Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

U nang buồng trứng- Đa phần là lành tính và không quá lo ngại

U nang buồng trứng là căn bệnh phụ nữ có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Thống kê cho thấy u nang buồng trứng chiếm tỷ lệ khoảng 80% các khối u ở buồng trứng.

Phần lớn các trường hợp u nang buồng trứng đều lành tính và vô hại. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ u nang buồng trứng ác tính gây nguy hiểm cho sức khỏe vì thế không thể chủ quan và xem thường các triệu chứng của bệnh.

U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng có thể được hiểu đơn giản là ở trên bề mặt hoặc bên trong buồng trứng có chứa tập hợp các tế bào và túi chứa dịch nhày tạo thành khối u.

Thông thường bệnh nhân khó phát hiện ra bệnh bởi u nang buồng trứng có nhiều biểu hiện giống với các bệnh phụ khoa khác.

Bệnh u nang buồng trứng đa phần là lành tính

Hầu hết các trường hợp, u nang buồng trứng là bệnh lành tính, tuy nhiên nó vẫn có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như vỡ nang, xoắn buồng trứng... Do đó bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng xảy ra.

Phân loại u nang buồng trứng

U nang buồng trứng được phân thành 2 loại cơ bản bao gồm: u nang cơ năng và u nang thực thể:

1. U nang cơ năng

Dạng u nang buồng trứng này phát triển do sự rối loạn chức năng của buồng trứng, không có tổn thương giải phẫu.

U nang cơ năng thường là những nang nhỏ, vỏ mỏng, căng nước và chỉ gặp ở những phụ nữ vẫn còn kinh nguyệt. U dạng này tiến triển nhanh và sẽ mất đi sau vài vòng kinh.

Loại u nang này bao gồm: nang bọc nõn và nang hoàn tuyến.

- Nang bọc nõn do nang Degaff không vỡ vào ngày quy định mà cứ liên tục lớn lên (từ 4 -10 cm) và sản sinh ra estrogen, khiến người bệnh có triệu chứng chậm kinh nguyệt.

- Nang hoàn tuyến lớn hơn nang bọc noãn, thường gặp ở hai bên buồng trứng, lớp vỏ nang mỏng, bên trong có chứa nhiều dịch lutein bởi sự tăng cao của hCG. Dạng nang này thường gặp ở các bệnh nhân chửa trứng, vô sinh hoặc người đang điều trị bằng hormone hướng sinh dục liều cao như hCG.

2. U nang thực thể

Dạng u nang này phần lớn là lành tính, tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ nhỏ là ác tính. Gồm các dạng: u nang nước, u nang nhầy, u nang bì.

- U nang nước:

Đây là dạng u lành tính, lớp vỏ ngoài thường mỏng, cuống dài, bên trong có chứa dịch trong như nước.

Nang thường không dính vào xung quanh, đôi khi có nhú ở mặt trong hoặc mặt ngoài của vỏ nang. Nếu phát hiện nang có nhú thường là ác tính.

- U nang nhầy:

Loại này có nhiều thùy nên kích thước thường rất lớn, thành ngoài của nang dày với hai lớp, lớp ngoài cùng là tổ chức xơ, lớp bên trong là thượng bì trụ đơn. Bên trong nang có dịch nhầy màu vàng.

Nang nhầy có thể bám dính vào các tạng ở xung quanh vị trí của nó.

- U nang bì:

U nang loại này thường gặp ở người trong độ tuổi sinh nở, sau mãn kinh hoặc có thể gặp ở trẻ em. Có khoảng 10% trường hợp mắc u nang bì khi đang mang thai.

Thành của loại nang này có cấu trúc giống như da bao gồm lớp sừng, mỡ, mồ hôi. Trong nang chứa tóc, răng, bã đậu.

Các dấu hiệu của u nang buồng trứng

Những cơn đau:

Đây là dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên khi bạn mắc bệnh u nang buồng trứng. Tuy nhiên, những cơn đau do u nang buồng trứng thường khó xác định, bởi vị trí của các cơn đau tương tự như ở những bệnh khác gây ra.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đau sau khi quan hệ tình dục, đau khi hoạt động nặng hoặc đau xung quanh vùng xương chậu thì rất có thể là cơn đau do u nang buồng trứng.

Biểu hiện của u nang buồng trứng dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác

Kinh nguyệt bất thường:

Rối loạn kinh nguyệt có thể là biểu hiện của nhiều căn bệnh phụ khoa khác nhau, trong đó có bệnh u nang buồng trứng.

Nếu bạn cảm thấy kinh nguyệt thường xuyên rối loạn cả về thời gian, cũng như đặc điểm của máu kinh (màu đen sẫm, đậm đặc...) thì đó có thể là một dấu hiệu nghi ngờ về bệnh u nang buồng trứng.

Khi đó bạn nên đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh để lại những biến chứng.

Cảm giác khó chịu trong tử cung:

Hầu hết bệnh nhân u nang buồng trứng cho biết rằng họ có cảm giác khó chịu, đau râm ran ở vùng tử cung. Cảm giác này khiến nhiều người lầm tưởng rằng mình đã có thai.

Tuy nhiên, đây lại là một dấu hiệu u nang buồng trứng đang hình thành và phát triển. Buồng trứng chèn ép lên các bộ phận khác dẫn tới cơn đau tức.

Môt số biểu hiện khác:

Ngoài những dấu hiệu trên, u nang buồng trứng còn có một số biểu hiện như: vùng chậu bị đau theo từng cơn, kéo dài liên tục, lan dọc sang phần thắt lưng và xuống hai bên đùi. Âm đạo chảy máu bất thường, có dấu hiệu rối loạn đại tiện.

Các biến chứng có thể gặp của u nang buồng trứng

Xoắn u nang: Đây là biến chứng có thể gặp của u nang buồng trứng với biểu hiện đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, nôn, choáng váng, rối loạn nhu động ruột.

Biến chứng này thường xảy ra với trường hợp u nang bì, đôi khi có thể xảy ra với nang nhầy, nang nước hoặc nang hoàn tuyến.

Ung thư: Biến chứng này ít gặp, xong có thể xảy ra ở nang nước có các nhú trong vỏ nang.

Vỡ u nang: Biến chứng này xảy ra khi u nang bị xoắn nhiều vòng hoặc có chấn thương gây va đập vào u nang.

Nhiễm khuẩn u nang: Thường xảy ra sau khi bị xoắn u nang. Tình trạng nhiễm khuẩn khiến u nang to lên và dính vào các tạng xung quanh.

Nang chèn ép tiểu khung: U nang kích thước lớn có thể chèn ép lên trực tràng, bàng quang, niệu quản. Có những trường hợp phát hiện bệnh muộn, u nang tiến triển trong nhiều năm, to và choán hết ổ bụng, chèn lên tĩnh mạch chủ dưới dẫn tới phù, tuần hoàn bàng hệ cổ trướng.

U nang phát triển cùng bào thai: Một số trường hợp phụ nữ mang thai mới phát hiện mình có u nang buồng trứng. Khối u nang này có thể chèn ép gây sảy thai, sinh non, u tiền đạo. Nếu rơi vào trường hợp này bác sĩ thường chỉ định mổ cắt u nang. Tuy nhiên, việc cắt u nang cần chờ đến tháng thứ 4 để tránh gây xảy thai. Trường hợp xoắn u nang thì cần phẫu thuật ngay dù đang ở bất kỳ tháng nào của thai kỳ.

Điều trị u nang buồng trứng

Đối với những khối u nang buồn trứng nhỏ và lành tính thì có thể không cần chữa trị cũng tự tiêu biến. Tuy nhiên, với những loại u có nguy cơ biến chứng thì cần xử lý sớm.

Các phương pháp có thể sử dụng để điều trị bao gồm nội khoa và ngoại khoa.

Nội khoa:

Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc để thúc đẩy khối u nhanh già để teo hoặc vỡ đi. Người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng thuốc sẽ mất đi hiệu quả.

Về ngoại khoa:

Với các trường hợp u nang xoắn, u nang gây biến chứng hoặc u ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Có thể bóc tách để bảo toàn buồng trứng hoặc cắt bỏ toàn bộ buồng trứng tùy thuộc vào nguyện vọng của người bệnh.

Nếu điều trị bóc tách bảo toàn buồng trứng, người bệnh vẫn có khả năng mang thai bình thường nhưng bệnh có nguy cơ tái phát trở lại.

Do đó, nhiều bệnh nhân khi đã sinh đủ con hoặc qua tuổi mãn kinh thường chấp nhận cắt bỏ buồng trứng để loại trì hoàn toàn bệnh.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/u-nang-buong-trung-da-phan-la-lanh-tinh-va-khong-qua-lo-ngai-25759/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY