Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Viêm đường tiết niệu ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ, đâu là nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?

Bệnh viêm đường niệu là căn bệnh có thể gây đảo lộn cuộc sống của người mắc bởi những triệu chứng của bệnh như tiểu buốt, tiểu rắt và tình trạng đau nhức kéo dài. Vậy nguyên nhân nào gây viêm tiết niệu

1. Viêm đường tiết niệu là bệnh gì?

Hệ tiết niệu bao gồm các cơ quan: Hai quả thận, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Thận có chức năng lọc máu và bài tiết các chất thải ra khỏi máu, các sản phẩm chuyển hóa đạm, chất điện giải để hình thành nước tiểu. Nước tiểu đi qua các ống lọc trong thận trở thành cô đặc dần, theo niệu quản tới dự trữ ở bàng quang. Khi bàng quang đầy, nước tiểu sẽ được tống xuống niệu đạo thông qua hệ thống tín hiệu tới não bộ.

Ở người bình thường, nước giải là hoàn toàn vô trùng. Khi có sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu, tức là đường tiết niệu bị viêm, hay còn gọi là nhiễm khuẩn tiết niệu.

Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu cao hơn nam giới. Khi mắc, người bệnh thường cảm thấy đau đớn và khó chịu. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu nhiễm trùng lây lan đến thận.

2. Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu

Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu cao hơn nam giới - (Ảnh: Internet).

Nhiễm trùng đường tiết niệu không phải lúc nào cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng, đôi khi chúng ta chỉ phát hiện ra bệnh thông qua các xét nghiệm nước tiểu. Nếu có triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

- Cảm giác thôi thúc muốn đi tiểu và dai dẳng

- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu

- Đi tiểu thường xuyên, nhưng tiểu lắt nhắt

- Nước tiểu có màu đục

- Nước tiểu có màu đỏ, hồng tươi hoặc màu nâu, dấu hiệu của tiểu ra máu

- Nước tiểu có mùi nồng

- Đau vùng chậu, ở phụ nữ - đặc biệt là ở trung tâm của xương chậu và xung quanh khu vực xương mu

Nhiễm trùng tiểu có thể bị bỏ qua hoặc nhầm với các bệnh lý khác ở người lớn tuổi.

Các loại nhiễm trùng đường tiết niệu

Mỗi loại nhiễm trùng tiểu có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể hơn, tùy thuộc vào phần nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng.

- Nhiễm trùng thận (viêm bể thận cấp tính): Khi thận bị nhiễm trùng, người mắc sẽ có thể gặp các triệu chứng như đau lưng hoặc đau một bên (sườn), sốt cao, rùng mình và ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa.

- Nhiễm trùng Bàng quang (viêm bàng quang) sẽ gây ra các triệu chứng như áp lực vùng chậu, khó chịu vùng bụng dưới, đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt, có máu trong nước tiểu.

- Niệu đạo (viêm niệu đạo): Người mắc sẽ thấy nóng rát khi đi tiểu, ngứa hoặc khó chịu ở niệu đạo – ống dẫn tiểu.

3. Các nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập đường tiết niệu thông qua niệu đạo và bắt đầu nhân trong bàng quang. Mặc dù hệ thống tiết niệu được thiết kế để ngăn chặn những kẻ xâm lược siêu nhỏ như vậy, nhưng những biện pháp phòng thủ này đôi khi cũng gặp vấn đề. Khi điều đó xảy ra, vi khuẩn có thể ở lại và phát triển thành nhiễm trùng toàn bộ trong đường tiết niệu.

Nhiễm trùng tiểu phổ biến nhất xảy ra chủ yếu ở phụ nữ và ảnh hưởng đến bàng quang và niệu đạo.

- Nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang): Loại nhiễm trùng đường tiết niệu này thường do Escherichia coli (E. coli), một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa gây ra. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân có thể là do các vi khuẩn gây ra.

- Nhiễm trùng niệu đạo (viêm niệu đạo): Loại nhiễm trùng này có thể xảy ra khi vi khuẩn đường tiêu hoá lây lan từ hậu môn đến niệu đạo. Ngoài ra, do niệu đạo của phụ nữ gần với âm đạo, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, chẳng hạn như herpes, lậu, chlamydia và mycoplasma, có thể gây viêm niệu đạo.

4. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm niệu đạo

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp ở phụ nữ, và nhiều phụ nữ mắc nhiều hơn một lần trong đời. Các yếu tố nguy cơ cụ thể đối với phụ nữ đối với nhiễm trùng tiểu bao gồm:

- Cấu tạo giải phẫu nữ: Phụ nữ có đường niệu đạo ngắn (chỉ 3-4cm) hơn so với đàn ông (18-20cm), điều này rút ngắn khoảng cách mà vi khuẩn phải di chuyển để đến bàng quang.

- Hoạt động tình dục: Phụ nữ hoạt động tình dục có xu hướng bị nhiễm trùng tiểu nhiều hơn phụ nữ không hoạt động tình dục. Có bạn tình mới cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Một số hình thức kiểm soát sinh sản: Phụ nữ sử dụng màng chắn để tránh thai, cũng như phụ nữ sử dụng chất diệt tinh trùng có thể có nguy cơ mắc cao hơn.

- Thời kỳ mãn kinh: Sau khi mãn kinh, sự suy giảm estrogen lưu thông gây ra những thay đổi trong đường tiết niệu khiến bạn dễ bị nhiễm trùng.

Các yếu tố nguy cơ khác của viêm đường tiết niệu bao gồm:

- Bất thường đường tiết niệu: Trẻ sinh ra với các bất thường về đường tiết niệu không cho phép nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể một cách bình thường hoặc khiến nước tiểu trào ngược lên niệu đạo sẽ làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu.

- Sự tắc nghẽn trong đường tiết niệu: Sỏi thận hoặc tuyến tiền liệt mở rộng có thể giữ nước tiểu trong bàng quang và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.

- Hệ thống miễn dịch bị ức chế: Bệnh tiểu đường và các bệnh khác làm suy giảm hệ thống miễn dịch, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.

- Sử dụng ống thông: Những người không thể tự đi tiểu và sử dụng ống thông để đi tiểu có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu cao hơn. Những đối tượng này thường là những người có vấn đề về thần kinh khó kiểm soát khả năng đi tiểu và những người bị liệt.

- Các tác động đến tiết niệu gần đây: Phẫu thuật tiết niệu hoặc kiểm tra đường tiết niệu có liên quan đến dụng cụ y tế đều có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

5. Viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không?

Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh viêm đường tiết niệu hiếm khi dẫn đến biến chứng. Nhưng nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Các biến chứng của nhiễm trùng tiểu có thể bao gồm:

- Nhiễm trùng tái phát, đặc biệt ở những phụ nữ bị nhiễm trùng tiết niệu từ hai lần trở lên trong khoảng thời gian từ sáu tháng trở lên trong vòng một năm.

- Tổn thương thận vĩnh viễn do nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mãn tính (viêm bể thận) do nhiễm trùng tiểu không được điều trị.

- Tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai.

- Hẹp niệu đạo ở nam giới do viêm niệu đạo tái phát, trước đây đã từng mắc viêm niệu đạo do lậu cầu.

- Nhiễm trùng huyết, một biến chứng có thể đe dọa tính mạng của nhiễm trùng, đặc biệt là nếu nhiễm trùng đi lên đường tiết niệu đến thận của người bệnh.

6. Phòng ngừa viêm đường tiết niệu

Bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:

- Uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước: Uống nước giúp làm loãng nước tiểu và đảm bảo rằng bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn, điều này cho phép loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu trước khi nhiễm trùng có thể xảy ra.

- Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục - tiết niệu. Vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu và sau khi đi tiêu giúp ngăn vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan sang âm đạo và niệu đạo.

- Làm rỗng bàng quang ngay sau khi giao hợp. Ngoài ra, hãy uống một cốc nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn.

- Tránh các sản phẩm phụ nữ có khả năng gây kích ứng: Sử dụng thuốc xịt khử mùi hoặc các sản phẩm phụ nữ khác, chẳng hạn như dung dịch vệ sinh phụ nữ có thể gây kích ứng niệu đạo.

- Thay đổi phương pháp ngừa thai: Màng ngăn, hoặc bao cao su không được bôi trơn hoặc được xử lý bằng chất diệt tinh trùng, đều có thể góp phần vào sự phát triển của vi khuẩn.

- Những bệnh nhân từng bị hoặc đang bị sỏi thận - tiết niệu phải thường xuyên khám và tầm soát nhiễm trùng tiểu để điều trị sớm, can thiệp lấy sỏi khi có chỉ định.

- Khi nhiễm khuẩn tiết niệu phải điều trị đúng phương pháp và triệt để ngay từ đầu, phòng ngừa tái diễn.

7. Một số phương pháp hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu tại nhà

Sử dụng tỏi để chữa nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Tỏi là một gia vị có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm rất hiệu quả. Trong thành phần của tỏi chứa nhiều kháng sinh allicin, tinh dầu tỏi giàu glycogen, fitonxit có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm nhiễm, sát trùng tốt. Bên cạnh đó, tỏi cũng giàu vitamin A, B, C, hydrat cacbon, polisaccarit, inulin và các khoáng chất, nguyên tố vi lượng cần thiết như I-ot, Canxi, Magie…

Cách sử dụng:

- Ăn 3 – 4 tép tỏi sống trong vài ngày sẽ giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Trước khi sử dụng tỏi, nên thái lát mỏng để ngoài không khí 15 phút để các kháng sinh trong tỏi có thể kết hợp với oxy ngoài không khí tạo thành chất chữa bệnh, đặc biệt là chống ung thư.

Nha đam (lô hội)

Nha đam có đặc tính chống viêm, rất tốt cho người bệnh viêm đường tiết niệu - (Ảnh: Internet).

Nha đam hay lô hội có tính sát khuẩn, và đặc tính chống viêm tốt nhờ các chất như axit salixylic, chromone C-glucosyl, enzym bradykinin. Do đó, nó có khả năng ức chế quá trình sản sinh axit của cơ thể và ngăn ngừa viêm nhiễm hiệu quả.

Cách sử dụng:

- Uống nước lô hội 2 ngày/lần để hỗ trợ cho quá trình điều trị viêm đường tiết niệu.

Chỉ nên dùng lớp thịt bên trong của lá nha đam, không dùng lớp vỏ và lớp nhựa vì phần này có chứa độc tố.

Không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Không dùng cùng lúc với các thuốc nhuận tràng, không uống quá nhiều để tránh tổn thương gan.

Chữa viêm đường tiết niệu bằng râu ngô

Râu ngô là bộ phận nằm ở đầu của bắp ngô. Trong râu ngô có chứa nhiều vitamin như A, B1, B2, K có tác dụng tăng cường sức đề kháng, lợi tiểu, làm tan sỏi thận, chữa viêm nhiễm đường tiết niệu. Uống râu ngô vào buổi sáng sẽ giúp thanh lọc thận, ngăn ngừa sự lắng cặn và hỗ trợ đào thải độc tố ra ngoài cơ thể.

Cách sử dụng:

- Chọn 100gr râu ngô tươi, sợi to, bóng mượt có màu nâu nhung vì chứa nhiều dưỡng chất hơn.

- Đem rửa sạch, đun sôi với 100ml nước ở lửa nhỏ từ 10 – 15 phút.

- Uống đều đặn 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối, trước bữa ăn 3 – 4 giờ. Mỗi lần dùng từ 20 - 60ml.

- Có thể dùng nước râu ngô thay nước lọc.

Để tăng hiệu quả điều trị, nên dùng với bông mã đề. Lấy 30gr râu ngô, 30g bông mã đề nấu với 200ml nước để sôi trong 5 phút thì thêm ít đường để uống.

8. Chế độ ăn uống giúp điều trị viêm đường tiết niệu hiệu quả

Viêm đường tiết niệu nên ăn gì?

- Tăng cường các loại thực phẩm giàu Vitamin C: Vitamin C có tác dụng nâng cao sức đề kháng nhằm ức chế hoạt động của vi khuẩn E.coli. Nhờ đó mà hỗ trợ tích cực cho các loại thuốc điều trị đang sử dụng. Những nguồn giàu vitamin C là các loại rau củ quả, nước ép, sinh tố tốt cho đường tiết niệu như cà chua, cà rốt, nước cam, súp lơ.

- Thực phẩm giàu Probiotic: Probiotic có thể thúc đẩy sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột của người bệnh và chống lại một số bệnh lý. Probiotic được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm lên men bao gồm kimchi, sữa chua, kefir,… và các chế phẩm sữa chua sinh học khác.

- Trái cây và rau xanh: Trái cây tươi và rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ có thể tăng lượng nước trong cơ thể và hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, sử dụng nhiều trái cây tươi cũng giúp tăng lượng nước tự nhiên trong cơ thể, thải độc và phòng chống các triệu chứng viêm nhiễm đường tiết niệu.

Viêm đường tiết niệu kiêng gì?

- Muối: Ăn quá nhiều quá mặn sẽ khiến cho thận phải hoạt động nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể. Nếu trường hợp viêm đường tiết niệu tác động đến thận đồng thời muối tích tụ sẽ có thể khiến thận suy giảm chức năng.

- Chất kích thích, đồ uống có gas, cồn chưa bao giờ có lợi cho sức khoẻ tổng thể, đặc biết là sức khoẻ của hệ tiết niệu. Chất kích thích như thuốc lá có chứa hàm lượng cao thành phần gây nghiện, làm tổn hại đến sức khỏe, gây nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy mà khi vi khuẩn E.coli xâm nhập gây viêm đường tiết niệu sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi tấn công sâu hơn vào cơ thể.

- Người bị viêm đường tiết niệu cũng cần phải tránh các loại dầu mỡ có nguồn gốc từ động vật hoặc những loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, phomai, socola,… vì chúng có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.

Bệnh viêm đường tiết niệu có thể phòng ngừa và chữa trị nếu người bệnh phát hiện sớm và chủ động đi khám để điều trị. Vì vậy, đừng quá lo lắng về bệnh vì ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, nếu bạn được thăm khám và điều trị kịp thời bằng biện pháp phù hợp cùng với chế độ dinh dưỡng và các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà thì tình trạng bệnh thì sẽ được cải thiện mà không gây ra bất kì biến chứng nguy hiểm nào cho sức khỏe.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/viem-duong-tiet-nieu-anh-huong-chu-yeu-den-phu-nu-dau-la-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-31769/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY