Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vi khuẩn bám nhiều nhất ở các loại rau củ này, bà nội trợ cần lưu ý

Hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người quan tâm, lo lắng. Việc lựa chọn loại rau sạch, an toàn sử dụng là rất quan trọng. Sau đây là những loại rau dễ bị nhiễm khuẩn nhất mọi người cần chú ý để phòng tránh

Rau mầm

Trang foodsafetynews.com đưa tin, công ty Thực phẩm Irving của Hàn Quốc đã đưa lệnh thu hồi 20 túi rau mầm đậu tương hãng Go-Hang vì nghi ngờ loại rau mầm này nhiễm khuẩn Listeria. Ngay sau đó, tổ chức Y tế và Thực phẩm Hoa Kỳ đã bắt tay vào điều tra và phát hiện nhiều sản phẩm có chứa vi khuẩn gây bệnh.

Listeria là vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể gây tử vong ở trẻ em, người già yếu, người có hệ miễn dịch kém. Với người khỏe mạnh cũng không tránh khỏi sốt cao, cứng khớp, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu… Đặc biệt phụ nữ mang thai dễ bị sảy thai, thai chết lưu do ăn phải rau mầm nhiễm khuẩn.

Cải thảo

Cải thảo thường được chị em mua về xào hoặc muối kim chi, cũng gần giống như xà lách, nó gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau, do đó khi rửa mọi người chú ý phải rửa từng bẹ thì mới sạch hoàn toàn.

Nếu chỉ đơn thuần rửa nguyên một cái cải thảo trong nước thì vẫn không sạch được, tốt nhất là tách từng bẹ để loại bỏ hoàn toàn đất, vi khuẩn bên trong.

Súp lơ

Súp lơ có rất nhiều khe nhỏ, nên rất khó có thể rửa sạch những bụi bẩn, sâu bọ, thậm chí là lượng thuốc trừ sâu bám ở bên trong. Thế nên, mẹ hãy cắt súp lơ thành từng miếng nhỏ, ngâm trong nước muối pha loãng 20 phút rồi sửa sạch lại bằng nước lạnh thêm 2 lần nữa.

Nấm


Nấm cũng là 1 trong những loại rau củ rất khó làm sạch. Các khe hở ở mũ nấm hoặc giữa các cây nấm nhỏ như nấm kim châm, nấm thủy tinh chứa rất nhiều vi khuẩn và đất cát. Chị em hãy cho muối vào trong chậu nước rồi hòa tan. Cắt bỏ phần chân nấm, rồi ngâm vào 20 phút, sau đó rửa sạch lại bằng nước lạnh thêm 2 lần nữa.

Xà lách

Xà lách là một loại rau được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là ăn sống. Lượng calo trong xà lách rất ít, giàu vitamin và chất xơ nên thường được làm các món như salad, rau sống hoặc ăn kèm với thịt, kim chi...

Mặc dù nhìn bên ngoài những búp xà lách trông rất tươi ngon, sạch nhưng khi tách ra từng lá, chị em sẽ thấy phía dưới cuống của nó có rất nhiều đất, nếu không rửa sạch khi ăn vào sẽ rất nguy hại.

Rau muống

Một nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Chăn nuôi quốc tế và Cục An toàn thực phẩm cho thấy, mức độ tiêu thụ rau muống và cá rô phi của người dân ở khu vực sông Nhuệ chảy qua Hà Nam đang ở mức báo động. Nguyên nhân bởi rau muống bị nhiễm chì và cadimi nhiều nhất.

Rau diếp

Mặt sau của rau diếp thường sần sùi, do đó rất dễ lưu giữ lại vi khuẩn trong quá trình chăm bón. Đừng bao giờ chủ quan trong việc rửa rau diếp. Nếu rửa không đúng cách sẽ dễ dàng rước bệnh vào người khi sử dụng loại rau này. Do đó, trước khi ăn cần tách bỏ phần lá ngoài, rửa kỹ từng lá, ngâm trong nước vài phút rồi lại rửa lại tiếp.

Giá đỗ

Cách làm giá đỗ thông thường phải trải qua nhiều giai đoạn, trong đó có bước ủ giá đỗ chiếm rất nhiều thời gian. Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho E.Coli và salmonella sinh sôi và phát triển. Để sử dụng giá đỗ, cần ngâm, rửa thật kỹ trước khi sử dụng.

Cà chua

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà chua rất dễ bị nhiễm khuẩn ngay từ quá trình trồng và chăm sóc phát triển. Nguyên nhân bởi vỏ cà chua mỏng, vi khuẩn rất dễ xâm nhập. Với những loại cà chua bị dập, nát, vi khuẩn càng dễ xâm nhập hơn qua những vết nứt của quả. Để tránh ăn phải cà chua nhiễm khuẩn, bạn nên rửa sạch, sau đó lau khô bằng khăn sạch trước khi sử dụng hoặc rửa chúng bằng thuốc tím. Tuyệt đối không mua cà chua đã bị dập, có vết nứt.

Một số lưu ý khác khi rửa rau củ, nên biết:

- Sau khi nhặt sạch phần lá vàng, gốc, rễ, hãy ngâm với nước muối pha loãng ít nhất 20 phút rồi mới rửa. Để đạt hiệu quả tối đa, nên ngâm với nước muối pha loãng.

- Nên ngắt bỏ phần đọt (ngọn) rau, vì đây là bộ phận tồn dư nhiều hóa chất nhất của rau.

- Các loại củ, quả thường chứa nhiều chất bảo quản. Tốt nhất sau khi rửa sạch với nước muối pha loãng, chị em nên gọt vỏ để bảo đảm an toàn.

- Nên rửa rau trực tiếp dưới vòi nước sạch là tốt nhất. Với các loại rau củ mềm, bắt buộc phải rửa kỹ nhưng nên nhẹ tay, để tránh chúng bị dập nát, thất thoát dinh dưỡng.

Quỳnh Hoa

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/vi-khuan-bam-nhieu-nhat-o-cac-loai-rau-cu-nay-ba-noi-tro-can-luu-y-28750/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY