Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

VIÊM ĐẠI TRÀNG CO THẮT có nguy hiểm không?

Viêm đại tràng có thắt có nguy hiểm không

Viêm đại tràng co thắt không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng gây ra đau đớn và là nỗi ám ảnh có nhiều bệnh nhân mắc chứng bệnh này.

Viêm đại tràng co thắt là gì?

Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng đại tràng, bệnh đại tràng chức năng… Các rối loạn tiêu hóa mạn tính tái đi tái lại, kéo dài ít nhất 3 tháng mà không làm thay đổi cấu trúc hay yếu tố sinh hóa của dạ dày, ruột.

Viêm đại tràng co thắt có liên quan chặt chẽ tới tỷ lệ thực phẩm thông qua đại tràng (ruột già). Viêm đại tràng co thắt là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi.

Nguyên nhân gây đại tràng co thắt?

Hiện tại, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tuy nhiên có một vài vài giả thuyết cho rằng:

- Những người mắc bệnh có thể có đại tràng nhạy cảm hơn những người khác, đôi khi chỉ có một thay đổi nhỏ trong cơ thể cũng làm đại tràng co thắt, gây ra đau và tiêu chảy.

- Ở những người bị bệnh, dây thần kinh hệ tiêu hóa có thể cảm nhận được các cơn co thắt trong ruột một cách rõ hơn những người khác. Tín hiệu phối hợp yếu giữa não và ruột khiến cơ thể phản ứng thái quá với những thay đổi thường xảy ra trong quá trình tiêu hóa, dẫn đến đau, tiêu chảy hoặc táo bón.

- Hệ thống miễn dịch có thể phản ứng khác với stress và nhiễm trùng ở những người bị bệnh. Một số người bị hội chứng ruột kích thích có số tế bào hệ miễn dịch tăng lên trong ruột.

- Thay đổi nội tiết tố có thể liên quan đến bệnh (70% những người bị hội chứng ruột kích thích là phụ nữ).

- Các serotonin, chất dẫn truyền thần kinh được sản xuất trong ruột có thể tác động lên các dây thần kinh đường tiêu hóa. Những người bị tiêu chảy có thể làm tăng nồng độ serotonin trong ruột, trong khi những người bị bệnh thể táo bón thì có giảm lượng serotonin.

Dấu hiệu, triệu chứng bệnh viêm đại tràng co thắt

1. Rối loạn tiêu hóa

Ở người bệnh viêm đại tràng co thắt , chức năng tiêu hóa của người bệnh bị ảnh hưởng rất lớn. Trong đó rối loạn tiêu hóa được xem là triệu chứng bệnh viêm đại tràng co thắt đặc trưng nhất.

Các biểu hiện như chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu, ợ hơi có thể gặp thường xuyên ở người bệnh. Tuy nhiên những triệu chứng trên cũng có thể gặp ở những người bệnh đau dạ dày, bệnh viêm trực tràng…Người bệnh cần theo dõi thêm và dựa vào những biểu hiện phía dưới để khẳng định chính xác mình có mắc căn bệnh này hay không

2. Bất thường trong đại tiện

Kèm theo chứng rối loạn tiêu hóa thì người bệnh có thể nhận thấy những bất thường trong việc đại tiện của mình như:

- Thay đổi thói quen đi đại tiện: Nếu như trước đây người bệnh có thói quen đi đại tiện vào buổi sáng thì khi mắc bệnh viêm đại tràng người bệnh có thể mắc đi ngoài bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả vào ban đêm.

- Tiêu chảy là biểu hiện viêm đại tràng co thắt người bệnh có thể gặp thường xuyên và đi ngoài nhiều lần trong ngày với số lần ít hay nhiều tùy theo tình trạng bệnh

- Đôi khi quan sát phân có hiện tượng táo lỏng xen kẽ, tức đầu phân thì rắn còn phía đuôi phân lại lỏng và nát.

- Người bệnh có cảm giác mót rặn ngay cả khi vừa mới đi ngoài xong.

3. Triệu chứng đau bụng của bệnh viêm đại tràng co thắt

Hiện tượng viêm đại tràng co thắt cũng thường xuyên gây ra các cơn đau ở vùng bụng mỗi khi đại tràng co thắt mạnh. Các cơn đau bụng này có đặc điểm:

- Cảm giác đau không tập trung ở một vị trí cụ thể

- Các cơn đau này có lúc thì xuất hiện kéo dài âm ỉ, có lúc lại trở nên dữ dội tùy theo đại tràng có thắt mạnh hay nhẹ.

- Cơn đau tăng mạnh sau khi người bệnh ăn các thức ăn lạ hoặc ăn các thức ăn gây kích thích như đồ chua, cay, uống rượu…

- Biểu hiện đau sẽ giảm hoặc biến mất sau khi đi đại tiện.

- Kèm theo sự xuất hiện của các cơn đau là cảm giác khó chịu ở bụng. Nếu dùng tay ấn vào bụng sẽ thấy vùng bụng của người bệnh có biểu hiện mềm, chướng căng, đôi khi có thể sờ thấy các cục u cứng nổi lên ở các vị trí dọc theo khung của đại tràng.

4. Phân có lẫn chất nhày hoặc máu

Mỗi khi đại tràng co thắt thì các vết loét trong lòng đại tràng sẽ tiết ra nhiều dịch tiết hơn, một số bệnh nhân bị viêm loét nặng có thế bị xuất huyết đại tràng. Các chất nhày và máu sẽ theo phân đi ra ngoài. Máu chảy ra ngoài nhiều hay ít tùy theo tình trạng của bệnh. Đây là một dấu hiệu viêm đại tràng co thắt mà bạn có thể dễ dàng quan sát được khi đi vệ sinh.

5. Các triệu chứng bên ngoài của bệnh viêm đại tràng co thắt

Bên cạnh các triệu chứng bệnh viêm đại tràng co thắt kể trên thì có thể nhận biết căn bệnh này thông qua một vài biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân như: chán ăn, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe yếu, sụt giảm cân nặng, mất ngủ… Đây là các triệu chứng không thể tránh khỏi khi mắc căn bệnh viêm đường tiêu hóa này.

Cách chữa viêm đại tràng co thắt

1. Mẹo giảm đau viêm đại tràng co thắt

Khi bị những cơn đau viêm đại tràng co thắt hành hạ, ngoài việc áp dụng phương pháp chữa trị, việc giảm nhanh cơn đau nhanh là hết sức quan trọng.

a. Mát xa vùng bụng

Đây là một liệu pháp giúp giảm đau viêm đại tràng co thắt rất hiệu quả. Xoa bóp làm cơ thể giải phóng ra chất Endorphins, một chất giảm đau tự nhiên.

Cách thực hiện: Khi lên cơn đau, người bệnh dùng 3 đầu ngón tay (tro, giữa và áp út) xoay đều theo chiều kim đồng hồ quanh rốn. Thực hiện nhẹ nhàng khoảng 4-5 phút sẽ thấy cơn đau viêm đại tràng co thắt giảm đi đáng kể.

Hoặc buổi sáng khi ngủ dậy, người bệnh ở tư thế nằm ngửa, co chân chống lên, dùng lòng bàn tay phải áp sát vùng da của rốn (mùa đông có thể xoa 2 lòng bàn tay lại cho ấm trước khi xoa), xoay theo chiều kim đồng hồ từ 30-50 cái. Nếu bị viêm đại co thắt nặng, cơn đau nhiều hơn có thể xoa đều từ 50-70 cái. Sau đó nằm duỗi chân ra và thư giãn.

b. Sử dụng trà ấm

Uống nước ấm có tác dụng làm các cơ trong dạ dày thư giãn, khiến cơn đau giảm đi đáng kể. Nếu sử dụng các loại trà hoa cúc, trà bạc hà, trà gừng ấm…thì hiệu quả giảm đau lại càng cao, bởi chúng chứa các tinh dầu rất tốt cho cơ thể. Do đó, khi lên cơn đau viêm đại tràng co thắt, hãy sử dụng một tách trà ấm.

2. Dùng thuốc chữa viêm đại tràng co thắt

Sau khi thăm khám, bệnh nhân có thể được chỉ định một hay nhiều loại thuốc điều trị bệnh viêm đại tràng co thắt khác nhau. Mục đích chính là để khắc phục các triệu chứng của bệnh, các thuốc này có thể là:

a. Thuốc chống co thắt

Có tác dụng giảm đau bụng nhờ cơ chế làm thư giãn các cơ trong đường tiêu hóa, giảm co thắt đại tràng. Nhóm thuốc chống co thắt hầu như không có tác dụng phụ, tuy vậy bệnh nhân vẫn cần thận trọng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

b. Thuốc nhuận tràng

Dùng chữa viêm đại tràng co thắt thể táo bón. Thuốc có tác dụng làm mềm phân, giúp đi cầu dễ dàng hơn. Ban đầu bệnh nhân nên sử dụng với liều lượng thấp, sau đó tăng dần lên cho đến khi phân mềm hơn. Điều này nhằm hạn chế tình trạng chướng hơi, đầy bụng do tác dụng phụ của thuốc mang lại.

Bên cạnh đó để chống táo bón thì việc bổ sung chất lỏng là điều cần thiết.

c. Thuốc giảm nhu động ruột

Các loại thuốc chữa bệnh viêm đại tràng co thắt có tác dụng làm nhu động ruột hoạt động chậm lại, giúp ngăn chặn tình trạng thức ăn di chuyển quá nhanh trong đường ruột gây ra triệu chứng tiêu chảy.

Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau bụng, chóng mặt, buồn ngủ, nổi mề đay ngứa khi sử dụng thuốc.

d. Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm giúp cải thiện chứng trầm cảm ở bệnh nhân, từ đó giúp bệnh tình có tiến triển tốt hơn. Cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ biết khi gặp phải một số tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc như: Giảm thị lực, chóng mặt, tiêu chảy hay táo bón…

3. Những bài thuốc dân gian chữa viêm đại tràng co thắt

a. Bài thuốc chữa viêm đại tràng co thắt từ củ riềng

Riềng có công dụng chống nôn, làm ấm tì vị, tăng cường chức năng của tì thổ, giúp chữa bệnh viêm đại tràng co thắt.

Bài thuốc 1: Bạn chuẩn bị 50g rễ và vỏ củ riềng kết hợp 6g gừng khô. Đem đun sôi kỹ lấy nước chia uống 2 lần trong ngày.

Bài thuốc 2: Bạn có thể kết hợp củ riềng tươi 20g, lá lốt 20g để sắc lấy nước uống hàng ngày, thay cho nước lọc. Bệnh sẽ có hiệu quả tức thì sau 10 phút uống thuốc.

b. Bài thuốc từ củ sen

Để làm bài thuốc này, bạn cần chuẩn bị các vị thuốc sau: gạo tẻ và đậu ván trắng mỗi vị 60g, củ sen 40g. Gạo đem đãi sạch sạn, vỏ thóc còn sót, đậu ván trắng chọn hạt to tròn không bị sâu đem rửa sạch, củ sen gọt vỏ cắt lát mỏng.

Cách thực hiện: Tất cả các nguyên liệu trên đem nấu thành cháo. Khi thấy đói bụng, đem ra ăn có tác dụng tốt nhất. Mỗi ngày nên ăn 2-3 lần. Bạn nên kiên trì áp dụng bài thuốc này cho đến khi khỏi bệnh.

c. Bài thuốc từ mã đề

Bạn chuẩn bị 2 vị thuốc sau: 16g mã đề, 3g lá chè xanh.

Cách thực hiện: Mã đề đem sao vàng, sau đó cho vào ấm hãm chung với chè xanh. Loại nước này có thể uống thay nước thường, bạn uống hết trong ngày và hôm sau làm ấm mới.

Bệnh đại tràng co thắt có nguy hiểm không?

Bệnh đại tràng co thắt không ảnh hưởng ngay đến tính mạng con người nhưng nếu để các dấu hiệu của bệnh như tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ, dễ dẫn đến các bệnh đường tiêu hóa khác như viêm đại tràng…

Ngoài ra nếu để càng lâu thì bệnh càng trở nặng dẫn đến chất lượng cuộc sống kém: Các triệu chứng của bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không kiểm soát được, đặc biệt người mắc bệnh thường phải kiêng khem khổ sở do thức ăn là một yếu tố làm kích phát triệu chứng bệnh, cũng chính điều này làm người bệnh ngại đi chơi xa, ngại tụ tập ăn uống cùng bạn bè….làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Rối loạn tâm trạng: Các triệu chứng đau bụng, đi ngoài xảy ra thường xuyên làm người bệnh lo lắng, chán nản, yếu tố cảm xúc có ảnh hưởng đến bệnh do đó điều này lại vô tình làm bệnh nặng thêm, bệnh nặng thêm người bệnh lại càng stress…đây là một vòng luẩn quẩn mà không phải ai cũng biết.

Những thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi đang uống thuốc điều trị viêm đại tràng co thắt

Những thực phẩm nên ăn

- Trước hết là bệnh nhân cần phải tăng cường những thực phẩm giàu lượng chất xơ hòa tan có trong các loại rau củ quả vì đây là những thực phẩm dễ tiêu hóa, tốt cho đại tràng và hệ tiêu hóa thì phải giảm tiêu thụ những chất xơ không hòa tan, bởi nó sẽ kích thích các cơn co thắt đại tràng.

- Bệnh nhân nên ăn nhiều sữa chua sẽ tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên nếu có hiện tượng không dung nạp lactose thì không nên tiêu thụ các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm lên men, những chất làm ngọt trong các loại bánh kẹo,…

- Nên uống nước thường xuyên trong suốt cả ngày, bởi viêm đại tràng thường khiến cơ thể mất nước nhanh chóng. Bổ sung đủ nước không chỉ thanh lọc cơ thể mà còn tốt cho đại tràng.

- Bệnh nhân bị viêm đại tràng không nên kiêng khem quá nhiều mà phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nên ăn uống đúng giờ theo chỉ định của bác sỹ, có một chế độ ăn uống hợp lý, ăn chín uống sôi, nhai kĩ khi ăn. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý nên chế biến thực phẩm tốt cho đại tràng đúng cách, không sử dụng nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, ôi thui, nhiễm bẩn để bảo vệ sức khoẻ của mình và những người xung quanh.

- Ngoài chế độ ăn uống hợp lý bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên để rèn luyện thân thể, tăng sức đề kháng chống trọi với bệnh.

Những thực phẩm nên kiêng ăn

- Tránh uống rượu, sô-cô-la, bia,cà phê và thức uống chứa caffeine vì chúng kích thích các cơn co thắt của ruột tăng lên, bệnh khó kiểm soát và việc uống thuốc điều trị viêm đại tràng co thắt có thể mất đi tác dụng.

- Người bệnh đại tràng nên kiêng ăn nhiều các loại gia vị có vị cay nóng, nhiều chất béo như: (hạt tiêu, ớt, ớt cayenne,…).

- Không nên ăn những thức ăn được lên men như: dưa chua, cà muối bới những thực phâm này có chứa nhiều vi khuẩn có hại cho đường ruột làm giảm tác dụng khi dùng thuốc chữa bệnh viêm đại tràng co thắt.

- Người bệnh không nên ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo không tan bởi nó làm tăng thời gian tiêu hoá thức ăn trong dạ dày, gây táo bón và nghiêm trọng hơn sẽ làm cơn đau bụng do co thắt đại tràng tăng lên.

- Người bệnh cũng nên loại bỏ những loại thực phẩm có thể gây đại tràng đầy hơi, chướng bụng ra khỏi danh sách ăn uống của mình.

Phong Vũ

Theo chuyên đề Sức khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/viem-dai-trang-co-that-co-nguy-hiem-khong-26628/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY