Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày- Bệnh lý nguy hiểm không thể xem thường

Dạ dày có cấu tạo gồm nhiều bộ phận khác nhau và vị trí nào cũng có thể mắc bệnh, trong đó có bờ cong nhỏ dạ dày.

Vị trí của bờ cong nhỏ dạ dày

Cấu trúc của dạ dày gồm nhiều bộ phận khác nhau. Phía trên cùng nối với thực quản được gọi là tâm vị, bên dưới là hang vị (bờ cong lớn), bờ cong nhỏ, tiền môn vị và môn vị.

Bao phủ toàn bộ mặt trong của dạ dày là niêm mạc. Lớp niêm mạc dạ dày này có chức năng bài tiết ra dịch vị, là một hỗn hợp các chất có thành phần như axit clohidric (HCl) và enzyme pepsin.

Cấu trúc dạ dày gồm nhiều bộ phận khác nhau, trong đó có bờ cong nhỏ

Cấu trúc dịch vị có tới 99,5% là nước và chỉ có 0,5% là vật chất khô gồm các chất hữu cơ (protein, các enzim như: axít lactic, ure, axít uric...) và chất vô cơ (HCl, muối clorua, muối sunfat của các nguyên tố Ca, Na, K, Mg).

Vai trò của dịch vị là giúp tiêu hóa các loại thức ăn có bản chất protein thành các dạng polipeptid đơn giản hơn. Bên cạnh đó, chất dịch nhầy này sẽ bao bọc lấy thức ăn, tạo độ trơn nhờ đó việc vận chuyển thức ăn trong hệ tiêu hóa dễ dàng hơn.

Vì một lí do nào đó, khi lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương sẽ dẫn tới bệnh dạ dày. Tên gọi của bệnh sẽ tùy thuộc vào vị trí mà niêm mạc bị tổn thương.

Chẳng hạn viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc ở vị trí bờ cong nhỏ dạ dày bị viêm, khi không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn tới loét dạ dày.

Nguyên nhân gây viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Trước đây, nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày dựa theo giả quyết do thần kinh.

Tuy nhiên, những nghiên cứu ngày nay cho thấy, bệnh viêm loét dạ dày nói chung, trong đó có viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày có thể do việc dùng thuốc gây nên.

Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng viêm loét dạ dày như thuốc corticoid dùng điều trị bệnh khớp, bệnh dị ứng… hoặc thuốc không steroid dùng điều trị giảm đau, hạ sốt, bệnh khớp hoặc dùng thuốc Tanganyl, Betasec… trong điều trị hội chứng rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não).

Bên cạnh đó chế độ ăn uống không khoa học, ăn quá nhiều đồ cay nóng, không nhai kỹ khi ăn, ăn uống không có giờ giấc, uống nhiều rượu bia... hoặc tình trạng căng thẳng quá mức kéo dài liên tục cũng có thể dẫn tới viêm loét dạ dày.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu nhất, chiếm tới trên 90% trường hợp mắc bệnh viêm bờ cong nhỏ dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày

Vào năm 1983, các nhà khoa học đã phát hiện ra việc vi khuẩn HP gây ra bệnh dạ dày. Tác giả của phát hiện này đã nhận được giả Nobel Y học vào năm 2006.

Đến nay, các nghiên cứu, khảo sát đã cho thấy vi khuẩn HP là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày nói chung và viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nói riêng.

Đặc biệt, người bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, có thể lây lan cho người khác theo con đường phân – miệng.

Nghĩa là vi khuẩn HP nằm trong dạ dày của người mắc bệnh đào thải ra ngoài cùng với phân. Nếu việc vệ sinh môi trường kém, vệ sinh an toàn thực phẩm kém, vi khuẩn này có thể nhiễm vào thực phẩm, nước uống gây lây lan bệnh sang cho người khác.

Bệnh viêm bờ cong nhỏ dạ dày cần được phát hiện và điều trị sớm. Bởi nếu chậm trễ rất dễ dẫn tới loét bờ cong nhỏ rất nguy hiểm. Đặc biệt là với những người đã có tuổi, khi sức đề kháng đã suy giảm.

Triệu chứng của bệnh viêm, loét bờ cong nhỏ dạ dày

- Đau bụng

Triệu chứng đầu tiên và dễ nhận biết nhất của chứng viêm, loét bờ cong nhỏ dạ dày là tình trạng đau bụng.

Đau bụng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh dạ dày

Bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau thắt ở thượng vị, đau có thể lan lên cả vùng xương ức khiến bệnh nhân nhầm tưởng mình bị bệnh phổi hoặc tim mạch. Đau có thể lan ra cả sau lưng.

Tình trạng đau bụng có lúc âm ỉ, có khi lại đau dữ dội phải gập người mới đỡ đau một chút, có khi đau kéo dài không dứt.

Khi mới bị viêm, bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều hơn khi ăn (đau lúc no), nhưng khi bệnh tiến triển tới mức loét thì dù no hay đói cũng đều cảm giác đau.

Người bệnh đau nhiều hơn khi thay đổi thời tiết đột ngột như mưa nắng thất thường, nóng lạnh đột ngột, gió mùa, áp thấp nhiệt đới...

Cơn đau bụng thường dữ dội hơn về ban đêm, dẫn tới tình trạng mất ngủ triền miên, ăn uống kém, xanh xao, mệt mỏi, hay cáu gắt...

- Buồn nôn và nôn

Bệnh nhân mắc bệnh viêm loét dạ dày nói chung và viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nói riêng đều có triệu chứng buồn nôn và nôn.

Chẩn đoán viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Để xác định chính xác bạn có mắc căn bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày hay không thì cần đến bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám.

Bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua việc chụp dạ dày với thuốc có cản quang. Để chụp dạ dày bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi chụp, thông thường sẽ chụp 5 tư thế khác nhau để chẩn đoán.

Ngày nay, kỹ thuật nội soi dạ dày được áp dụng rộng rãi và phổ biến hơn cả. Nội soi dạ dày cho biết chính xác tình trạng viêm, loét của dạ dày.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn của phương pháp này là khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu khi bị luôn dây có gắn camera vào dạ dày.

Để khắc phục, có thể sử dụng hình thức nội soi có gây mê, nhưng chi phí tương đối cao.

Việc nội soi dạ dày đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo bài bản và càng có kinh nghiệm càng tốt để tránh gây tổn thương tới các vùng khác trong quá trình nội soi.

Muốn nhận biết viêm, loét bờ cong nhỏ dạ dày có phải do vi khuẩn HP hay không, bác sĩ sẽ tiến hành test HP bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, trong đó chắc chắn nhất là sử dụng kỹ thuật sinh học phân từ (PRC).

PRC là một kỹ thuật hiện đại, cho tỉ lệ chính xác rất cao (gần 100%). Bên cạnh đó nếu trong manh sinh thiết khi nội soi dạ dày có ít vi khuẩn hoặc vi khuẩn đã chết thì phản ứng PRC vẫn báo dương tính.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Bệnh viêm loét dạ dày nói chung đều có thể dẫn tới biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Tùy vào vị trí viêm loét tính chất của biến chứng có thể khác nhau.

Chẳng hạn viêm loét dạ dày – hành tá tràng thường gây đau đớn nhiều, dễ dẫn đến biến chứng xuất huyết, thủng dạ dày nhưng tỉ lệ biến chứng thành ung thư không cao.

Trong khi đó, viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày tỉ lệ xuất huyết thấp hơn, ít đau hơn nhưng khả năng biến chứng thành ung thư cao hơn rất nhiều.

Chính vì thế, viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Để chẩn đoán ung thư bờ cong nhỏ dạ dày, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp cắt lớp dạ dày có thuốc cản quang. Khi chụp người bệnh nên để bụng rỗng.

Bệnh ung thư bờ cong nhỏ dạ dày có thể di căn sang các bộ phận khác như tụy, ruột, xương nếu không được điều trị sớm với phác đồ tích cực.

Điều trị viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh dạ dày, nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân, tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra được phác đồ điều trị thích hợp nhất cho từng người bệnh.

Hiện nay, với bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày, các bác sĩ thường điều trị dựa vào nguyên tắc trung hòa dịch vị, ức chế trung tâm sản sinh dịch vị, chống đau.

Nếu do vi khuẩn HP (phải được xác định ở cơ sở y tế có đủ điều kiện) sẽ được điều trị bằng kháng sinh và an thần.

Các biện pháp phòng ngừa viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Để phòng ngừa viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nói riêng và viêm loét dạ dày nói chung, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

- Ăn chậm, nhai kỹ, ăn uống với mức độ vừa phải và không nên ăn khuya trước khi đi ngủ

- Ăn chín uống sôi để dạ dày không bị nhiễm khuẩn

- Sử dụng bia rượu với mức độ vừa phải vì nó rất dễ khiến bạn bị viêm dạ dày

- Tạo thói quen ăn uống đúng giờ để tạo ra nhịp sinh học ổn định cho dạ dày.

- Hạn chế các thực phẩm có vị chua như cóc, xoài… hay thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, hành vì nó sẽ không tốt cho dạ dày của bạn.

- Các chất kích thích như cà phê, chè đặc, nước uống có ga … sẽ khiến cho dạ dày tiết ra nhiều axít hơn gây hại cho niêm mạc dạ dày.

- Không hút thuốc lá, không thức khuya quá 11h đêm

- Sắp xếp hợp lý giữa nghỉ ngơi và lao động để tinh thần luôn được thoải mái nhất

- Không nên lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau vì nó rất hại cho bao tử.

- Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng của cơ thể,phòng chống bệnh tật, giúp các cơ quan hoạt động nhẹ nhịp nhàng.

Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh, chú trọng an toàn thực phẩm để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn HP thông qua đường ăn uống, gây viêm, loét dạ dày.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/viem-loet-bo-cong-nho-da-day-benh-ly-nguy-hiem-khong-the-xem-thuong-25600/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY