.

Việc dùng bia (rượu) để giải ngộ độc rượu methanol đã được Bộ Y tế đưa thành quy chuẩn

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong Hướng dẫn Chẩn đoán và xử trí ngộ độc Bộ trưởng Y tế ban hành ngày 31/8/2015 thì việc dùng bia (rượu) để giải ngộ độc rượu Methanol đã được đưa thành quy chuẩn.

Theo đó, để điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu Methanol phải áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để tẩy độc và tăng thải trừ chất độc, trong đó có đặt sonde dạ dày, lọc máu… và có phương pháp dùng bia rượu có ethanol để điều trị.

Trong giai đoạn lọc máu, việc sử dụng bia, rượu (có Ethanol) với liều lượng như thế nào được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, chi tiết. (Ảnh minh họa)

Bộ Y tế hướng dẫn, nếu dùng Ethanol đường uống (hoặc truyền vào dạ dày) để điều trị cho bệnh nhân cần lựa chọn loại rượu uống đảm bảo an toàn và có ghi rõ % độ cồn và pha theo tỉ lệ hướng dẫn thành rượu có nồng độ cồn 20%.

Liều dùng được chỉ định trên bệnh nhân, nếu uống có thể pha thêm đường hoặc nửa quả, hoặc truyền nhỏ giọt qua sonde dạ dày và tiếp tục dùng liều duy trì với liều lượng cụ thể cho người không nghiện rượu, người nghiện rượu theo hướng dẫn cụ thể.

Trong giai đoạn lọc máu, việc sử dụng bia, rượu (có Ethanol) với liều lượng như thế nào cũng được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Việc dùng Ethanol để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu methanol sẽ ngừng khi khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ Methanol máu <10m/dL. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa và biểu hiện lâm sàng được cải thiện.

Truyền bia có thực sự giải ngộ độc rượu?

Trước thông tin nhiều người thắc mắc liệu có phải uống bia có thể giải độc rượu và bệnh nhân ở Quảng Trị được cứu sống nhờ "truyền bia", BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: bệnh nhân được cứu là nhờ lọc máu.

Theo bác sĩ Chính, nhiều người hiểu rằng có thể uống bia để giải độc rượu là không đúng và rất nguy hiểm.

Bác sĩ Chính cho biết thêm, trong trường hợp bệnh nhân ở Quảng Trị, người bệnh bị ngộ độc methanol chứ không phải ethanol. Nghĩa là 2 loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau cho nên khi cho người bệnh uống Ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của Methanol có trong cơ thể (máu).

“Ca này sống vì lọc máu. Một số thông tin đưa ra không chính xác sẽ gây hiểu nhầm việc uống rượu xong uống bia để giải độc. Việc phác đồ điều trị ngộ độc rượu phải là phát hiện sớm và lọc máu là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh nhất là bệnh nhân nặng sống chứ không phải sống vì "bơm bia", bác sĩ Chính khẳng định.

Người dân không được tự ý truyền bia để giải độc sau khi uống rượu

ThS, BS. Nguyễn Trung Nguyên (Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, người dân không nên hiểu sai về việc truyền bia vào cơ thể để giải độc. Bởi ngộ độc rượu nặng sẽ được các bác sĩ cứu bằng cách truyền bia vào dạ dày chứ không phải truyền qua đường tĩnh mạch như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Việc truyền bia để giải độc rượu chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Nguyên, bia bản chất là rượu loãng có nồng độ 4,5-5%. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Cách cấp cứu phải được các bác sĩ chuyên khoa hồi sức chống độc chẩn đoán, sau đó điều trị theo phác đồ, có tính toán, có liều lượng theo cơ sở khoa học.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự làm theo, bắt chước theo có thể gây nguy hại đến tính mạng; việc truyền bia để giải độc rượu chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Quỳnh Hoa (T/H)

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/truyen-bia-co-thuc-su-giai-ngo-doc-ruou-26839/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY