Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Uống nhiều nước là tốt hay hại cơ thể?

Chúng ta luôn cường điệu rằng uống nhiều nước có lợi cho sức khoẻ, nhưng cái gì quá nhiều cũng không tốt. Đối với nước cũng vậy, bởi uống quá nhiều có khi phản tác dụng đấy.

Các chuyên gia luôn khuyên nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng nước này còn phụ thuộc vào môi trường sống, thể trạng, chế độ dinh dưỡng, tính chất công việc hàng ngày...

Nếu bạn là người thường xuyên vận động thể chất hoặc ngồi máy lạnh cả ngày thì cần nhiều lượng nước hơn. Hay vào mùa hè thì cần uống nhiều hơn mùa đông. Ngược lại, nếu bạn là người tiêu thụ nhiều rau và trái cây thì có thể giảm uống nước lại bởi trong rau và trái cây cũng chứa một lượng nước nhất định.

Điều này chứng minh, không phải cứ uống càng nhiều nước là càng tốt. Thậm chí nếu lượng nước được nạp vào cơ thể mỗi ngày quá nhiều sẽ gây ra những tác hại tiêu cực tới sức khỏe.

Ảnh hưởng đến độ axit của dịch dạ dày

Nếu uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ làm loãng dịch dạ dày, khiến cho độ axit trong dịch bị giảm( tăng giá trị pH). Bên cạnh đó, uống quá nhiều nước sẽ khiến hiệu quả diệt khuẩn của dịch dạ dày giảm, khả năng tiêu hoá thức ăn cũng kém đi.

Làm sưng các tế bào

Cơ thể bạn có các ion natri và kali tự do hoạt động như chất điện giải giúp cân bằng chất lỏng giữa tế bào và máu. Khi lượng nước tăng quá mức khiến nồng độ chất điện giải giảm, nước di chuyển từ máu vào trong tế bào. Điều này làm cho tế bào sưng lên thậm chí có thể dẫn đến sưng não rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Hạ nhanh kali trong máu

Cách giải phóng nước nhanh nhất khi cơ thể thừa nước là thông qua việc đổ mồ hôi và đi tiểu từ đó làm giảm mức kali trong cơ thể. Nhưng tình trạng này thường xuyên lặp lại trong ngày có thể gây hạ kali với triệu chứng như nôn mửa, huyết áp thấp, tê liệt và tiêu chảy.

Đau đầu

Đau đầu là một dấu hiệu phổ biến của việc uống quá nhiều nước. Khi bạn uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần, hàm lượng natri trong máu giảm, khiến cho các tế bào giãn ra. Từ đó có thể khiến cho não bị sưng dẫn đến tình trạng đau đầu.

Gây mất ngủ

Không những thế, uống thật nhiều nước, đặc biệt là vào cuối ngày, có thể ảnh hưởng giấc ngủ.

Bởi khi chúng ta ngủ, não của chúng ta giải phóng ADH, loại hoóc môn chống lợi niệu, làm chậm chức năng thận và ngăn chúng ta cảm thấy cần phải đi tiểu trong đêm.

Nếu bạn uống 2 hoặc 3 ly nước vào buổi tối, chất lỏng dư thừa ảnh hưởng lên ADH, làm đầy bàng quang, và bạn phải thức dậy để đi vệ sinh. Sau đó, bạn sẽ khó ngủ lại.

Sưng tay, chân và môi

Hiện tượng tay, chân và môi sưng lên cũng chính là do nước quá nhiều trong cơ thể dẫn đến nồng độ natri trong máu thiếu các tế bào bị trương nở chứa đầy nước, da mọng lên.

Hàm lượng nước trong máu cũng tăng lên nên cơ thể lúc ấy có thể bị tăng cân đột ngột.

Tăng áp lực lên hệ thống tim mạch

Uống quá nhiều nước sẽ làm tăng thể tích máu của cơ thể, điều này sẽ làm tăng tải trọng lên tim và mạch máu. Đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch thì sẽ tăng nguy cơ bị suy tim. Do vậy, những người mắc bệnh về tim mạch uống quá nhiều nước sẽ rất nguy hiểm.

Chuột rút

Tiêu thụ quá nhiều nước sẽ làm giảm lượng chất điện giải của cơ thể. Sự mất cân bằng chất lỏng cũng ảnh hưởng đến chức năng cơ bắp dẫn đến co thắt cơ và chuột rút.

Chuyển hóa chậm

Uống đủ nước giúp quá trình chuyển hóa diễn ra nhanh và tốt hơn nhưng nếu uống dư thừa nước quá nhiều có thể làm chậm chuyển hóa. Nước nhiều khiến cho hàm lượng natri và glucose trong tế bào giảm xuống, từ đó cơ thể không thể sản sinh đủ năng lượng. Khi đó, sự chuyển hóa sẽ chậm đi và bạn có thể cảm thấy mệt mỏi.

Ảnh hưởng đến thận

Thận là cơ quan có chức năng lọc nước, do đó, nếu bạn uống nước quá mức sẽ khiến thận phải tăng giờ hoạt động lên. Lâu ngày, thận mệt mỏi, chức năng suy giảm nên có thể gây ra các bệnh về thận như sỏi thận, yếu thận, suy thận…

Ngộ độc nước

Trong một thời gian ngắn uống quá nhiều nước sẽ dẫn đến giảm khả năng thẩm thấu huyết tương và tăng thể tích máu lưu thông, khiến một lượng nước bị giữ lại trong cơ thể và gây nên tình trạng ngộ độc nước.

Về lâm sàng, ngộ độc nước có thể chia làm mãn tính và cấp tính. Biểu hiện của bệnh mãn tính là cân nặng tăng, da nhợt nhạt và ẩm, xuất hiện các triệu chứng buồn nôn hoặc tiêu hoá không tốt, cũng có các triệu chứng về thần kinh như nhức đầu, mê sảng. Ở mức độ nhẹ thì chỉ cần dừng hoặc giảm lượng nước đưa vào cơ thể là có thể dừng các tình trạng trên.

Ngộ độc nước cấp tính do phát bệnh đột ngột, dịch nội và ngoại bào tăng, gây nguy hiểm cho hệ thần kinh trung ương. Bởi vì các tế bào não bị phù trướng sẽ phá huỷ sự ổn định của màng tế bào, người bệnh sẽ bởi vì các tế bào bị phù nề mô não mà sẽ có triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, có cảm giác ghê nơi cổ họng, mất trí nhớ hoặc trí nhớ kém.

Trường hợp nặng hơn có thể gây đần độn, ảnh hưởng đến nhận thức, hoảng hốt, hôn mê, hoặc có thể dẫn đến động kinh. Nếu kéo dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn lên hệ thần kinh và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/uong-nhieu-nuoc-la-tot-hay-hai-co-the-28923/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY