Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Viêm tuyến tiền liệt- Nỗi ám ảnh của quý ông

Nhưng có một căn bệnh nam khoa mà những người ở độ tuổi trưởng thành cũng có nguy cơ mắc phải, đó là bệnh Viêm tuyến tiền liệt (VTTL).

Viêm tuyến tiền liệt mặc dù không gây ung thư nhưng lại gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Cỗ máy đang hoạt động trơn tru trước đây bỗng nhiên trở chứng không thể điều khiển được nữa: người bệnh bức bối trong người do thường xuyên mắc tiểu; cảm giác đau nhói và rát ở vùng đáy xương chậu, ở tinh hoàn hay vùng thắt lưng; nước tiểu chảy chậm, tiểu đêm nhiều lần.

Đáng buồn hơn là hơn 80% trường hợp VTTL dẫn đến giảm khả năng tình dục như khó tạo hưng phấn, xuất tinh sớm, cảm giác đau khi xuất tinh, đôi khi có thể dẫn đến vô sinh do chất lượng tinh trùng quá thấp.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt

Có những thói quen tưởng chừng như vô hại thì lại là nguyên nhân chính dẫn đến chứng bệnh VTTL gây ra nhiều phiền toái cho nam giới không chỉ ở thể xác mà cả về tinh thần. Một trong những nguyên nhân là từ lối sống ít vận động do nghề nghiệp phải thường xuyên ngồi nhiều và lâu. Hoặc do làm những nghề có chấn động hay rung, lắc nhiều; hoặc đi xe đạp liên tục. Việc ít sinh hoạt tình dục dẫn đến dịch tiết ít lưu thông cũng có thể gây ra VTTL. Với những đối tượng bị viêm hoặc nhiễm khuẩn Tuyến tiền liệt gây sưng chèn ép ống niệu đạo; Mới bị viêm bàng quang hoặc đường tiết niệu; Phải đặt ống xông kể cả chưa đến độ tuổi nguy cơ thì vẫn rất dễ mắc phải bệnh VTTL.

Thật không quá khi nói rằng tuyến tiền liệt như trái tim thứ hai của nam giới. Cái cơ quan có kích thước và hình dạng như nhân quả hạnh đào nằm phía dưới bàng quang có chức năng chính là sản xuất tinh dịch, giúp cho việc nuôi dưỡng, vận chuyển tinh trùng, sinh ra hormone nam testosteron. Bởi vậy chúng ta có thể coi bộ phận này như một thứ bảo bối tình yêu của đàn ông

Phân loại bệnh viêm tuyến tiền liệt

Căn bệnh đe dọa trái tim thứ hai của người đàn ông này được chia ra làm ba thể:

VTTL cấp tính, VTTL mạn tính và VTTL không do vi khuẩn

VTTL cấp tính có triệu chứng là Tuyến tiền liệt sưng to, nước tiểu đục, kèm theo đái buốt, đái rắt và có khi đái khó. Người bệnh sốt cao 38-39 độ C, có khi rét run. Bạch cầu và tốc độ máu lắng đều tăng cao. Thăm dò trực tràng có cảm giác nóng, ấn vào tuyến tiền liệt thì rất đau. Kiểm tra nước tiểu: đầu bãi, nước tiểu có mủ, giữa bãi thì nước tiểu trong nhưng ở cuối bãi, nếu cho ngón tay vào trực tràng xoa nắn tuyến tiền liệt thì nước tiểu có dịch đục và mủ chảy ra theo.

Nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn đột nhập tuyến tiền liệt, chủ yếu theo đường niệu đạo, thường xảy ra sau quan hệ tình dục hoặc sau những thủ thuật đường niệu (như nong dò niệu đạo, thông tiểu hoặc đặt ống dẫn lưu...). Vi khuẩn vào tuyến tiền liệt theo đường máu rất ít gặp. Với trường hợp này cần được điều trị đúng phương pháp như nghỉ ngơi, ngâm nước ấm và dùng kháng sinh đặc hiệu, ofloxacin, norfloxacin, pefloxacine, cyprofloxacin... thì bệnh sẽ đỡ dần và khỏi.

Nếu không được chăm sóc điều trị thì bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng:

- Nhiễm khuẩn huyết dễ dẫn tới tử vong.

- Viêm nội mạc cơ tim. - Bí đái cấp, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn. - Tại chỗ sẽ dẫn tới: áp-xe tuyến tiền liệt

Thể thứ hai là VTTL mãn tính thì triệu chứng gần giống như viêm cấp nhưng phát triển chậm hơn và bệnh nhân không có biểu hiện sốt hay ớn lạnh mà thường chỉ có cảm giác khó chịu như đau vùng hạ vị và tầng sinh môn, xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục hoặc một số triệu chứng tiết niệu như: mót tiểu, đái rắt. Cần chú ý là ở một số trường hợp có chất nhầy và mủ chảy ra đầu miệng sáo vào buổi sáng, dễ nhầm với bệnh lậu.

Về nguyên nhân bệnh thường là do đặt ống dẫn lưu, nong niệu đạo bằng dụng cụ, cũng có khi do viêm đường niệu lan tới một cách trực tiếp nhưng đáng chú ý là do từ những ổ nhiễm khuẩn xa như viêm mủ chân răng, viêm tai mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản... Ngoài ra còn do một số hành động như kích thích tình dục quá mức hoặc thủ dâm. Chính vì những nguyên nhân xa xôi đó nên khi có biểu hiện bệnh người bệnh thường không nhận ra và đi khám để chữa trị kịp thời nên dễ mắc những biến chứng như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm cơ, viêm mống mắt…

Để điều trị VTTL mạn tính phải dùng các thuốc thấm sâu vào tổ chức tuyến như: Trimethroprim - sulfamethoxazol. Tetracyclin hoặc erythromycine kéo dài 4-12 tuần. Khi kháng sinh dùng tối đa không khỏi vì tuyến tiền liệt viêm xơ nặng hoặc có sỏi thì phải cắt nội soi qua niệu đạo hoặc phẫu thuật mở bóc bỏ hết tổ chức viêm và sỏi.

Thể thứ ba là VTTL không do vi khuẩn, nguyên nhân do dị ứng, yếu tố miễn dịch, do hóa chất, do tâm lý và nhiều khi không tìm thấy nguyên nhân nào cả. Triệu chứng giống như trong VTTL mạn tính và mọi xét nghiệm đều không tìm thấy vi khuẩn mà chỉ thấy BK tăng cao bất thường trong dịch thử. Cần chú ý tìm bạch cầu trong nước tiểu và dịch tuyến tiền liệt.

Việc điều trị chủ yếu bằng điều trị triệu chứng (giảm đau, an thần, lợi tiểu, vitamin A và vitamin E). Không nên dùng các chất kích thích như rượu mạnh, cà phê, nước giải khát có ga, các gia vị nóng như tiêu ớt và đặc biệt phải chống táo bón. Cần giải thích cho người bệnh biết rõ đây là một bệnh lành tính, không lây truyền, khuyên bệnh nhân nên ngâm nước ấm vùng hậu môn và bìu hàng ngày. Việc điều trị phải có sự cộng tác chặt chẽ giữa người bệnh và thầy thuốc mới mang lại hiệu quả.

Phòng tránh bệnh viêm tuyến tiền liệt

Lời khuyên cho nam giới để phòng tránh những bệnh trên đó là uống nhiều nước nhưng phải thường xuyên đi tiểu, “sinh hoạt tình dục” điều độ, kiểm soát stress, tránh uống rượu và đồ uống có caffein (trà, cà phê…).

Ngoài ra giải pháp để giúp những người phải làm việc trong tư thế ngồi, đó là tận dụng mọi cơ hội để đứng lên và đi lại. Thường xuyên luyện tập các môn thể thao như chạy bộ, bơi lội và các bài tập thể dục. Thói quen ăn uống cũng là nhân tố gây bệnh, vì vậy cần thiết lập một chế độ ăn uống cân bằng với ít chất béo và nhiều rau quả, nên ăn nhiều súp lơ xanh vì nó có thể giúp ngăn ngừa căn bệnh trên.

Với những kiến thức về bệnh VTTL, những lời khuyên về phòng và chữa bệnh mà chúng tôi cung cấp, chúc cho một nửa của thế giới luôn khỏe mạnh và tràn trề sinh lực.

Bích Liên

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/viem-tuyen-tien-liet-noi-am-anh-cua-quy-ong-26500/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY