Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Uống rượu trước khi ngủ để ngủ ngon, chuyên gia cảnh báo 4 vấn đề sức khoẻ cần lưu ý

Nhiều người cho rằng, nhâm nhi một ly rượu trước khi đi ngủ sẽ giúp ngủ ngon và sâu hơn. Thực tế, khoa học vẫn chưa hoàn toàn xác nhận quan niệm này. Ngược lại, nhiều chuyên gia cìn đưa ra cảnh báo, thói quen trên có thể mang đến 4 vấn đề sức khoẻ cần mọi người lưu ý.

1. Uống rượu làm gián đoạn giấc ngủ

Trên thực tế, có không ít người quan niệm uống rượu trước khi ngủ sẽ có giấc ngủ ngon và sâu. Tuy nhiên, một số nghiên cứu của trường Đại học Yale (Mỹ) lại cho rằng, điều này chưa đúng hoàn toàn. 

Theo đó, việc uống rượu trước khi ngủ sẽ không giúp chúng ta ngủ ngon, mà thay vào đó là chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Lý do là vì cồn bên trong rượu có khả năng tác động tới hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể được thư giãn và kích thích não bộ chuyển trạng thái cơ thể từ tỉnh táo sang buồn ngủ.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người uống rượu sau khi ngủ được 2 tiếng sẽ bị tỉnh giấc hoàn toàn và gây nên tình trạng mệt mỏi, cáu kỉnh và thậm chí là căng thẳng thần kinh. Chưa kể đến, cồn trong rượu có tác dụng lợi tiểu sẽ làm tăng nhu cầu đi vệ sinh về đêm nhiều hơn.  Điều này vô tình gây ra một loạt các gián đoạn đối với giấc ngủ của chúng ta.

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu, việc uống rượu trước khi ngủ là nguyên nhân khiến não bộ hoạt động kém hiệu quả cũng như gây nên các triệu chứng như: khó tập trung, giảm trí nhớ hay tạo tiền đề cho chứng sa sút trí tuệ. Đây là những dấu hiệu nếu kéo dài sẽ có hại đến tinh thần và sức khỏe con người (Ảnh: Internet)

2. Uống rượu có thể khiến tình trạng mất ngủ thêm trầm trọng

Đối với ai mắc tình trạng mất ngủ và phải thường xuyên dùng đến rượu để ngủ nhanh hơn, thì càng về sau chứng mất ngủ sẽ càng trở nên trầm trọng. Như đã nói ở trên, sử dụng rượu để dễ ngủ có thể dẫn tới tình trạng gián đoạn giấc ngủ, khiến chúng ta khó ngủ tròn giấc ở trong đêm và sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ hơn ở sáng hôm sau.

Nó sẽ tạo nên một vòng luẩn quẩn không hồi kết, từ việc tự uống rượu để đi vào giấc ngủ; uống caffeine và các chất kích thích khác vào ban ngày để tỉnh táo; sau đó sử dụng rượu như một loại thuốc an thần để ngủ được.

Không chỉ vậy, hành động này còn tạo cho não bộ một thói quen phải có rượu mới có thể chìm vào giấc ngủ, nhưng đồng thời cũng sẽ khiến cho não bộ bị lờn và ta lại phải uống với mức cồn cao hơn, nhiều hơn mới có thể phát huy tác dụng. Càng về lâu dài thì sẽ khiến tình trạng mất ngủ thêm tồi tệ.

3. Uống rượu gây cản trở khả năng hô hấp

Khi uống một lượng rượu từ trung bình đến nhiều vào buổi tối có thể làm hẹp đường hô hấp trên, từ đó gây ra nhiều đợt ngưng thở ngay cả ở những người chưa biểu lộ triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ (OSA).

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng bởi hơi thở bất thường và ngừng thở tạm thời trong khi ngủ. Do đó, những nhịp thở chậm này có thể gây gián đoạn giấc ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây nhiều hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Biến chứng nguy hiểm nhất mà người bệnh phải đối mặt là khi lượng oxy trong máu giảm đột ngột, gây tăng áp cho hệ tuần hoàn và tim gây biến đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim,…

Đặc biệt, tình trạng của hội chứng này sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn với những đối tượng béo phì, cổ ngắn, người có tiền sử nghiện rượu, bia,…(Ảnh: Internet)

4. Uống rượu gây tổn thương cho gan và thận

Rượu gây ra nhiều tác dụng xấu cho cơ thể, đặc biệt là ở cơ quan gan và thận. Đó là khi chúng ta uống rượu, 80% rượu sẽ được chuyển hóa qua gan, phần còn lại thì được thận chuyển hóa. 

Trong rượu có chứa rất nhiều các tập chất có độc tính cao như: methanol, aldehyt, fufurol,…. Những chất này sau khi hấp thụ vào cơ thể, cần dựa vào chức năng giải độc của gan mới có thể thể bài tiết ra. Ban ngày cơ thể người diễn ra quá trình trao đổi chất rất mạnh, độc tố trong rượu khá dễ dàng được gan bài tiết (qua mồ hôi và đi tiểu), nhưng uống rượu trước khi đi ngủ vào ban đêm, cơ thể diễn ra qua trình trao đổi chất giảm chậm, chức năng giải độc của gan cũng yếu đi sẽ càng tạo điều kiện cho chất độc ngấm vào máu nhanh hơn.

Lúc này, thận cũng sẽ phải làm việc cật lực hơn để lọc các chất độc, chất thải bên trong máu. Chưa kể, một số thành phần có trong rượu sẽ gây ra những kích ứng nhất định, và ảnh hưởng tới chức năng chuyển hóa lẫn giải độc của thận. Bên cạnh đó, uống nhiều rượu trước khi ngủ còn làm tăng axit uric trong cơ thể, dễ gây tắc ống thận và suy thận mãn tính.

Do đó, cần hạn chế tối đa việc uống rượu hay đồ uống có cồn trước khi đi ngủ. Vì nó chưa hẳn sẽ giúp ta ngủ ngon, nhưng nó chắc chắn gây hại đến sức khoẻ chúng ta.

Xem thêm: Vì sao lại nói: Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh là chìa khoá giúp cơ thể tránh xa bệnh tật?

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/uong-ruou-truoc-khi-ngu-de-ngu-ngon-chuyen-gia-canh-bao-4-van-de-suc-khoe-can-luu-y-35741/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY