Khoa học hôm nay

Vị thượng tướng hùng tài với câu nói lưu danh muôn thuở: Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho

Với những chiến công hiển hách tại Nghệ An, Chương Dương, Thăng Long, tên tuổi Trần Quang Khải sẽ mãi ghi vào lịch sử Việt Nam là một vị tướng vĩ đại bậc nhất của triều Trần.

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc .

Ngày 3/7 âm lịch hằng năm, nhân dân huyện Mỹ Lộc, Nam Định lại thành kính tổ chức lễ giỗ Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, vị anh hùng trong hai cuộc kháng chiến đầu chống quân xâm lược Nguyên - Mông. (Năm nay do dịch Covid-19 các hoạt động lễ hội đông người được khuyến cáo không tổ chức - nv).

Ở Nam Định, đất phát tích của nhà Trần, có nhiều di tích liên quan đến Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, như đền Hậu Bồi là nơi Thái sư lập dinh thự, Phương Bông là nơi ông thường qua lại dạy dân múa Bài Bông, Cao Đài gắn với thái ấp Độc Lập - là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.

Trong các di tích này, thì đình, miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) đã được Bộ VH-TT&DL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, và cũng là nơi thường tổ chức lễ giỗ Chiêu Minh Đại vương trang trọng hằng năm.

Trần Quang Khải sinh vào tháng 10 âm lịch, năm 1241. Ông là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu họ Lý, vốn là con gái trưởng của Lý Huệ Tông, chị gái Lý Chiêu Hoàng. Ông là em cùng mẹ với thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông. Người anh đầu của hai ông là Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, dù cùng mẹ sinh và được Thái Tông nhận làm con, nhưng thật ra là con của Khâm Minh Đại vương Trần Liễu.

Trần Quang Khải là học trò của Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Nhờ kiến thức uyên bác của Lê Văn Hưu cộng với sự say mê học hỏi và tư chất thông minh nên Trần Quang Khải được trang bị đầy đủ kiến thức về văn chương lẫn võ bị binh thư.

Năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông, rồi lên làm Thái thượng hoàng. Vua Trần Thánh Tông phong cho Trần Quang Khải tước Chiêu Minh Đại vương. Đến năm 1261, Trần Quang Khải được phong làm Thái úy, chính thức tham gia công việc triều chính khi vừa 20 tuổi.

Năm 1265, khi ông 25 tuổi, nhà vua lại phong ông làm Thượng tướng, vào trấn thủ Nghệ An. Trại trạng nguyên (Trạng nguyên cho khu vực Thanh Hóa – Nghệ An) Bạch Liêu là môn khách của ông.

Đầu năm 1271, ông làm Tướng quốc Thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước, đứng trên cả Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Chúng ta đều biết, sau sự kiện Thái sư Trần Thủ Độ âm mưu cướp vợ của Khâm Minh Đại vương Trần Liễu về cho Trần Thái Tông, Trần Liễu đã nổi giận kéo quân nổi loạn. Tất nhiên với thế lực đều yếu, hành động bồng bột này nhanh chóng bị dập tắt. May cho Trần Liễu khi ông được nhà vua tha ch*t, nhưng những người theo ông nổi loạn đều bị giết sạch.

Tuy vậy, mối thù bị cướp vợ vẫn ăn sâu trong lòng Trần Liễu đến cuối đời. Đời ông không làm được gì, ông truyền lại mối thù ấy cho con trai, Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, đến đời sau, nhờ hai người con là Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải đã dẹp bỏ thù riêng của hai dòng để cùng chung tay vì đất nước.

Đầu tiên, năm 1277, khi vua Trần Thánh Tông thân chinh đánh các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình), Thừa tướng Trần Quang Khải đi theo hầu, Trần Quốc Tuấn đã cư xử tế nhị lúc Thượng hoàng định giao chức Thừa tướng cho Quốc Tuấn để tiếp sứ phương Bắc.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế Thừa tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thượng hoàng Thái Tông gọi Hưng Đạo vương Quốc Tuấn tới bảo: "Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc".

Quốc Tuấn trả lời: "Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".

Đến khi Thánh Tông trở về, việc ấy lại bỏ đấy, vì hai người vốn không ưa nhau.

Đến năm 1281, khi sứ nhà Nguyên là Sài Thung sang đòi vua Trần qua Trung Quốc chầu, thái độ ngạo mạn, hống hách, Trần Quang Khải đến sứ quán mà hắn không chịu ra tiếp. Lúc này, Hưng Đạo vương lại ra tay, ông gọt tóc, mặc áo vải, cải trang làm nhà sư phương Bắc vào sứ quán, Sài Thung kính trọng mời uống trà đàm đạo, lúc về tiễn ra tận cửa.

Đến khi hiểm họa quân Nguyên xâm lược lần thứ hai đang đến gần, hai vị Thượng tướng và Quốc công Tiết chế đã thắt chặt tình cảm anh em qua sự kiện "tắm chung" được truyền tụng mãi về sau.

Sử viết: Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải: "Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng".

Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho".

Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.

Đầu năm 1285, quân Nguyên tràn sang tấn công nước ta với sức mạnh ồ ạt. Tuy nhiên, dưới sự điều động tài tình của Hưng Đạo Vương, quân Đại Việt đã thực hiện các cuộc nghi binh, đưa quân Nguyên vào thế bị động.

Khi nghe tin Toa Đô từ Chiêm Thành theo đường bộ kéo ra Nghệ An tấn công quân Nam, có Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển tiếp ứng, Hưng Đạo vương đã tâu vua Trần Nhân Tông xin cho Thượng tướng Trần Quang Khải đưa binh vào đóng mặt Nghệ An, và cho Trần Bình Trọng giữ Thiên Trường, rồi rước xa giá ra Hải Dương.

Trần Quang Khải vào đến Nghệ An, chia quân phòng giữ. Thấy thế giặc quá mạnh, ông cho lui quân ra mặt biển và giữ các nơi hiểm yếu. Quân của Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, bèn cùng với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền vòng ra Bắc. Trần Quang Khải hay tin cho người về Thanh Hóa cấp báo. Vua Nhân Tông cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đánh tại Hàm Tử Quan thuộc huyện Đông An (Khoái Châu ngày nay), tỉnh Hưng Yên. Quân Nguyên thua to ch*t hại rất nhiều.

Lúc bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long, còn chiến thuyền thì đóng ở bến Chương Dương, thuộc địa phận huyện Thượng Phúc (Thường Tín, Hà Nội ngày nay). Trần Quang Khải được lệnh vua, cùng Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân từ Thanh Hóa đi thuyền vòng đường biển theo sông Hồng vào đến bến Chương Dương tấn công chiến thuyền của quân Nguyên. Quân Nguyên địch không nổi phải bỏ thuyền lên bờ chạy. Trần Quang Khải đem quân lên bờ đuổi đánh về đến chân thành Thăng Long, rồi lập mưu cho phục binh đóng sẵn ngoài thành.

Thoát Hoan đem quân ra đánh, bị phục binh đánh úp, quân Nguyên đại bại phải bỏ thành Thăng Long vượt sông Hồng giữ mặt Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Trần Quang Khải cho quân vào thành chiếm lại Thăng Long, và cho quân về Thanh Hóa báo tin.

Chỉ trong vòng hai tháng, quân dân Đại Việt đã đại phá quân Nguyên hai lần tại Hàm Tử và Chương Dương, nên khí thế trở nên rất mạnh, sau đó thắng nhiều trận liên tiếp, giết các tướng Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán và đuổi được Thoát Hoan về Trung Quốc.

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1285, hai vua Trần ca khúc khải hoàn về kinh sư. Thái sư Trần Quang Khải làm thơ nổi tiếng "Tụng giá hoàn kinh sư", nguyên văn chữ Hán là:

Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.

Đời sau dịch là "Phò giá về kinh":

Bến Chương Dương cướp giáo.
Cửa Hàm Tử bắt thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước cũ muôn thu.

Tượng thờ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương tại làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ảnh: Kinhtedothi.

Bước ra khỏi chiến trận, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải lại trở về là một vị Thái sư tận tụy với công việc triều chính. Ông được vua Trần Thánh Tông khen là người bề tôi trung hiếu hiếm có. Sử gia đời Lê Phan Huy Chú ghi nhận: "Công lao thu phục được nước, ông đứng thứ nhất".

Năm 1294, đời vua Trần Anh Tông, mùa thu, tháng 7, ngày mồng 3, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Quang Khải qua đời, thọ 54 tuổi... Toàn thư ghi vắn tắt nhận xét về ông: "Quang Khải có học thức, hiểu tiếng nói của các phiên. Quang Khải ham học hay thơ, có Lạc Đạo tập lưu hành ở đời".

Sử cũ không ghi chép cụ thể những chiến công của Trần Quang Khải trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba năm 1288. Nhưng với những chiến công hiển hách tại Nghệ An, Chương Dương, Thăng Long trong cuộc kháng chiến lần hai, tên tuổi Trần Quang Khải sẽ mãi ghi vào lịch sử Việt Nam là một vị tướng vĩ đại bậc nhất của triều Trần.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/vi-thuong-tuong-lung-danh-voi-cau-noi-luu-danh-muon-thuo-hom-nay-duoc-quoc-cong-tam-rua-cho-20200821120053356.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY