Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

VIÊM DA CƠ ĐỊA - bệnh gây ngứa ngáy vô cùng khó chịu

Viêm da cơ địa là căn bệnh da liễu rất phổ biến có thể gặp ở cả nam và nữ thuộc mọi lứa tuổi. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng căn bệnh này lại ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống và tâm lý của người mắc.

Bệnh viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh Atopic Dermatitis. Đây là một dạng bệnh viêm nhiễm ở trên da với biểu hiện đặc trưng là sự ngứa ngáy, xuất hiện các nốt đỏ sưng tấy, bong tróc, nứt nẻ da...

Theo thời gian, các vùng da bị tổn thường ngày càng dày đặc hơn và gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống và tâm lý người bệnh.

Căn bệnh này thường khởi phát ở trẻ em và mức độ bệnh thay đổi qua từng năm. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ ngày một nặng hơn.

Khi mắc bệnh, cảm giác ngứa ngáy làm người bệnh thường xuyên phải gãi khiến bệnh lan rộng và làm tăng nguy cơ bội nhiễm da.

Bệnh viêm da cơ địa có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Độ tuổi mắc bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát ở trẻ em và tái phát trở lại ngay cả khi đã trưởng thành.

Viêm da cơ địa ở trẻ em:

Thống kê của ngành da liễu cho thấy, viêm da cơ địa thường khởi phát ở trẻ sơ sinh 2 tháng đầu và chiếm tỷ lệ khá cao. Khoảng 60% trẻ sơ sinh mắc bệnh.

Bệnh khởi phát ở giai đoạn sơ sinh thường biểu hiện bởi các mảng da đỏ ửng và ngứa ngáy, sau đó xuất hiện các mụn nước nông, dễ vỡ và đóng vảy tiết, có thể dẫn tới bội nhiễm.

Trẻ mắc bệnh khi còn sơ sinh thường tự khỏi khi được 18-24 tháng tuổi. Khoảng 50% trẻ sơ sinh mắc bệnh sẽ khỏi khi được 10 tuổi.

Viêm da cơ địa ở người lớn:

Người lớn cũng có thể mắc bệnh viêm da cơ địa ở các vị trí như gấp khuỷu, khoeo, rốn, cổ, vùng da quanh mặt. Vùng bị bệnh nặng nhất thường là các khu vực da có nếp gấp.

Biểu hiện bệnh viêm da ở người lớn thường nặng hơn bao gồm tình trạng khô da, da cá, dày da, viêm môi bong vảy...

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng viêm da cơ địa. Người mắc bệnh cần biết mình bị viêm da cơ địa do tác nhân nào để tránh xa tác nhân đó thì có thể ngăn ngừa bệnh.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh viêm da cơ địa

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây viêm da cơ địa:

- Yếu tố di truyền: Đây là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người mắc bệnh viêm da cơ địa. Nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc bệnh này thì con cái sinh ra cũng có khả năng mắc cao hơn những đứa trẻ khác.

- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, nhiều bụi bẩn.

- Một số bệnh lý khác: Những người mắc phải các bệnh lý như hen, viêm mũi dị ứng, các bệnh về gan, chức năng gan kém... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm da cơ địa.

- Do tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng da như thắt lưng, trang sức, phụ kiện, lông động vật...

- Dị ứng: Người dị ứng với thức ăn lạ, hải sản, trứng, sữa, dị ứng với sự thay đổi thất thường của không khí...

- Môi trường: Những người thường xuyên làm việc, hay sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói thuốc lá, khí thải công nghiệp, khí thải từ phương tiện giao thông cũng có nguy cơ mắc viêm da cơ địa cao hơn.

- Sức đề kháng kém cũng khiến bạn dễ mắc bệnh do cơ thể không thể chống lại được các tác nhân gây bệnh.

Các triệu chứng viêm da cơ địa

Ngứa da:

Do sự xâm nhập của các tác nhân gây hại vào da nên hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tự giải phóng ra histamin để chống lại chúng, gây ra cảm giác ngứa da.

Da bị sưng phù:

Sau khi bệnh khởi phát, các tổn thương trên da sẽ xuất hiện ngày một nhiều lên với mức độ nặng hơn. Không chỉ có những nốt mẩn đỏ mà da còn trở nên sưng phù.

Những vùng tổn thương trên da thường có xu hướng lan rộng ra xung quanh và có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.

Mụn nước tiết dịch:

Người mắc bệnh viêm da cơ địa cũng có triệu chứng xuất hiện mụn nước trên da. Triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh tổ đỉa. Tuy nhiên, với bệnh tổ địa mụn nước chỉ xuất hiện ở vùng cổ tay hoặc cổ chân. Còn với viêm da cơ địa chúng xuất hiện khắp cơ thể.

Mụn nước thường tồn tại trong khoảng 3-5 ngày rồi tự vỡ ra, tự khô và đóng vảy hơi vàng. Nếu bạn khiến mụn nước bị vỡ sớm sẽ gây cảm giác ngứa rát rất khó chịu và dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

Bệnh viêm da cơ địa thường diễn tiến theo chu kỳ ngứa da, sưng phù, tổn thương da, mụn nước, tiết dịch, đóng vảy. Những biểu hiện của bệnh thường khó có thể kiểm soát và tái phát liên tục khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái

Điều trị bệnh viêm da cơ địa

Để điều trị viêm da cơ địa cần kết hợp các phương pháp: chăm sóc da, tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh, dùng thuốc chống viêm.

Chăm sóc da:

Nên sử dụng các loại kem dịu nhẹ có tác dụng làm mềm và tạo độ ẩm cho da. Tránh tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng da như xà phòng, chất sát khuẩn, hóa chất, thuốc lá, rượu bia... vì chúng sẽ khiến da bị khô hơn.

Hãy thay thế các loại sữa tắm, xà phòng đang dùng bằng loại ít bị khử mỡ và có độ pH trung tính để dịu nhẹ hơn với da.

Bạn cũng nên cắt móng tay thường xuyên và hạn chế tối đa việc gãi để tránh khiến da tổn thương nặng hơn và có thể dẫn dến nhiễm trùng.

Với những vùng da bị tổn thương nặng hoặc kéo dài, có thể đắp gạc ướt để giảm ngứa và làm mềm da.

Không nên kiêng nước mà cần tắm rửa sạch sẽ hàng ngày để phòng tránh nhiễm trùng.

Tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh:

Cần cố gắng tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoặc xác định các tác nhân khiến bệnh trở nên nặng hơn bằng cách khai thác tiền sử của người bệnh và làm các thử nghiệm dị ứng tại cơ sở chuyên khoa.

Nếu xác định được nguyên nhân, bạn có thể tránh xa các tác nhân đo để tránh bệnh tái phát hoặc trở nên nặng hơn.

Nếu nguyên nhân là do thức ăn, cần loại bỏ loại thực phẩm đó và thay thế bằng thực phẩm khác để tránh trẻ bị suy dinh dưỡng.

Nếu bụi là tác nhân gây bệnh thì cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thay ga đệm hàng tuần, dùng quạt gió để giảm độ ẩm trong nhà.

Quần áo mua mới cần được giặt sạch để loại bỏ chất formaldehyde và các hóa chất khác có trong vải dễ gây kích ứng da. Ngoài ra bạn cũng không nên mặc quần áo quá chật, vải nhiều nilon và hạn chế mặc đồ len.

Sử dụng thuốc chống viêm:

Một số loại thuốc chứa glucocorticoid có tác dụng chống viêm hiệu quả, có thể sử dụng để bôi tại chỗ như kem fluticasone, betamethasone, clobetasone.

Bôi kem ngày 2 lần trong giai đoạn cấp để chống viêm. Khi bệnh đã được kiểm soát có thể bôi cách ngày hoặc 2 lần mỗi tuần tại vùng da bị tổn thương để tránh bệnh tái phát.

Những loại thuốc chống viêm có chứa glucocorticoid có tác dụng rất nhanh và mạnh nên không được dùng trong thời gian dài mà chỉ sử dụng ngắn ngày tại các vùng da dày sừng. Không dùng để bôi vùng mặt và các vùng da mỏng.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số thuốc ức chế miễn dịch bôi tại chỗ như tacrolimus, pimecrolimus cũng cho hiệu quả tốt và khá an toàn.

Trường hợp viêm da cơ địa nặng và không đáp ứng với các loại thuốc thì bác sĩ có thể chỉ định chiếu tia cực tím tại chỗ. Tuy nhiên phương pháp này thường gây rác dụng phụ là nổi ban đổ, ngứa rát da, rối loạn sắc tố.

Để giảm ngứa da cho bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng histamon. Do tình trạng ngứa thường tăng lên nhiều hơn về đêm nên có thể sử dụng loại thuốc này để có tác dụng an thần và giảm ngứa vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị tại chỗ, có thể dùng một đợt glucocorticoid đường uống ngắn ngày nhưng phải lưu ý giảm dần liều trước khi ngưng hẳn thuốc.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/viem-da-co-dia--benh-gay-ngua-ngay-vo-cung-kho-chiu-26015/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY