Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

UNG THƯ PHỔI và những dấu hiệu âm thầm không thể bỏ qua

Ung thư phổi là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm có tỉ lệ tử vong rất cao. Đặc biệt, bệnh thường có những dấu hiệu âm thầm, nên người bệnh thường chủ quan và phát hiện khi ung thư đã bước vào giai đoạn muộn.

UNG THƯ PHỔI LÀ GÌ?

Ung thư phổi là căn bệnh trong đó xuất hiện một khối u ác tính được mô tả qua sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi.

Nếu người bệnh không được điều trị, sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn.

Hầu hết các loại ung thư khởi nguồn từ trong phổi (ung thư phổi nguyên phát) là ung thư biểu mô.

Ung thư phổi được chia làm hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC).

Triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh này là ho (bao gồm cả ho ra máu), sụt cân, khó thở, và đau ngực.

Ung thư phổi là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao

NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ PHỔI

Thuốc lá – nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi

Các nghiên cứu cho thấy rằng nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20-40 lần so với người không hút thuốc.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, những người hút thuốc lá hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc nên đi khám sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện ung thư phổi.

Khả năng gây ung thư không chỉ với thuốc lá, với thuốc lào cũng tương tự.

Người hút thuốc phải đối mặt với nguy cơ mắc các căn bệnh như ung thư phổi, các bệnh về hô hấp, tim mạch…

Còn những người sống gần người hút thuốc cũng phải đối mặt với một loạt căn bệnh như ung thư nói chung trong đó có ung thư phổi, các bệnh về hô hấp, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí ảnh hưởng tới hệ sinh sản và tử vong do suy giảm hệ miễn dịch.

Ngay cả khi dừng hút, tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại từ 10-15 năm trong cơ thể. Nguyên nhân là do lượng hắc in mà cơ thể hấp thụ trong quá trình tiếp xúc với khỏi thuốc không dễ bị loại bỏ.

Hắc ín chính là sự lắng lại của khói thuốc với hàng nghìn chất hóa học và phụ gia với đặc điểm dính và nhầy như nhựa.

Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Sau một thời gian, những phần bị nhựa thuốc lá bám sẽ gây ra bệnh ung thư và các bệnh về phổi.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi

Amiăng

Amiăng là loại chất có thể gây ra nhiều loại bệnh ở phổi khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Hút thuốc lá và amiăng có ảnh hưởng kết hợp trong việc dẫn tới sự hình thành ung thư phổi.

Đối với những người hút thuốc có tiếp xúc với amiăng, nguy cơ mắc bệnh tăng tới 45 lần. Ngoài ra amiăng còn có thể gây ra ung thư màng phổi, được gọi là u trung biểu mô màng phổi (khác với ung thư phổi).

Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng các ca mắc ung thư, trong đó có ung thư phổi.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khi lượng nitơ điôxít trong không khí tăng lên 10 phần tỉ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 14%. Theo ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân của 1-2% số trường hợp mắc ung thư phổi.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đưa ra quan điểm rằng ô nhiễm không khí trong nhà do đốt than củi, phân hay chất thải từ nấu nướng cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Những người thường xuyên tiếp xúc với khói than trong nhà cũng tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Di truyền

Khoảng 8% số ca ung thư phổi có nguyên nhân tới từ các yếu tố di truyền. Một người có quan hệ họ hàng với người bị ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 2,4 lần.

Điều này khả năng là do sự kết hợp gen. Tính đa hình của các nhiễm sắc thể 5, 6 và 15 có tác động đến nguy cơ mắc ung thư phổi.

Nghề nghiệp

Chất sinh ung asbestos trong một vài loại nghề nghiệp (ví dụ như nghề mài má phanh xe) là yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi.

Công nhân làm việc ở một số mỏ có nguy cơ ung thư phổi cao hơn như mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ cromate, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiant, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt.

Việc tiếp xúc với khí radon, các ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng và môi trường ô nhiễm khói thuốc có liên quan đến sự xuất hiện ung thư phổi.

CÁC DẤU HIỆU CỦA BỆNH UNG THƯ PHỔI

Bệnh ung thư phổi khi mới xuất hiện thường không gây đau đớn và diễn tiến rất âm thầm nên khó phát hiện. Đến khi bệnh nhân cảm thấy các triệu chứng khác lạ xuất hiện thì tình trạng bệnh thường đã ở vào giai đoạn nặng của bệnh.

Có thể kể đến một số dấu hiệu sớm của căn bệnh nguy hiểm này như:

Thở khò khè

Biểu hiện ho, thở khò khè có thể do tắc nghẽn trong đường thở bởi các khối ung thư phát triển. Khi đường thở bị co thắt hoặc thu hẹp, không khí đi qua có thể làm cho tiếng thở chuyển sang khò khè hoặc nghe như tiếng huýt sáo khi di chuyển.

Ho nhiều

Khoảng 70% trường hợp ung thư phổi có triệu chứng ho nhiều, ho ra máu, khó thở, viêm phổi tái phát liên tục, đau tức ngực.

Ngoài ra, có thể kèm theo triệu chứng khan tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm.

Đau ngực

Thành ngực có rất nhiều sợi thần kinh kết nối với nhau, do đó khi khối ung thư phổi xâm nhập vào ngực, nó có thể gây ra đau tức ngực, thậm chí là rất đau.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, đau ngực cũng có thể chỉ là phản ứng phụ của việc ho quá nhiều chứ không hẳn là dấu hiệu ung thư đang phát triển ở thành ngực, những cơn ho kinh niên có thể làm căng cơ, đau ngực.

Đau tay, vai và các ngón tay

Khi bướu ở tại đỉnh phổi, hiện tượng xâm lấn thành ngực và mạng thần kinh cánh tay gây đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da. Nhóm triệu chứng này được gọi là hội chứng Pancoast.

Khi ung thư ở đỉnh phổi đã gieo rắc và xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, hội chứng Horner xuất hiện với triệu chứng sụp mi cùng bên tổn thương (sa mí mắt), đồng tử co lại, lõm mắt (mắt thụt vào trong hốc mắt) và không bài tiết mồ hôi ở phía mặt cùng bên tổn thương.

Khó thở

Khó thở có thể là hệ quả của việc tắc nghẽn trong phổi do có khối u cản trở lượng không khí vào phổi. Nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu của sự tích tụ chất lỏng giữa phổi và thành ngực.

Điều này xảy ra khi ung thư xâm nhập hệ thống bạch huyết và cấu trúc tĩnh mạch - cơ quan chịu trách nhiệm cho phép chất lỏng thoát khỏi ngực. Nếu có sự tắc nghẽn trong các khu vực này, chất lỏng sẽ không thể thoát ra, dẫn đến tích tụ.

Sụt cân

Nếu bạn đột nhiên bị sụt cân nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, sụt cân không do giảm ăn hoặc tập luyện thể dục… thì đó rất có thể là dấu hiệu bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư.

Thêm vào đó, nếu bạn cảm thấy ăn không ngon miệng thì càng dễ kết luận nguyên nhân có thể là do một khối u bên trong cơ thể bạn gây ra, không ngoại trừ khối u ở phổi, dẫn đến ung thư phổi sau này.

Khối u này sẽ là tăng đột ngột sự trao đổi chất trong cơ thể bạn và gây ra tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân.

Thường xuyên bị nhiễm trùng

Ung thư phổi có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp và dẫn đến các bệnh như viêm phế quản hoặc các bệnh nhiễm trùng mãn tính khác.

Nếu bạn bị nhiễm trùng phổi mãn tính, bạn nên dành thời gian đi chụp X-quang phổi để biết mình có nguy cơ bị ung thư phổi hay không.

Bất thường ở các mô vú

Dấu hiệu này thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Đó là tình trạng vùng ngực to lên bất thường do các tế bào bệnh ung thư kích thích sự tiết nội tiết tố một cách bất thường.

Tuy nhiên, chị em cũng không nên bỏ qua điều này, vì rất có thể đó là do các tế bào ung thư phổi hoặc ung th ở bộ phận khác gây ra.

Cách phòng tránh ung thư phổi

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh ung thư phổi. Chính vì thế việc từ bỏ thuốc lá sẽ làm giảm đang kể nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Do đó việc cần nhấn mạnh đầu tiên để phòng tránh ung thư phổi là bỏ thuốc lá và cũng tránh xa những làn khói thuốc xung quanh.

Dừng hút thuốc là không chỉ là cách phòng tránh cho bản thân mà còn cho cả những người xung quanh bạn tránh được nguy cơ ung thư do khói thuốc gây ra.

Tập thể dục

Việc tập luyện thể dục thường xuyên với các môn thể thao, hay duy trì thói quen đi bộ hoặc vận động thể lực cũng giúp làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư phổi.

Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả

Để phòng ngừa bệnh ung thư phổi bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Hãy ăn các loại rau đa dạng, nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam…

Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành…

Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng

Đối với những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất cũng phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/ung-thu-phoi-va-nhung-dau-hieu-am-tham-khong-the-bo-qua-26297/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY